Cơ giới hóa: Nâng cao hiệu quả sản xuất
LSO- Những năm qua, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Đó chính là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống và cơ cấu cấy trồng, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng của sản xuất.
Nông dân huyện Bắc Sơn gieo thẳng bằng giàn kéo
DỒN ĐIỀN ĐÓN MÁY
Thôn Nà Slả, xã Tân Tác, huyện Văn Lãng có tới 9 phần là đồi núi, toàn thôn có 38 hộ dân với vài trăm nhân khâu đều trông vào vỏn vẹn 16 mẫu ruộng để gieo, trồng cây lương thực. Mà lại toàn ruộng khe bé tẹo, con trâu đi ba bước là hết đường cày.
Ấy chỉ là câu chuyện của nhiều năm trước đây. Cách đây 5 năm, trong thôn có gia đình anh Hồ Văn Chấn đã đầu tư tới 30 triệu đồng, thuê máy xúc ở tận xã Bắc La san hơn chục đám ruộng bậc thang của mình thành một đám rộng tới vài mẫu. Thế rồi máy cày được đưa đến, thênh thênh vài mẫu mà chưa đầy nửa buổi đã làm xong đất. Người Nà Slả thấy vậy cả thôn làm theo. Người có ruộng ngoài sẵn sàng mở đường cho máy xúc vào san ruộng trong khe. Chẳng mấy chốc, những đám ruộng bé tẹo được dồn lại thành những thửa ruộng to, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nông nghiệp ở Nà Slả bắt đầu có sự chuyển dịch, thế độc canh cây lúa bị phá vỡ thay vào đó là rau màu, đậu đỗ…
Mới nhất là chuyện ở các thôn: Quảng Hồng 3, Quảng Tiến 1; Quảng Trung 1 xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn. Trong năm 2014, nhân dân đã tự đầu tư gần 250 triệu đồng, dồn điền gần 50 sào ruộng. Con số ấy giờ đây đã tăng lên rất nhiều, bởi phong trào dồn điền đang lan rộng ra toàn xã. Anh Hoàng Văn Soi, thôn Quảng Hồng 3 bộc bạch: ruộng manh mún không đưa máy vào làm được, sản xuất vẫn mãi bấp bênh, nhà nông vất vả thôi, chúng tôi đã xác định đầu tư, dồn điền để đón máy. Chưa có con số thống kê cụ thể nào từ các cơ quan thống kê, quản lý, nhưng dọc đường tác nghiệp chúng tôi nhận thấy có rất nhiều nơi bà con đã chủ động đầu tư dồn điền, tích tụ đất đai. Những mặt bằng sản xuất manh mún trở nên đủ rộng để áp dụng cơ giới hóa.
Cơ giới hóa phát thực bì khoai tây trên cánh đồng xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn
CƠ GIỚI HÓA TĂNG NHANH
Lần lại những con số thống kê từ năm 1999, toàn tỉnh chỉ có vỏn vẹn 4.000 máy bơm nước và máy cày tay. So với thời điểm hiện nay, con số này chỉ vừa bằng số máy cày và máy bơm nước trên địa bàn huyện Cao Lộc. Nếu tính tổng số máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện nay, toàn huyện Cao Lộc có hơn 10.000 chiếc, gấp 2,5 lần so với số lượng của toàn tỉnh cách đây 15 năm.
Ông Hoàng Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc khẳng định: cơ giới hóa tăng nhanh đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sản xuất trên địa bàn huyện, hình thành các vùng sản xuất rau, đậu, tăng năng suất cây lương thực. Bà Trần Nhàn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: trong 15 năm trở lại đây, tỷ lệ cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh tăng rất nhanh. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 128.000 máy móc các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ khâu làm đất đến chăm sóc và thu hoạch.
Để phù hợp với điều kiện đồng đất, một mặt phong trào dồn điền tiếp tục có xu hướng lan rộng, một mặt nhà nông chủ động lựa chọn các loại máy nhỏ, dễ dàng tháo lắp. Một điều dễ nhận thấy là vài năm trở lại đây, mặc dù thời tiết có những diễn biến phức tạp nhưng tiến độ sản xuất năm sau luôn nhanh hơn năm trước. Đó chính là nhờ cơ giới hóa mạnh trong khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch. Điều đó tạo điều kiện cho chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng và cơ cấu giống.
Hiệu quả là sản lượng lương thực tăng và đạt ổn định ở mức trên 300 nghìn tấn/năm. Nhiều vùng sản xuất tập trung hình thành như vùng rau, vùng lạc, vùng khoai tây, vùng đậu đỗ… Theo ước tính của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỷ lệ nông sản hàng hóa đến nay đã chiếm trên 65% tổng sản phẩm.
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG

Ý kiến ()