Có hay không cuộc cạnh tranh chiến lược?
Trong các ngày từ 26-6 đến 3-7, Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm châu Phi, tới các nước Nam Phi, Senegal và Tanzania. Đây là chuyến thăm thứ hai của ông Obama tới châu lục đen trong hai nhiệm kỳ tổng thống. Tại đây, Tổng thống Obama đã đề xuất sáng kiến về thương mại, y tế và kêu gọi đầu tư cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp của châu Phi… Dư luận đặt câu hỏi liệu đây có phải chuyến đi thể hiện cuộc cạnh tranh chiến lược.
– Trong các ngày từ 26-6 đến 3-7, Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm châu Phi, tới các nước Nam Phi, Senegal và Tanzania. Đây là chuyến thăm thứ hai của ông Obama tới châu lục đen trong hai nhiệm kỳ tổng thống. Tại đây, Tổng thống Obama đã đề xuất sáng kiến về thương mại, y tế và kêu gọi đầu tư cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp của châu Phi… Dư luận đặt câu hỏi liệu đây có phải chuyến đi thể hiện cuộc cạnh tranh chiến lược.
Tái khởi động
Trạm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm châu Phi của ông Obama là Cộng hòa Nam Phi, tại đây ông Obama đã đi thăm đảo Robben nơi có nhà tù mà ông Nelson Mandela bị giam cầm 18 năm vì đấu tranh chống lại chế độ phân biệt chủng tộc apartheid. Ông Obama cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ với cựu Tổng thống Mandela và hy vọng ông sớm bình phục sức khỏe.
Được biết, dưới thời các Tổng thống tiền nhiệm, quan hệ Mỹ – châu Phi đã có một số chương trình kinh tế, xã hội được ghi nhận như: Luật phát triển và cơ hội của châu Phi (AGOA), theo đó rào cản 6.000 mặt hàng xuất khẩu từ 35 quốc gia châu Phi sang Mỹ đã được tháo gỡ; chương trình hỗ trợ y tế nhằm giúp bốn triệu người châu Phi chống lại dịch HIV/AIDS đã thực hiện năm 2003; và việc cung cấp viện trợ của Mỹ giúp các nước châu Phi về quản lý hiệu quả cũng đã được thực hiện.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, không hiểu vô tình hay hữu ý, ông đã sao nhãng khu vực này khiến cho các đối tác khác có cơ hội lấn lướt và vượt lên dẫn đầu tại lục địa giàu tài nguyên này. Sự trở lại châu Phi của Tổng thống Obama lần này vẫn được đón nhận nhưng trong tâm trạng hoài nghi ẩn dấu trong suy nghĩ người dân nơi đây.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã khẳng định rằng, quan hệ đối tác của Mỹ với các nước châu Phi bao hàm cả những mục tiêu phát triển xã hội và chính trị, đây là điều hoàn toàn khác với các nước khác.
Theo Tổng thống Mỹ, với đối tác khác quan tâm đầu tiên của họ là các lợi ích thương mại, mục tiêu chính của họ là tìm kiếm các nguồn tài nguyên của châu Phi để phục vụ cho các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu, còn Mỹ sẽ “mang lại lợi ích cho người dân sở tại và kích thích phát triển sản xuất ở quy mô lớn”.
Khôi phục thị trường
Theo thống kê, cho đến nay, kim ngạch thương mại Trung Quốc – châu Phi đã tăng vọt từ mức 10 tỷ USD năm 2000 lên 200 tỷ USD năm 2012. Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào châu lục này với số tiền lên tới hơn 75 tỷ USD và định kỳ 5 năm một lần, Bắc Kinh lại tổ chức Hội nghị Trung Quốc – châu Phi quy tụ gần 50 nhà lãnh đạo châu Phi nhằm thúc đẩy quan hệ với châu lục này.
Trong những năm trước 2007, đầu tư của Mỹ vào châu Phi đã vượt xa các nước khác, nhưng từ năm 2009 Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Xuất khẩu của đối tác này sang châu Phi năm 2011 cao gần gấp 3 lần xuất khẩu từ Mỹ. Và chỉ trong vài năm các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tới châu Phi đến 30 lần.
