Cơ giới hóa nông nghiệp hướng tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các khâu chính trong sản xuất lúa đều đã được cơ giới hóa, từ khâu làm đất, bơm tưới, gieo cấy, bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến... nhờ đó đã làm giảm bớt lao động nặng nhọc, tăng vòng quay của đất và tăng lợi nhuận cho nông dân. Công cuộc khẩn hoang vùng đất tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười với mũi nhọn thủy lợi đã biến nơi đây thành vùng sản xuất lúa hai vụ, với ba tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu cả nước như Đồng Tháp, Kiên Giang và An Giang.Cơ giới hóa chưa đồng bộHiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất, tưới tiêu, đập lúa ở các tỉnh ĐBSCL đạt gần 100% diện tích. Các khâu còn lại như thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, sấy lúa phụ thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương. Trước hết, khả năng tiếp nhận và kỹ năng ứng dụng các sản phẩm cơ khí nông nghiệp của nông...
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở đồng bằng sông Cửu Long. |
Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các khâu chính trong sản xuất lúa đều đã được cơ giới hóa, từ khâu làm đất, bơm tưới, gieo cấy, bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến… nhờ đó đã làm giảm bớt lao động nặng nhọc, tăng vòng quay của đất và tăng lợi nhuận cho nông dân. Công cuộc khẩn hoang vùng đất tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười với mũi nhọn thủy lợi đã biến nơi đây thành vùng sản xuất lúa hai vụ, với ba tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu cả nước như Đồng Tháp, Kiên Giang và An Giang.
Cơ giới hóa chưa đồng bộ
Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất, tưới tiêu, đập lúa ở các tỉnh ĐBSCL đạt gần 100% diện tích. Các khâu còn lại như thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, sấy lúa phụ thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương. Trước hết, khả năng tiếp nhận và kỹ năng ứng dụng các sản phẩm cơ khí nông nghiệp của nông dân ĐBSCL khá nhanh, kể cả phụ nữ và trẻ em, từ việc vận hành động cơ bơm nước, chạy máy cày, máy cấy, máy sạ hàng, máy gặt đập liên hợp, máy nạo vét ao, máy đào đắp, máy suốt lúa…
Thứ hai là việc cơ giới hóa các khâu sản xuất lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế to lớn, giúp nông dân làm kịp thời vụ, giảm chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới. Hơn nữa, cơ giới hóa là điều kiện cần để sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao cho vựa lúa ĐBSCL. Tại huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang), có hơn 60% diện tích sản xuất của các HTX nông nghiệp được bơm tưới bằng điện và cống máng bơm tưới được bê-tông hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên, tiết giảm chi phí từ 120 đến 150 kg lúa/ha/vụ, làm tăng lợi nhuận cho xã viên toàn huyện từ năm đến sáu nghìn tấn lúa/năm, tương đương từ 8 đến 12 tỷ đồng. Tỉnh Kiên Giang quy hoạch 30 nghìn ha tại huyện Tân Hiệp thực hiện công nghiệp hóa vùng lúa cao sản, tạm gọi là “cánh đồng công nghiệp hóa”. Tại cánh đồng này thực hiện cơ giới hóa 100% các khâu sản xuất, cày, trục đất, thu hoạch; điện khí hóa khâu bơm tưới, chế biến, sấy lúa. Tại huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang), việc đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa đã giảm từ 500 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng/ha so với thu hoạch bằng tay, giúp tiết kiệm nhiều thời gian trong khâu thu hoạch mà chất lượng hạt gạo sau khi xay chà vẫn bảo đảm, giải quyết được áp lực thiếu nhân công cắt lúa vào thời điểm thu hoạch rộ. Tính cả thảy, nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất hơn hai triệu đồng/ha từ sử dụng hợp lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bơm nước và thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.
Theo tính toán của Trường đại học An Giang thì thu hoạch lúa bằng thủ công hao hụt khoảng 5%. Ước tính, hao phí của khâu thu hoạch và bảo quản lúa sau thu hoạch tại ĐBSCL từ 5 đến 10%. Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nhân công và giảm thất thoát sau thu hoạch là áp dụng cơ giới hóa thu hoạch lúa. Đầu tư cho công nghệ thu hoạch, trong đó việc thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, ngoài giảm giá thành, giảm tỷ lệ lúa rụng ngoài đồng từ 5% (gặt bằng tay) xuống dưới 1% (cơ giới hóa), còn góp phần nâng cao chất lượng hạt lúa. Một trong những khâu yếu cần khắc phục trong quy trình sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL là xử lý sản phẩm sau thu hoạch (bao gồm cắt, phơi, sấy lúa), qua kiểm tra thì độ gãy của hạt gạo quá lớn, mặc dù kỹ thuật trồng lúa khá tốt. Sấy lúa là giải pháp để bảo đảm chất luợng hạt gạo, là yếu tố quyết định trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Gần đây, các công ty kinh doanh lương thực như Công ty lương thực sông Hậu, Công ty TNHH MTV nông nghiệp Cờ Đỏ, Công ty Mê kông Cần Thơ, Công ty cổ phần Gentraco đã triển khai dự án xây dựng nhà máy sấy lúa tại các vùng nguyên liệu, vừa tiện lợi cho nông dân, đỡ chi phí vận chuyển, vừa giúp công ty bảo đảm chất lượng hạt gạo thành phẩm không bị gãy.
