Cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện chậm tiến độ
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư quy định về cam kết phát triển dự án và cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện không thực hiện đúng tiến độ cam kết.
Thông tư quy định về nội dung cam kết phát triển dự án các dự án nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên đầu tư theo hình thức đối tác Công Tư (PPP) và các dự án nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên đầu tư không theo hình thức PPP do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện; cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện không thực hiện đúng tiến độ cam kết.
Trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày được giao quyền phát triển dự án nhà máy điện PPP, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP và Bộ Công Thương thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ phát triển dự án nhà máy điện đầu tư theo hình thức PPP (MOU).
Trường hợp dự án có nguy cơ chậm tiến độ so với các mốc tiến độ phát triển dự án đã cam kết tại MOU, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP phải có trách nhiệm nỗ lực tìm các biện pháp giải quyết vướng mắc để đảm bảo hoàn thành các mốc tiến độ được giao. Bộ Công Thương và Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP chỉ thực hiện điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU theo quy định trong các trường hợp như: Bị chậm do xảy ra sự kiện bất khả kháng: Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi rơi vào tình trạng bất khả kháng, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Công Thương và đề nghị điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Bộ Công Thương có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP có ý kiến đối với sự kiện bất khả kháng của Chủ đầu tư để làm cơ sở mời Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP cùng thực hiện việc ký kết điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU.
Đối với dự án không đạt được mốc tiến độ cam kết do hành vi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó thì chậm nhất 15 ngày làm việc sau khi bị chậm mốc tiến độ cam kết, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP phải có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án và giải trình các nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ do hành vi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, Bộ Công Thương có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP có ý kiến đối với các nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ không phải lỗi của Chủ đầu tư để làm cơ sở mời Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP cùng thực hiện việc ký kết điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU…
Có thể chấm dứt quyền phát triển dự án để giao cho nhà đầu tư khác
Cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện PPP không thực hiện đúng tiến độ cam kết được áp dụng từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền có văn bản giao quyền phát triển dự án tới thời điểm ký chính thức các tài liệu dự án và Hợp đồng PPP. Cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện PPP không thực hiện đúng tiến độ cam kết được thực hiện dưới hình thức sau:
Đối với mỗi lần chậm quá 30 ngày làm việc so với mỗi mốc tiến độ đã cam kết tại MOU, Bộ Công Thương có văn bản thông báo nhắc nhở, yêu cầu Chủ đầu tư nhà máy điện PPP khẩn trương hoàn thành hạng mục công việc bị chậm và đảm bảo không ảnh hưởng tới mốc tiến độ tiếp theo. Sau 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản nhắc nhở lần một, trường hợp Chủ đầu tư nhà máy điện PPP vẫn chưa hoàn thành mốc tiến độ bị chậm trước đó, Bộ Công Thương có văn bản thông báo nhắc nhở lần thứ 2. Tổng số lần nhắc nhở đối với mỗi mốc tiến độ tối đa không quá 02 lần.
Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Bộ Công Thương có văn bản thông báo lần một về việc chậm mốc tiến độ, trường hợp Chủ đầu tư không hoàn thành mốc tiến độ đã bị chậm và tiến độ tổng thể của Dự án bị chậm lũy kế lên tới 12 tháng so với tiến độ đã cam kết trong MOU, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành văn bản chấm dứt quyền phát triển dự án của Chủ đầu tư để xem xét giao cho nhà đầu tư khác.
Trường hợp Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt quyền phát triển dự án và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư thì toàn bộ chi phí Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP đã bỏ ra hoặc phát sinh từ trước thời điểm bị chấm dứt quyền phát triển dự án để phát triển dự án sẽ do Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP chịu và không được bồi hoàn.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()