Thứ 4, 25/12/2024 00:56 [(GMT +7)]
Cô giáo miền xuôi trên vùng quê Xứ Lạng
Thứ 4, 14/12/2011 | 08:57:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Gặp cô Nguyễn Thị Lan trong căn phòng cấp 4 đã xuống cấp với bập bùng bạt che tấm chắn khi gió mùa đông bắc tràn về. Vừa hoàn tất bài vở, tài liệu để dự Hội thi giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2011-2012, cô vừa nói với chúng tôi “Đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh đã khó, giữ vững và phát huy được danh hiệu ấy lại càng khó hơn; vì dạy học luôn là một nghề đòi hỏi tính sáng tạo rất cao”.
Tốt nghiệp Đại học Tiểu học tại trường ĐHSP Thái Nguyên, năm 2007 cô gái miền đất Yên Dũng (Bắc Giang) lên dạy học tại Sa Lý, Lục Ngạn. Cũng do “duyên” và “nợ”, năm 2009, bước vào tuổi 24, cô cùng chồng mình lên dạy học tại xã Quốc Việt để hợp lý hóa gia đình. Bỏ lại ngôi nhà riêng tại quê nhà, gửi đứa con thơ dại nhờ ông bà chăm nom, hai vợ chồng “định cư” trong “căn phòng lộng gió” tại trường tiểu học Quốc Việt; hàng ngày chồng sang dạy tại trường THPT Bình Độ, vợ “bám” đàn em thơ trường tiểu học.
Khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu không làm cô nản chí, cô hòa mình vào tập thể nhỏ bé, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp. Dù ở vào vị trí trung tâm kinh tế, xã hội của vùng đồng bắc huyện Tràng Định, song với nhiều thôn bản xa, trình độ dân trí ở Quốc Việt chưa cao, nên khả năng hòa nhập và giao tiếp của học sinh cấp tiểu học, nhất là học sinh đầu cấp còn rất yếu. Được đào tạo bài bản với trình độ chuyên môn cao, qua từng tiết dạy và tiếp xúc với các em, cô suy nghĩ, tìm tòi cách áp dụng phương pháp dạy học mới đối với học sinh dân tộc. Cô nhận thấy rằng, điểm yếu nhất của học sinh cấp tiểu học trong môn Tiếng Việt là phát âm, chính tả.
Với đề tài nghiên cứu và áp dụng sáng kiến “Biện pháp nâng cao chất lượng môn chính tả cho học sinh”, trong các tiết học, cô luôn lắng nghe học sinh phát âm, nhận biết sự “lệch chuẩn” trong phát âm và chữ viết; hoạt động ngoài trời, cô lắng nghe học sinh giao tiếp và quan tâm sửa lỗi cho các em. Trong sinh hoạt chuyên môn, cô mang những suy nghĩ, nhận xét cũng như phương án luyện nói, luyện viết để bàn bạc với tổ chuyên môn và đề nghị đồng nghiệp cùng hợp tác. Bằng sự kiên trì, cô và đồng nghiệp đã có những thành công bước đầu: học sinh phát âm chuẩn hơn, viết đúng chính tả hơn; tình trạng “nói sao viết vậy” đã giảm bớt.
Tranh thủ những giờ nghỉ, buổi tối, cô lên mạng Internet tìm đọc các tài liệu…, đề ra những phương pháp, giải pháp tối ưu về công tác giáo dục tiểu học để vận dụng một cách sáng tạo vào thực tế học sinh địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học. Tuy mới dạy học tại trường Tiểu học Quốc Việt được 1 năm, song năm học 2009-2010 cô đã có 1 sáng kiến được áp dụng rộng rãi tại trường; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Giấy khen của Phòng GD&ĐT Tràng Định về “Tấm gương nhà giáo được đồng nghiệp và học sinh yêu quý nhất”. Đặc biệt, trong hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, cô đã đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh.
Năm học 2010-2011, cô đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi” cấp huyện; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Dự hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học này, cô rất tự tin vào bản thân và cô gắng phấn đấu đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh lần thứ 2. Một vinh dự, nguồn động viên lớn lao đối với cô: nhân kỷ niệm lần thứ 29 ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2011), cô là một trong 2 giáo viên của tỉnh Lạng Sơn được Sở GD&ĐT tặng giấy khen “Giáo viên trẻ có thành tích phát triển GD vùng sâu, vùng xa”.
Nhận xét về cô giáo Lan, thày giáo Nông Văn Luyện, hiệu trưởng trường tiểu học xã Quốc Việt đánh giá rất cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng và phương pháp sư phạm cũng như sự năng động trong công tác. Anh cho rằng, đây là một nhân tố tích cực có tác dụng thúc đẩy sự đổi mới trong phương pháp dạy và học ở nhà trường.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()