LSO-Những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn ngày càng được nâng lên. Một trong những nguyên nhân quan trọng là đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp. Việc cơ giới hóa trong thời gian qua đã tạo điều kiện để nền sản xuất nông nghiệp ở Bắc Sơn phát triển. Cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp ở huyện Bắc SơnTheo thống kê của phòng nông nghiệp huyện, hiện toàn huyện có 8.086 chiếc máy cày tay, trung bình mỗi năm số lượng máy cày tay tăng từ 2 – 3%. Ông Dương Thời Thịnh, trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Sơn cho biết: toàn huyện hiện có khoảng 15 nghìn hộ nông dân, trong số này, tính trung bình cứ 2 hộ thì có một máy cày “2 trong 1” (gồm cả chức năng cày và bừa). Ngoài ra, phần lớn các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đều có guồng tuốt lúa, máy xay xát, máy sấy… Việc cơ giới hoá trên đồng đất Bắc Sơn bắt đầu được Đảng bộ, chính quyền toàn huyện quan tâm từ trước những năm 2000, nhưng...
LSO-Những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn ngày càng được nâng lên. Một trong những nguyên nhân quan trọng là đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp. Việc cơ giới hóa trong thời gian qua đã tạo điều kiện để nền sản xuất nông nghiệp ở Bắc Sơn phát triển.
Cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp ở huyện Bắc Sơn
Theo thống kê của phòng nông nghiệp huyện, hiện toàn huyện có 8.086 chiếc máy cày tay, trung bình mỗi năm số lượng máy cày tay tăng từ 2 – 3%. Ông Dương Thời Thịnh, trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Sơn cho biết: toàn huyện hiện có khoảng 15 nghìn hộ nông dân, trong số này, tính trung bình cứ 2 hộ thì có một máy cày “2 trong 1” (gồm cả chức năng cày và bừa). Ngoài ra, phần lớn các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đều có guồng tuốt lúa, máy xay xát, máy sấy… Việc cơ giới hoá trên đồng đất Bắc Sơn bắt đầu được Đảng bộ, chính quyền toàn huyện quan tâm từ trước những năm 2000, nhưng thực sự thành phong trào mua sắm máy móc phục vụ sản xuất trong dân rộ lên từ những năm 2005-2006. Khi ấy cùng với sự định hướng của cấp uỷ, người dân Bắc Sơn bắt đầu thấy lợi ích của việc dùng máy cày, kết hợp với các công cụ lao động khác tạo ra năng suất lao động cao. Từ năm 2008, khi toàn huyện Bắc Sơn có điện về tận trung tâm các xã thì phong trào cơ giới hoá nông nghiệp lan rộng đến tận các xã, thôn vùng sâu, vùng xa như: Nhất Tiến, Nhất Hoà, Tân Tri, Hưng Vũ…
Đẩy mạnh cơ giới hoá trong nông nghiệp đã giúp người dân chủ động mùa vụ, tăng nhanh vòng quay của đất, mang lại năng suất cao cho cây trồng, từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Minh chứng cụ thể nhất chính là việc bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư phương tiện cơ giới trong việc làm đất. Khi có phong trào cơ giới hoá, nhiều thôn đã phủ kín máy cày tay, việc làm đất rút xuống chỉ còn một phần ba thời gian, vì vậy nhân dân có điều kiện đổi công, chủ động mùa vụ, vòng quay của đất trồng trọt tăng lên gấp 2,5 lần, góp phần làm cho đời sống nhân dân ngày một khấm khá. Không chỉ vậy, việc cơ giới hóa nông nghiệp được tiến hành sâu rộng làm tăng đáng kể năng suất lao động nông nghiệp thông qua chuyển dịch cơ cấu và nâng cao trình độ kỹ thuật của lao động trong nông nghiệp. Cơ giới hóa và sử dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch cũng cải thiện chất lượng sản phẩm và làm tăng đáng kể lượng hàng hóa nông sản cung cấp cho thị trường. Việc huyện Bắc Sơn đẩy mạnh công tác cơ giới hóa đã góp phần làm cho năng suất cây trồng luôn đạt ở mức cao. Cụ thể, năng suất lúa xuân năm 2012 đạt 52,83 tạ/ha, ngô xuân đạt 50,46 tạ/ha, thuốc lá xuân đạt 22,95 tạ/ha (theo ngành nông nghiệp, đây là năng suất gần như cao nhất mà cây thuốc lá có thể đạt tới).
Hiện nay toàn huyện Bắc Sơn đã đạt sản lượng lương thực có hạt khoảng 30 ngàn tấn/năm, lương thực bình quân đạt 700 kg/người/năm. Toàn huyện không còn hộ đói, số hộ nghèo ngày càng giảm một cách bền vững. Kết quả đó có sự góp phần quan trọng từ phong trào cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Trí Dũng
Ý kiến ()