Có hay không "rào cản pháp lý" trong quản lý thuốc lá thế hệ mới?
Rào cản lớn nhất trong quản lý thuốc lá thế hệ mới không phải là khoảng trống pháp lý mà chủ yếu đến từ nhận thức khác nhau của các cơ quan tham mưu chính sách về thuốc lá thế hệ mới.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thuốc lá là ngành hàng được phép kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam. Vì vậy, để tăng cường kiểm soát, cần thiết phải đưa những sản phẩm đã được xác định là thuốc lá vào phạm vi áp dụng của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và có quy định cấm triệt để các chất độc hại như ma túy, cần sa “núp bóng” thuốc lá thế hệ mới.
Quy định của Luật Đầu tư về kinh doanh thuốc lá
Tại một cuộc tọa đàm với chủ đề phòng chống tác hại thuốc lá và hành động mới từ góc nhìn toàn cầu được tổ chức mới đây, ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp, cho rằng, Luật Đầu tư có các danh mục sản phẩm cấm; hàng hóa kinh doanh có điều kiện, thì thuốc lá là một trong những sản phẩm thuộc hình thức quản lý của nhà nước là kinh doanh có điều kiện.
“Vì vậy, cần phải sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật, mà có thể nhanh nhất là Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá, để đưa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào quản lý ngay trong thời gian tới,” ông Hải đề xuất.
Ông Hải làm rõ thêm, những sản phẩm không phải là thuốc lá mà là cần sa, ma túy hay các chất cấm khác nằm trong vỏ bọc của bất kỳ sản phầm nào thì đương nhiên thuộc danh mục hàng quốc cấm.
Cũng theo ông Hải, nhu cầu quản lý thuốc lá thế hệ mới là rất cấp bách để ứng phó trước tình trạng buôn lậu đang leo thang. Thế nhưng rào cản lớn nhất hiện nay không phải do có khoảng trống pháp lý, mà chủ yếu đến từ nhận thức khác nhau của các cơ quan tham mưu cho Chính phủ và nhà nước.
Ông Hải nhấn mạnh: “Đối với thuốc lá làm nóng thì tôi khẳng định đó là sản phẩm thuốc lá vì được chế tạo từ nguyên liệu thuốc lá dưới dạng mẩu thuốc, sau đó lắp vào thiết bị hút. Theo đó, thay vì đốt cháy điếu thuốc thì thiết bị này sẽ làm nóng nguyên liệu thuốc lá. Cho nên việc nói có rào cản pháp lý là không đúng.”
Vì thế, ông Hải cũng cho rằng các bộ liên quan cần sớm có sự thống nhất để trình Chính phủ hướng xử lý đối với thuốc lá thế hệ mới.
Trước đó, tại cuộc hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới” tổ chức vào cuối tháng 11, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Văn phòng Quốc hội) cũng chỉ ra, theo quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thì thuốc lá làm nóng được hiểu là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.
Không nên đánh đồng thuốc lá thế hệ mới chính danh với hàng lậu
Tại cuộc họp về chính sách quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng ngày 12/12 vừa qua, Giáo sư-Tiến sỹ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh rằng, việc đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là vấn đề quan trọng, cấp bách, cần lấy ý kiến đóng góp Vụ, Cục, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Giáo sư-Tiến sỹ Trần Văn Thuấn đề nghị Vụ Pháp chế rà soát, tập hợp các ý kiến của các đại biểu, từ đó xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu đầy đủ, khách quan về thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và đề xuất chính sách quản lý các sản phẩm này ở Việt Nam.
Các chuyên gia cũng cho rằng, không nên đánh đồng các loại thuốc lá thế hệ mới cũng như giữa các loại đã được kiểm nghiệm khoa học với nguồn hàng xách tay, buôn lậu kém chất lượng.
Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng về mặt bản chất có một số điểm giống nhau nhưng điểm khác biệt là thuốc lá làm nóng chứa nguyên liệu thuốc lá, và người dùng không thể tự ý thay đổi thành phần cấu tạo hay pha trộn bất cứ thứ gì khi sử dụng.
Ngoài ra, thuốc lá điện tử không chứa nguyên liệu thuốc lá, và bên cạnh hệ đóng còn có hệ mở cho phép người dùng có thể bổ sung các hợp chất theo ý muốn, vốn là nguyên nhân gây mất an toàn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá còn Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) phân loại rõ thuốc lá làm nóng theo mã “sản phẩm thuốc lá khác.”
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng duy nhất được kinh doanh với chỉ định là “Sản phẩm thuốc lá Điều chỉnh nguy cơ – Giảm thiểu phơi nhiễm” so với thuốc lá điếu.
Trên thế giới, có 184/193 (trên 95%) quốc gia thành viên của WHO đã đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý theo luật về kiểm soát thuốc lá hoặc phân sản phẩm này vào danh mục hàng hóa khác, bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Italy, Thụy Sỹ, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Malaysia, Indonesia, Philippines,… Trong khi đó có 79/111 quốc gia (trên 70%) cho phép hợp pháp hóa thuốc lá điện tử.
Các chuyên gia quốc tế cũng khuyến nghị Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm quản lý thuốc lá thế hệ mới từ các quốc gia đi trước cũng như các dữ liệu khoa học hiện có về sản phẩm này để hiểu rõ sự khác biệt về mặt chất lượng của những sản phẩm nhập lậu và sản phẩm chính danh, góp phần giúp người không thể cai nghiện thuốc lá có thêm sự lựa chọn giảm thiểu tác hại./.
Ý kiến ()