Theo New York Times, trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Obama đã đề xuất một số sáng kiến về thương mại và y tế, kêu gọi đầu tư cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp của châu Phi. Trước khi lên đường tới châu Phi, ông Obama đã kịp điều chỉnh chính sách đối với châu lục này. Đó là việc bổ nhiệm bà Linda Thomas – Greenfield làm Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề châu Phi và cựu Thượng nghị sĩ Russ Feingold vào vị trí Đặc phái viên ở vùng Hồ Lớn, bao gồm Uganda, Rwanda, Burundi và CHDC Congo.
Trước đó, năm 2012, ông Obama cũng đã mời các nhà lãnh đạo châu Phi đến dự Hội nghị thượng đỉnh G8 tại trại David để thảo luận an ninh lương thực. Chương trình này hiện đang được thực hiện tại 20 quốc gia, trong đó có Senegal và Tanzania là hai nước mà ông Obama đến thăm trong chuyến công du lần này.
Vì thế, Tổng thống Obama tuyên bố không lo ngại trước sự cạnh tranh của Trung Quốc tại châu lục này. Và ông kêu gọi châu Phi chú trọng đến các đầu tư phát triển việc làm tại chỗ, thay vì chỉ nhằm khai thác nguyên liệu thô.
Chọn khâu đột phá
Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Obama đã công bố kế hoạch 7 tỷ USD nhằm tạo điều kiện cho đông đảo người dân châu Phi có điện dùng. Hiện tại, hơn 70% cư dân phía nam sa mạc Sahara và hơn 85% dân nông thôn tại khu vực này không có điện.
Kế hoạch trợ giúp 7 tỷ USD trong vòng 5 năm của Mỹ bao gồm việc phát triển các nguồn điện mới (thân thiện môi trường), xây dựng các nhà máy điện và các hệ thống đường dây tải điện lớn, cũng như những mạng điện nhỏ ngoài hệ thống.
Đối tượng hợp tác ưu tiên được xác định là 8 nước: Tanzania, Ethiopia, Ghana, Kenya, Liberia, Nigeria, Uganda và Mozambique. Kế hoạch tài trợ của các cơ quan chính phủ Mỹ sẽ kéo theo ít nhất 9 tỷ USD đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại Tanzania, ông Obama nói: “Sự tiếp cận với điện khí là cơ bản cho cơ hội trong kỷ nguyên này. Ðó là ánh sáng cần cho trẻ em học, năng lượng giúp cho một ý niệm được biến thành công cuộc kinh doanh thực sự, là nguồn sống của các gia đình để đáp ứng với các nhu cầu cơ bản nhất. Và là sợi dây liên lạc cần thiết để nối liền châu Phi với mạng lưới kinh tế toàn cầu. Quý vị cần đến điện khí”.
Tại Tanzania, chặng dừng chân cuối cùng, Tổng thống Obama kêu gọi châu Phi tự vươn lên bằng chính sức lực của mình vì lợi ích của người dân trong khu vực. Trước đó, trong một cuộc họp báo tại Pretoria (Nam Phi), ông Obama đã phát biểu: “Tôi không cảm thấy sự cạnh tranh của Trung Quốc là đáng lo ngại. Tôi cho rằng đây là một điều tốt”. Theo ông, càng nhiều nước đầu tư vào châu Phi, thì châu lục chậm phát triển này càng có điều kiện hội nhập nhanh hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Như vậy, với chuyến thăm châu Phi lần này của người đứng đầu Nhà Trắng, Washington hy vọng sẽ tái khởi động quan hệ hợp tác tích cực giữa Mỹ với châu Phi, nơi được Mỹ đánh giá là sẽ nổi lên thành khu vực phát triển nhanh và mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ. Theo giới phân tích, mặc dù Mỹ tỏ ra không quan ngại về sự cạnh tranh của Trung Quốc, nhưng theo dự báo cuộc trạnh tranh quyết liệt trên thương trường châu Phi giữa hai cường quốc Mỹ – Trung là khó tránh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()