Cơ chế quản lý giá góp phần minh bạch thị trường
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống (6/4/1965 – 6/4/2015) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Ngành giá Việt Nam (nay là Cục Quản lý giá) tổ chức ngày 5/4, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: trải qua 50 năm xây dựng trưởng thành, đến nay môi trường pháp lý để quản lý, điều hành giá đã từng bước được hoàn thiện theo hướng tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Cơ chế quản lý giá đã góp phần công khai, minh bạch thị trường, giảm thiểu hoạt động của thị trường ngầm.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi lễ. |
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Luật Giá được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 đã đánh dấu một bước cơ bản hoàn thiện thể chế quản lý giá, tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi để quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước và phù hợp với các cam kết quốc tế. Cơ chế quản lý giá giúp hệ thống tín hiệu về giá trên thị trường mang tính khách quan hơn thông qua việc mở rộng cơ chế thẩm định giá, đấu thầu, đấu giá đối với hàng hóa dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước.
Cùng với việc hoàn thiện môi trường pháp lý quản lý nhà nước về giá, công tác quản lý, bình ổn giá nhất là trong những thời điểm thị trường có nhiều biến động về giá như Tết Nguyên đán, các mùa lễ hội…cũng được Chính phủ tăng cường chỉ đạo. Nhờ triển khai có hiệu quả, Pháp lệnh Giá và Luật Giá đã góp phần giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm ổn định theo mục tiêu đề ra. CPI so với tháng 12 năm trước của năm 2012 là 6,81%, năm 2013 là 6,04%, năm 2014 là 1,84% (thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu khoảng từ 5-7% cho giai đoạn 2011 – 2015 mà Quốc hội đã đề ra).
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, nghề thẩm định giá ở Việt Nam cũng liên tục phát triển trong những năm qua. Hàng năm, Bộ Tài chính đều tổ chức kỳ thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá, tạo nguồn lực cho hoạt động thẩm định giá. Tính đến hết tháng 1/2015, cả nước có 168 doanh nghiệp thẩm định giá và 1.231 thẩm định viên về giá, trong đó có 788 thẩm định viên đăng ký hành nghề tại các doanh nghiệp thẩm định giá. Hiện Cục Quản lý giá vẫn đang là thành viên của Hiệp hội thẩm định giá các nước ASEAN (AVA); Hội đồng Tiêu chuẩn Thẩm định giá quốc tế (IVSC).
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Cục Quản lý giá trong năm 2015 tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (điện, than, dịch vụ công…) theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu của nhà nước. Cùng với đó, Cục Quản lý giá tiếp tục tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá theo quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; tăng cường kiểm tra, thanh tra, công khai thông tin về giá, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, đặt hàng, giao kế hoạch và các mặt hàng thiết yếu khác.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()