Chủ nhật, 24/11/2024 16:36 [(GMT +7)]
Cô giáo "sát thủ" ngôn ngữ chat
Thứ 2, 26/03/2012 | 10:19:00 [(GMT +7)] A A
Đó là biệt hiệu mà học trò Trường THCS Trường Chinh (Q. Tân Bình, TPHCM) dùng để gọi cô giáo dạy Văn Nguyễn Thị Khánh Dương. Nữ giáo viên trẻ không hề mệt mỏi cùng học sinh “kiểm soát” ngôn ngữ chat trong môi trường học đường để giữ bản sắc tiếng Việt.
Từ những bài văn… thiếu trọn vẹn
Bắt đầu từ năm 2007, cô Khánh Dương (SN 1980) nhận thấy trong các bài tập làm văn của học trò có những lỗi rất lạ về ngôn ngữ nhưng không phải là lỗi chính tả. Số đông các em cùng mắc phải các lỗi như chữ v thành chữ z, chữ i thành j…
“Nhiều bài văn rất hay, đang đọc rất mướt thì đột nhiên tôi bị khự lại vì “vấp” phải một từ nào đó. Cảm giác buồn và tiếc vô cùng cho bài văn hay không được trọn vẹn”, cô Dương tâm sự.
Các tiết học của cô Nguyễn Thị Khánh Dương luôn sôi động, sáng tạo.
Nhưng một chút khó chịu, mất hứng thú đó chỉ là một phần nhỏ trong tâm trạng của người giáo tâm huyết với nghiệp Văn. Cô Dương suy nghĩ sâu xa, những từ “lạ” còn vào cả bài viết kiểm tra thì sự trong sáng của tiếng Việt rồi sẽ thế nào.
Hơn nữa, là một giáo viên trẻ, cô Dương hiểu mình không dạy chữ mà còn có trách nhiệm dạy các em làm người. Và muốn hiểu được học trò thì giáo viên cũng cần hiểu được phong cách, ngôn ngữ của các em.
Thâm nhập “ngôn ngữ @”
Cô thâm nhập bằng cách tích cực lên mạng tìm hiểu và bắt đầu chat với học trò. “Một thứ ngôn ngữ nguyên sơ, có vẻ hữu ích lại trở nên lạ hoắc, “thần kỳ” đối với kẻ lâu ngày không tiếp cận máy tính”, cô Dương không ngại thừa nhận. Một thế giới mới, rất năng động, nhanh nhạy mở ra với mình khi cô bước đến gần hơn với các em học sinh.
Hóa ra, lỗi lạ ở những bài văn là thứ ngôn ngữ chat các em vẫn sử dụng để nói chuyện, nhắn tin hàng ngày. Tiếp xúc với các em mỗi ngày, cô không khỏi lo ngại việc này về lâu dài có thể ảnh hưởng đến tư duy của các em là ngại học hỏi những ngôn từ hay, sống hời hợt, nông cạn…
Cô Khánh Dương tỉ mỉ tìm những câu từ đẹp của tiếng Việt để tạo sự hứng thú cho học trò.
Để tiếp cận học trò, nhiều khi cô Dương còn ẩn danh đóng vai người cùng tuổi để dễ dàng nói chuyện với các em nhưng rồi phải hoa mắt không hiểu hết ý các em nói nên đành đầu hàng thú nhận “Cô đây!”. Hay không ít lần phải tỏ ra mình… thua cuộc: “Cô “bó tay” với con rồi, đừng đánh đố cô nữa, chỉ giúp cô ý nghĩa của từ đó là gì” thì học trò tỏ ra rất thích thú.
