Cô giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục mầm non
Cô giáo Nguyễn Thị Đào trong giờ trên lớp |
Năm 2002, khi mới tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non, cô Nguyễn Thị Đào được phân công nhiệm vụ giảng dạy tại điểm trường Pác Mười thuộc Trường Tiểu học Đào Viên – một trường phổ thông có 4 lớp mầm non phân tán tại 4 điểm trường cách xa nhau ở xã biên giới đặc biệt khó khăn. Trong điều kiện công tác vô cùng khó khăn, toàn bộ lớp học dựng tạm bằng tre nứa, rất ít đồ dùng, đồ chơi; nhận thức của nhân dân về giáo dục mầm non còn hạn chế, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp rất thấp… Cô Đào đã cùng với đồng nghiệp vượt suối băng rừng đến từng hộ gia đình trong xã vận động phụ huynh đưa con đến trường; vận động phụ huynh đóng góp thêm kinh phí mua sắm thêm đồ dùng, đồ chơi. Hằng ngày, cô trực tiếp tổ chức các hoạt động cho trẻ trên lớp, gần gũi chăm sóc các bé; cô hy sinh nhiều ngày nghỉ cuối tuần để ở lại trường làm thêm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ và giúp các phụ huynh trong ngày mùa bận rộn.
Sau 2 năm công tác ở Đào Viên, cô giáo Nguyễn Thị Đào được điều động về Trường Tiểu học xã Quốc Việt, được hiệu trưởng giao trách nhiệm làm tổ trưởng chuyên môn mầm non. Năm 2005, Trường Mầm non xã Quốc Việt được thành lập, tách ra khỏi trường tiểu học, cô Nguyễn Thị Đào đã được cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng. Với vai trò, cương vị công tác mới, tại một đơn vị trường mới thành lập, có 4 điểm trường với 7 lớp nhưng chưa có phòng học riêng, toàn bộ cơ sở vật chất là học nhờ, học tạm, cô đã cùng đồng nghiệp thực hiện nhiều giải pháp để từng bước đưa nhà trường hoạt động ổn định; vận động phụ huynh đóng góp kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ tại trường, trẻ được học 2 buổi/ngày. Cô Đào cùng ban giám hiệu nhà trường đã tham mưu quy hoạch 2000 m2 đất cho trường mầm non, vận động được 2 hộ dân hiến hơn 300 m2 đất cho điểm trường Nà Làng. Trường liên tục đạt tập thể lao động tiên tiến trong nhiều năm học. Năm 2009, cô Đào vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 9/2010, khi Trường Mầm non xã Kháng Chiến được tách thành lập mới, cô Đào được điều động về làm hiệu trưởng. Tại ngôi trường này cô tiếp tục làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; tuyên truyền, vận động nhân dân, tham mưu với cấp trên hỗ trợ hơn 30 triệu đồng, 5.000 viên gạch; vận động phụ huynh học sinh hỗ trợ công lao động dẫn nguồn nước sạch phục vụ công tác bán trú, xây nhà vệ sinh.
Từ năm học 2012-2013 đến nay, cô được phân công về Trường Mầm non xã Chi Lăng công tác. Tại đây, với vai trò là Bí thư Chi bộ, hiệu trưởng nhà trường cô đã cùng tập thể thực hiện tốt nhiệm vụ các năm học. Trong điều kiện thiếu thốn của trường, cô Đào đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ tăng cường cơ sở vật chất; tích cực tham mưu với cấp trên để trường được đầu tư xây dựng theo chuẩn quốc gia; điểm trường lẻ Khảo Bàn cũng được kiên cố hoá và có tường rào chắc chắn, an toàn. Những việc làm đó đã góp phần quan trọng đưa đưa xã Chi Lăng hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2013; nhà trường được UBND huyện khen thưởng về thành tích xuất sắc trong chăm lo phát triển giáo dục mầm non; tập thể nhà trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Năm học 2016- 2017, Trường Mầm non xã Chi Lăng đã đạt các tiêu chuẩn của trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị cấp trên kiểm tra, công nhận.
Ý kiến ()