Giải pháp sấy lúa và xu hướng phát triển mô hình sấy lúa tại ĐBSCL được Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đặc biệt nhấn mạnh. Theo ông, khâu phơi sấy lúa tổn thất đến 4,2%. Nếu nhìn rộng ra toàn chuỗi cung ứng lúa gạo của ĐBSCL thì sấy là một trong hai công đoạn yếu kém nhất so với tất cả các công đoạn khác từ làm đất đến xay xát. So sánh mức độ đáp ứng nhu cầu trang bị máy móc trong canh tác lúa ở ĐBSCL như làm đất (chiếm 95 đến 100%), bơm nước (95 đến 100%), gieo sạ (85 đến 100%), thu hoạch (chiếm 75%, trong đó, máy gặt đập liên hợp chiếm 45 đến 50%), bảo quản (13-15%) và xay xát (tương đương 100%) thì công đoạn ở giữa là sấy lúa đang chiếm tỷ lệ rất thấp (chỉ 38,7%). Việc “thắt cổ chai” tại khâu then chốt là sấy đang gây ra những tổn thất lớn không chỉ tại chính khâu đó mà còn cho toàn bộ chuỗi cung ứng lúa gạo của ĐBSCL. Sự yếu kém về công nghệ sấy, sự thiếu thốn về thiết bị sấy lúa, thiếu mô hình sấy hiệu quả và sự lỏng lẻo trong việc quản lý chất lượng lúa gạo là nguyên nhân làm giảm nghiêm trọng chất lượng và uy tín của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tóm lại việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL chưa đồng bộ. Nguyên nhân chính là do kiến thức và vốn của hộ nông dân. Vì vốn liếng chưa đủ cho nên nông dân buộc phải tận dụng những máy móc quá cũ, máy đã qua sử dụng của các nước đã thải ra cho nên chi phí xăng dầu, sửa chữa và hiệu suất của máy không cao. Vì thế, việc mở các lớp tập huấn về cơ giới hóa cho thanh niên nông thôn là hết sức hợp lý. Để giúp nông dân tăng năng lực cơ giới hóa trong sản xuất lúa, chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã ban hành những quyết định hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ cuối năm 2011 đến nay, UBND thành phố Cần Thơ hỗ trợ lãi suất tối đa 36 tháng cho nông dân và chủ trang trại mua 200 máy gặt đập liên hợp và 50 máy kéo. UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt dự án đầu tư hỗ trợ phát triển lò sấy lúa trên địa bàn giai đoạn 2011-2013, theo đó hỗ trợ đầu tư xây dựng mới 250 lò sấy lúa các loại có công suất từ 20 đến 40 tấn/mẻ với tổng nhu cầu vốn là 228,3 tỷ đồng. UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho nông dân trong hai năm đầu để mua 150 máy gặt đập liên hợp giai đoạn 2011-2015. Một vấn đề cần bổ sung là khuyến khích phát triển các dịch vụ cơ khí nông nghiệp thông qua tổ, đội sản xuất, hợp tác xã dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp.
Cần những giải pháp đồng bộ
Mặc dù tiếp cận khá nhanh các phương tiện cơ khí thủy nông, nhưng phần lớn người điều khiển máy móc vẫn là “học mò” dựa trên thao tác, chứ chưa qua các lớp tập huấn đào tạo về sử dụng và khai thác đầy đủ các chức năng của máy thủy nông. Do vậy, cùng một máy gặt đập liên hợp khi thu hoạch lúa, nhưng tỷ lệ thất thoát lúa lại tùy thuộc vào người điều khiển phải chọn đúng chế độ làm việc của máy. Vấn đề nâng cao trình độ cơ giới hóa cho nông dân, đào tạo đội ngũ kỹ thuật cơ khí có trình độ trung cấp và đại học nhằm thực hiện chuyển giao phương tiện cơ khí nông nghiệp đang là khâu yếu tại ĐBSCL.
Những năm 80 của thế kỷ 20, ngành cơ khí nông nghiệp là một khoa mạnh của Đại học Cần Thơ và là sự lựa chọn của nhiều sinh viên tại ĐBSCL; tỉnh nào cũng hình thành một nhà máy, xí nghiệp, công ty cơ khí. Và chính đó là nguồn nhân lực và là đầu mối để thực hiện những đề án cơ giới hóa nông nghiệp tại địa phương. Không chỉ lúng túng trong việc đào tạo và sử dụng ngành nghề cơ khí sửa chữa ở cấp tỉnh chưa có nhiều sáng chế mang tính ứng dụng cao về máy cơ khí nông nghiệp, chưa có những cơ chế khuyến khích hộ nông dân cải tiến, sáng chế và nhân rộng các loại máy thủy nông. Tâm lý sùng ngoại, chê nội đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc phát triển ngành nghề chế tạo công cụ thủy nông tại vựa lúa ĐBSCL.
Trong những năm tới, cần xem xét điều chỉnh, bổ sung, đổi mới cơ chế, chính sách cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng nông thôn mới, nhất là với vùng sâu, vùng xa, vùng ngập lũ. Đây cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng để nâng chất lượng và giá trị thương phẩm của hạt gạo ĐBSCL.
Theo Nhandan
Ý kiến ()