Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Quảng Bình
Những năm gần đây, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Bình góp phần đưa năng suất lúa của tỉnh tăng mạnh và cải thiện điều kiện lao động cho người nông dân. Giờ đây, hình ảnh "con trâu đi trước cái cày đi sau" đang nhạt dần trên bức tranh nông thôn Quảng Bình...Nông dân bán trâu, mua máy cày, máy gặtCàng ngày vị trí 'đầu cơ nghiệp' của con trâu ở Quảng Bình không còn như mười năm trước nữa. Đàn trâu ở tỉnh Quảng Bình giảm đáng kể, thay vào đó là số máy cày tăng nhanh. Qua đó cho thấy, việc thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất đã góp phần giảm sức lao động cho người nông dân và tăng năng suất cây lúa.Tiếp chuyện chúng tôi, anh Nguyễn Thánh ở thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, gia đình có hơn hai mẫu ruộng (hơn một ha). Anh nuôi bốn con trâu. Nuôi trâu để cày ruộng đã trở thành nghề 'truyền thống' của gia đình anh từ nhiều đời nay. Việc có thêm hai đôi trâu đã mang...
Nông dân bán trâu, mua máy cày, máy gặt
Càng ngày vị trí 'đầu cơ nghiệp' của con trâu ở Quảng Bình không còn như mười năm trước nữa. Đàn trâu ở tỉnh Quảng Bình giảm đáng kể, thay vào đó là số máy cày tăng nhanh. Qua đó cho thấy, việc thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất đã góp phần giảm sức lao động cho người nông dân và tăng năng suất cây lúa.
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Nguyễn Thánh ở thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết, gia đình có hơn hai mẫu ruộng (hơn một ha). Anh nuôi bốn con trâu. Nuôi trâu để cày ruộng đã trở thành nghề 'truyền thống' của gia đình anh từ nhiều đời nay. Việc có thêm hai đôi trâu đã mang lại mỗi năm cho gia đình anh Thánh vài ba tấn lúa. Cũng như nhiều HTX khác, khâu làm đất ở Thượng Phong đã có ban quản trị HTX đứng ra lo liệu, họ hợp đồng với các chủ hộ có trâu và điều hành theo lịch chung. Cày ở đâu, bừa như thế nào đều đã có kế hoạch cụ thể, anh chỉ thừa hành. Cuối vụ anh được thanh toán công lao động bằng lúa. Nhưng so với máy cày thì sức vóc làm việc của trâu và sức anh có hạn, các con đã lớn nên tập trung cho học tập, không có người để chăn trâu. Vả lại, đồng cỏ ở Thượng Phong đã bị thu hẹp, nhiều diện tích hoang hóa đã được cải tạo để trồng màu nên trâu không còn chỗ ăn.
Anh Thánh quyết định bán trâu rồi vay thêm vốn ngân hàng chính sách, vốn ưu đãi của HTX để mua 'trâu sắt'. Từ cày trâu sang lái máy cày là cả một quá trình không dễ dàng đối với một nông dân như anh. Nhưng anh Thánh cũng vượt qua được và sau vụ sản xuất đầu tiên, vợ chồng anh đã trả được toàn bộ nợ vay mua máy cày, từ vụ đông xuân 2009 đến vụ lúa năm 2011 bắt đầu có lãi.
Hiện nay, ở những vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Bình, đàn trâu bò đã giảm đáng kể. Trái lại số máy cày, nhất là máy cày nhỏ tăng nhanh. Ba năm trước, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy chỉ có hai chiếc máy cày loại cũ thì nay đã có 35 chiếc, đáp ứng nhu cầu dịch vụ làm đất cho xã viên. Hiện có những HTX, như Lộc Hạ không còn con trâu nào, khâu làm đất đã được cơ giới hóa 100%. Chúng tôi đến HTX Lộc Thượng, một trong sáu HTX dịch vụ nông nghiệp ở An Thủy để tìm hiểu vấn đề này. Chủ nhiệm HTX Võ Thắng cho biết, trước đây HTX Lộc Thượng nuôi rất nhiều trâu nhưng nay chỉ còn năm đôi trâu chủ yếu phục vụ cày kéo ở những mảnh ruộng nhỏ, máy khó hoạt động. Song, với xu thế này, xã viên cũng không còn mặn mà với việc giữ lại số trâu trên. Toàn HTX có 10 chiếc máy cày, trong đó bốn chiếc MTZ 50. Nếu máy cày MTZ 50 công suất lớn, làm đất ở những vùng ruộng trũng rất tốt thì máy cày nhỏ lại có tính cơ động cao, khi di chuyển không gây hư hại bờ bao, đường sá. Năm vừa rồi, HTX bỏ ra 80 triệu đồng cho xã viên vay (mỗi hộ 20 triệu đồng) với lãi suất thấp để mua bốn chiếc máy cày nhỏ, mỗi chiếc trị giá 75 triệu đồng. Bình quân vụ đông xuân, một 'trâu sắt' ở HTX Lộc Thượng thu về 58 tấn lúa, vụ hè thu khoảng 2/3 số lượng đó nữa, như vậy mỗi năm, chủ máy cày thu từ 96 đến 97 tấn lúa trị giá hơn 400 triệu đồng. Nhờ thế, anh Võ Văn Phê, xã viên HTX Lộc Thượng sau một năm mua máy cày đã tích lũy trả đủ nợ vay của HTX và ngân hàng. Cá biệt, có người thu 200 tấn lúa sau hai vụ cày.
