Cơ chế khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Mặc dù Chính phủ đã quan tâm, có những cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), tuy nhiên trong nhiều năm, tình hình gần như không mấy cải thiện. Làm thế nào để phát triển CNHT ở Việt Nam, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, sớm thoát cảnh gia công lắp ráp với giá rẻ đang là đòi hỏi cấp thiết. Phóng viên Báo Nhân Dânđã ghi lại những ý kiến, đề xuất của một số chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc:
Công nghiệp hỗ trợ – khi “đàn sếu” chưa cất cánh
Phát triển CNHT thực chất là phát triển thị trường công nghiệp mà ở đó có nhiều nhà cung ứng được chia theo nhiều cấp độ khác nhau. Như một đàn sếu bay, nhà sản xuất lắp ráp là con chim đầu đàn đang dẫn cả đàn sếu – các DN sản xuất linh phụ kiện ra thị trường. Đây cũng là mô hình dẫn đến sự phát triển thần kỳ của các nước có ngành công nghiệp hiện đại ở châu Á với những “con chim đầu đàn” như Nhật Bản, Hàn Quốc. Những nước và vùng lãnh thổ có nền công nghiệp khá phát triển khác như Xin-ga-po, Đài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a, Thái-lan cũng có các nhà cung ứng cấp 1, hoặc cấp 2.
Thiếu những “con chim đầu đàn”, Việt Nam còn hội nhập muộn so các nước trong khu vực. Với quy mô kinh doanh nhỏ, việc các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã được định hình sẵn không phải là điều dễ dàng nếu không có những lợi thế cạnh tranh căn bản như: chất lượng sản phẩm phải đạt chuẩn về kỹ thuật, giá cả cạnh tranh, giao hàng đúng hạn. Đáng tiếc, vẫn luôn tồn tại một khoảng cách quá lớn giữa yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá bán cũng như thời hạn giao hàng của các DN nước ngoài so với khả năng đáp ứng của DN Việt Nam.
Ước tính đến nay, chỉ có khoảng 15% nguyên liệu đầu vào của DN FDI là được sản xuất bởi các DN Việt Nam. Đó là chưa kể quy mô thị trường CNHT của Việt Nam còn quá nhỏ. Trong khi đó, việc nước ta gia nhập WTO và sau khi thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng rào thuế quan giảm xuống và các chi tiết cùng linh kiện theo đó cũng được giảm thuế. Đó là những thách thức rất lớn đối với các DN cung cấp linh, phụ kiện trong tương lai gần. Các DNNVV hoạt động trong các ngành CNHT Việt Nam sẽ mãi mãi không bật dậy được từ tầng lớp các nhà cung ứng cấp 3, cấp 4.
Phát triển CNHT đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía. Các khuyến nghị chính sách mà VCCI đưa ra tập trung vào việc phải có chương trình hỗ trợ trọng điểm vào một số dự án, nhóm sản phẩm để tạo những nhà cung ứng cấp 2, cấp 1 và sớm có những “con chim đầu đàn”. Cần tái cơ cấu lại các cụm công nghiệp còn chưa lấp đầy hiện nay, lấy các DN lớn làm vai trò hạt nhân, có nhà xưởng sẵn có để tạo điều kiện cho các DNNVV vệ tinh khởi đầu thuận lợi, tập trung vốn vào trang thiết bị, nâng cao tay nghề. Các DN Việt Nam phải chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường, tìm hiểu công nghệ thích hợp, kiên trì thiết lập quan hệ đối tác với người mua
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, GS, TSKH Nguyễn Mại:
Cần ưu tiên hỗ trợ lĩnh vực lợi thế nhất
Không một quốc gia nào đang trên đà phát triển như Việt Nam lại có thể làm công nghiệp hỗ trợ cho tất cả các ngành. Nếu không ưu tiên hỗ trợ lĩnh vực nào mình có lợi thế nhất sẽ là một sai lầm. Chúng ta đi sau, ưu thế lớn nhất là ưu thế về thông tin, tránh được thất bại của người đi trước và có thể lựa chọn sự thành công của các nước khác. Đáng tiếc, chúng ta đã không phát huy được lợi thế này.
Trong một quyển sách nghiên cứu nói về ưu thế thông tin, tức là các quốc gia đi sau sẽ tránh được những thất bại, sai lầm của quốc gia đi trước, được chọn lựa những mô hình thành công của quốc gia khác để làm theo. Thí dụ, Ma-lai-xi-a tập trung làm điện và điện tử, đạt 57% tổng kim ngạch xuất khẩu là điện và điện tử, cho nên những linh kiện điện trong ô-tô của Malai-xi-a là nội địa.
Chúng ta đã không có một chính sách CNHT quốc gia tập trung một số lĩnh vực mình có lợi thế nhất là điều đáng tiếc. Muốn “chen chân” vào chuỗi sản xuất một sản phẩm, phải xác định rõ lợi thế của mình là gì. Sai lầm của chúng ta là mở ra đại trà, phát triển đến mức thừa mứa. Hiện nay, 50-60% diện tích đất trong các khu công nghiệp đang bị bỏ phí. Nơi nào cũng may mặc, nơi nào cũng dệt, giày da, không có sắc thái mang tính khác biệt của địa phương. Lợi thế hiện nay là lợi thế của sự khác biệt, các lãnh đạo địa phương chưa thật sự coi trọng sự khác biệt vùng đất của mình là gì, để từ đó tạo nên lợi thế.
Chúng ta chưa có chính sách phát triển CNHT quốc gia, không thể làm một sản phẩm từ A đến Z, mà chỉ có thể “chen chân” vào một khâu trong chuỗi sản phẩm. Chính sách hiện tại cho CNHT chưa đủ mạnh để hấp dẫn, khuyến khích, chưa ưu tiên cho những DN hàng đầu, chưa ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu phát triển, chưa giúp DN khởi nghiệp. Tôi cho rằng, sang năm 2015-2016, để đáp ứng được nhu cầu có được 50-60% giá trị gia tăng, phải chia thành hai cấp về CNHT.
Cấp 1 chủ yếu liên doanh với nước ngoài hoặc 100% nước ngoài, cấp 2 chủ yếu làm cho cấp 1 hoặc 100% DN Việt Nam. Các DN FDI ở Việt Nam sẵng sàng sử dụng nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam nếu bảo đảm chất lượng, số lượng mà giá lại rẻ hơn. Công ty Canon đã phải đi tìm mãi ở Việt Nam những đơn vị cung cấp vỏ xốp, hộp giấy, nhựa,… mà không tìm được.
Tôi khẳng định, các kiến thức kinh tế để xây dựng đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nước ta hiện vẫn đang tìm tòi một mô hình phù hợp để phát triển CNHT. Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về chất lượng công nhân Việt Nam và nước ta có tiềm năng rất lớn, đứng trước một cơ hội rất lớn để phát triển CNHT.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()