Cô học trò dân tộc Tày với khát vọng lan toả văn hoá đọc
- Tự tin và năng động là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với em Hứa Thị Nhung (sinh năm 2010), học sinh lớp 9B, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT huyện Văn Lãng – cô học trò dân tộc Tày vừa giành giải nhất Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" năm 2024. Nữ sinh nhỏ nhắn và xinh xắn này đang khát khao, nỗ lực thực hiện sứ mệnh lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Em Hứa Thị Nhung sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng. Từ nhỏ, Nhung đã say mê những cuốn sách, truyện, tuy nhiên do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc tiếp cận với sách báo của em có phần hạn chế hơn bạn bè đồng trang lứa. Sau khi đi học, em thường xuyên đến thư viện của nhà trường để mượn những cuốn sách liên quan đến Bác Hồ, sách văn học… Dần dần theo năm tháng niềm đam mê được nuôi dưỡng và trở thành thói quen và niềm vui hằng ngày của Nhung.
Em Hứa Thị Nhung chia sẻ: Đối với em, sách như một người bạn cùng em trên hành trình phám phá tri thức. Bên cạnh đó, em còn biết đến nhiều câu chuyện thú vị xung quanh cuộc sống. Điều này đã giúp em có được tâm hồn tinh tế hơn, mở rộng tầm nhìn và hiểu hơn về cuộc sống. Cũng từ đó sách trở thành người bạn thân thiết trên con đường học tập của em.
Đến với Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm nay, Nhung đã giới thiệu đến với mọi người cuốn sách mà em tâm đắc nhất đó là “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”. Đây là tập nhật ký của nữ liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm được viết tay từ những năm 1968 - 1970. Cuốn sách khắc họa sâu sắc những hình ảnh đầy gian khổ, khó khăn của những thanh niên xung phong, những cuộc chiến đầy trắc trở hiểm nguy. Thông qua cuốn sách, em Hứa Thị Nhung mong muốn lan toả mạnh mẽ lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Trao đổi thêm về việc tham gia cuộc thi, em Nhung cho biết: Đối với đề thi năm nay, sau khi giới thiệu nhân vật truyền cảm hứng từ cuốn sách yêu thích, điều em cảm thấy khó khăn nhất là xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt đối với các bạn là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật. Sau thời gian suy nghĩ và tìm hiểu, em đã quyết định hướng đến đối tượng để xây dựng kế hoạch phát triển văn hoá đọc là người khiếm thị - những người yếu thế trong xã hội. Kế hoạch của em mang tên “Xây dựng bộ chữ nổi cơ bản cho người khiếm thị”.
Được biết, em Hứa Thị Nhung đã thực hiện kế hoạch hành động “Xây dựng bộ chữ nổi cơ bản cho người khiếm thị” sử dụng hạt nhựa để đính trên bề mặt giấy, vải để tạo thành các chữ nổi có nội dung của một số cuốn sách hay. Sau đó, em liên hệ với người khiếm thị trên địa bàn xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng và dạy cô chú học. Em phải cầm tay cô chú để cô, chú cảm nhận được những vị trí nổi, hướng dẫn cô chú học bảng chữ cái, sau đó mới hướng dẫn đọc những bài thơ, sách truyện đơn giản. Quá trình này khá mất thời gian, do đó Nhung và các bạn trong nhóm phải di chuyển nhiều lần vào nhà người khiếm thị để hướng dẫn.
Chị Trần Thị Thơi, cán bộ thư viện, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT huyện Văn Lãng, người hướng dẫn em Nhung thực hiện bài thi cho biết: Với đặc thù là ngôi trường nội trú, học sinh học tập và sinh hoạt tại trường nên phần lớn thời gian các em gắn với lớp học, thư viện. Em Nhung là một trong những học sinh rất tích cực đến với thư viện, không những thế em còn thường xuyên vận động các bạn trong lớp, trong phòng đến thư viện tìm hiểu những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, Nhung còn tích cực tham gia các cuộc thi, các phong trào như viết cảm nhận về cuốn sách, sáng tạo bìa sách, sáng tác thơ…
Không chỉ mong muốn lan toả văn hoá đọc đến những người khiếm thị, ở trường, Nhung còn thường xuyên truyền cảm hứng cho các bạn cùng trang lứa hứng thú hơn với việc đọc sách bằng việc rủ các bạn lên thư viện trong mỗi giờ ra chơi, vận động các bạn xây dựng “Tủ sách cộng đồng” tại lớp, quyên góp sách cũ để tất cả các bạn trong lớp đều được đọc các cuốn sách hay…
Nhận xét về học trò của mình, thầy giáo Hà Văn Dẩn, Chủ nhiệm lớp 9B, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT huyện Văn Lãng cho biết: Em Nhung là một học sinh có sức học tốt, tham gia đầy đủ, nhiệt tình các hoạt động, phong trào của trường, của ngành tổ chức. Ở trường, ở lớp, em là một “đại sứ văn hoá đọc” thường xuyên chia sẻ cho các bạn về những cuốn sách mình yêu thích, khuyến khích các bạn đọc sách và thêm yêu sách.
Trên cương vị là một "đại sứ Văn hoá đọc", Nhung mong muốn trong tương lai có thể thành lập một câu lạc bộ “Thế giới sách”, câu lạc bộ sẽ đưa ra các biện pháp để khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn như: thường xuyên tổ chức các cuộc thi kể chuyện, cuộc thi giới thiệu sách, cuộc thi xếp sách sáng tạo…; tạo trang fanpage của câu lạc bộ, trên đó đăng tải các clip giới thiệu sách theo tháng, các trích dẫn hay trong sách, giới thiệu những cuốn sách theo thể loại, khuyến khích mỗi người tự rèn cho mình thói quen đọc sách... Từ đó, có thể góp sức nhỏ bé của mình lan toả lợi ích thiết thực của việc đọc sách, giúp bạn bè cùng trang lứa nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc đọc sách, để văn hoá đọc ngày càng được lan rộng trong cộng đồng.
Ý kiến ()