Từ vụ đông xuân năm 2008 – 2009, những chiếc máy gặt đập liên hợp đã có mặt trên đồng ruộng tỉnh Quảng Bình giúp nông dân thu hoạch nhanh gọn để bắt tay vào vụ sản xuất mới. Nông dân Lê Văn Bổn ở thôn Trung Quán, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là người đầu tiên ở huyện Quảng Ninh đưa máy gặt đập liên hợp về làng. Nhiều nông dân ở các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy đã đầu tư mua máy gặt. Phó Chủ tịch xã Duy Ninh, Hoàng Minh Thông cho biết: Toàn xã có năm máy gặt đập với tổng giá trị hơn một tỷ đồng. Đến nay, 90% diện tích lúa (540 ha) của xã Duy Ninh được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Theo tính toán của nông dân, nếu gặt thủ công một sào lúa phải mất một ngày ròng với hai lao động, chi phí từ 130 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng, trong khi thuê máy gặt đập chỉ với giá 100 nghìn đồng/sào và khoảng 10 phút là đã có lúa hạt chở về nhà.
Hỗ trợ nông dân để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa
Những năm qua, các ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất bằng cách hỗ trợ về lãi suất, vốn vay để nông dân mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, làm đất là một trong những khâu quan trọng và mất khá nhiều công sức của người nông dân nay được thực hiện bằng cơ giới hóa hơn 80%. Hầu hết các HTX dịch vụ nông nghiệp đều có máy cày nên chủ động thời vụ ngay từ khâu làm đất.
Từ năm 2008 đến nay, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kiến thức cơ giới hóa, hỗ trợ kinh phí cho nông dân các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy mua 12 máy cày, máy làm đất loại nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ở các vùng trọng điểm lúa của tỉnh như Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Bố Trạch đã xuất hiện ngày càng nhiều máy gặt đập liên hợp. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân mạnh dạn mua sắm máy làm đất, máy gặt, máy tuốt lúa để làm dịch vụ. Với các dịch vụ này, các địa phương không chỉ giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực mà còn rút ngắn thời gian thu hoạch, giúp bà con tranh thủ được thời tiết để phơi lúa ngay trong ngày.
Có thể nói, hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Bình được thể hiện rất rõ nhưng so yêu cầu của sản xuất thì vẫn còn khiêm tốn. So mức bình quân cả nước, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp của Quảng Bình còn thấp, chủ yếu trong trồng lúa và tập trung ở các khâu làm đất, tưới tiêu, tuốt đập, vận chuyển và xay xát. Một số khâu như gieo, cấy, sấy, phân loại và làm sạch lúa… tỷ lệ cơ giới hóa thấp, vẫn còn làm thủ công nhiều.
Để đẩy nhanh tốt độ cơ giới hóa nông nghiệp, tỉnh Quảng Bình đang quy hoạch phát triển cơ giới hóa và chế biến nông sản để nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp; thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi cho đầu tư công nghệ và trang thiết bị phục vụ sản xuất đến hộ dân; hình thành các cụm, điểm tiểu công nghiệp để khuyến khích việc nghiên cứu, chế tạo, cải tiến các công cụ, thiết bị phục vụ sản xuất. Trên cơ sở kết quả của việc 'dồn điền đổi thửa', các huyện, thành phố trong tỉnh đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng nhằm đáp ứng khả năng vận chuyển nông sản, giảm lao động thủ công. Thông qua các mô hình khuyến nông, giới thiệu, quảng bá các loại máy nông nghiệp phù hợp, các thiết bị cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nhằm cung cấp cho nông dân những kiến thức cần thiết để áp dụng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()