Đôi khi, nói chuyện với học trò, cô Dương cố tình sử dụng vài ngôn ngữ chát cùng thái độ trân trọng ngôn từ của các em. Cô không phủ nhận đó là ngôn tư của chat thể hiện sáng tạo, dí dỏm, đầy màu sắc, tượng hình… Vì thế, các em học sinh rất “khoái” cô Dương dạy Văn vì “Bọn mình nói gì cô hiểu hết trơn”
“Kiểm soát” bằng tâm huyết người thầy
Khi đã hiểu phần nào ngôn ngữ của học sinh, đến gần hơn được với các em, cô Dương mới tìm cơ hội phân tích, giảng giải cho các em về ảnh hưởng lâu dài của thứ ngôn ngữ đó đến cách nói, cách viết và quan trọng nhất là có thể hủy hoại sự tinh tế, trong sáng của tiếng Việt.
Năm 2010, cô Nguyễn Thị Khánh Dương thực hiện luận văn thạc sĩ với đề tài “Ngôn ngữ chat tiếng Việt và tiếng Anh” đạt 9,5 điểm. Đề tài tìm hiểu hiện tượng ngôn ngữ chat ở học sinh của cô đạt giải Nhì cuộc thi Sáng kiến kinh nghiệm do Ban chấp hành Công đoàn (Sở GD-ĐT TPHCM) phát động. |
Cô không tỏ ra cấm đoán mà nhấn mạnh cho học trò hay lúc nào mình có thể dùng và lúc nào thì không nên sử dụng ngôn ngữ chat. Bất ngờ, cô nhận được sự ủng hộ của học trò, có lớp 100% HS đồng tình loại ngôn ngữ chat ra khỏi môi trường học đường. “Bề ngoài các em rất bướng bỉnh nhưng mình làm như vậy với mục đích tốt cho các em, các em cảm nhận được và sẽ đối lại như vậy”, cô nói.
Ý thức được tác hại của việc lạm dụng ngôn ngữ chat không có nghĩa là các em sẽ bỏ được vì họ trò viết như một thói quen. Cô Dương lại mày mò các biện pháp để giảm dần ngôn chữ chát trong môi trường học đường.
Ở giờ lên lớp, cô Dương luôn cố gắng tìm tòi, truyền đạt cho các ngôn ngữ hay, đẹp để tiếng Việt thật sự thu hút các em. Cô khuyến khích các em sử dụng những câu từ trong sáng, nhiều nghĩa, hát những bài dân ca, đọc những câu tục ngữ, thành ngữ… theo phong cách trẻ trung, vui nhộn. Cô cũng tích cực giới thiệu cho học trò những cuốn sách hay, động viên các em tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức thiện nguyện để các em giảm bớt thời gian “vùi đầu” vào máy tính.
Với những học trò bị “ăn sâu” ngôn ngữ chat, cô Khánh Dương cùng các cô trong tổ Văn thống nhất trừ điểm khi dùng ngôn ngữ chat như lỗi chính tả giúp các em chú ý và “dè dặt” hơn với ngôn từ của mình. Ngoài ra, với các lỗi chat thương gặp khó bỏ, cô Dương cho các em viết lại từ đúng nhiều lần để… tạo thói quen mới.
Học sinh trong Trường THCS Trường Chinh còn rộ lên phong trào “ Nói không với ngôn ngữ chat ” bằng các buổi học, buổi hội thảo thiết thực. Tổ môn Văn của trường thống kê, sau nửa học kỳ áp dụng các biện pháp trên ở mỗi lớp, tỷ lệ ngôn ngữ chat xuất hiện trong các bài văn đã giảm từ 20,1% còn 5,4%.
“Bài văn của các em đã giảm đi lối viết “mì ăn liền”, câu cú rõ ràng, ngữ pháp trong sáng, lời văn đi vào chiều sâu nội tâm hơn”, cô Dương không dấu được niềm vui khi lại được đọc những bài văn hay của trò. Không chỉ vậy, nhờ có nhiều thời gian tìm hiểu về đề tài ngôn ngữ chat, cô Dương tìm được hạnh phúc hàng ngày của mình là được sống gần hơn niềm vui cũng như sự trưởng thành, sâu sắc của học trò.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()