Cơ chế đặc thù không phải là đặc quyền, đặc lợi
Trong những ngày họp đầu tiên của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV dành thời gian để các đại biểu thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Việc nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương nhằm góp phần tạo thuận lợi trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính đột phá về cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền. Ðây là một chủ trương đúng đắn, góp phần khắc phục tình trạng “cào bằng”, “bình đẳng” một cách máy móc về cơ chế, chính sách để có thể phát huy cao nhất thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực. Một số đại biểu Quốc hội cho biết: Với việc ban hành một số cơ chế riêng, chính sách đặc thù đã giúp những đô thị như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… bứt phá mạnh mẽ.
Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội cùng các chuyên gia về xây dựng chính sách quan tâm là các cơ chế riêng, chính sách đặc thù có phải chỉ nằm ở tăng tỷ lệ thu thuế, phí, ở tỷ lệ nguồn thu để lại cho địa phương hay không? Về nội dung này, nhiều ý kiến đề xuất: Bên cạnh các yếu tố ưu tiên về tài chính, ngân sách, nguồn thu, để các địa phương thật sự vươn mình, trở thành đầu tàu kinh tế rất cần sự đổi mới quyết liệt, kịp thời về cải cách hành chính, về các thủ tục phê duyệt dự án, thủ tục đầu tư, thủ tục thành lập doanh nghiệp, về công tác tổ chức cán bộ, biên chế… Bởi ở nước ta, dù công cuộc cải cách hành chính đang thu được những thành quả bước đầu quan trọng nhưng ở một số lĩnh vực, đây vẫn đang là những lực cản lớn nhất, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, cơ chế đột phá về cải cách thủ tục hành chính, hành chính công và dịch vụ công là những nội dung quan trọng mà các địa phương cần thật sự quan tâm trong quá trình vươn lên. Nếu có các cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách, nhưng không đồng hành cùng cải cách hành chính công, dịch vụ công, yếu tố con người để tạo điều kiện cho các nguồn lực được khơi dậy mạnh mẽ thì sẽ không thể mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Khi đề cập yếu tố “đặc thù”, một số đại biểu Quốc hội cùng chung suy nghĩ: Chúng ta nên nghiên cứu, cân nhắc thêm về việc dành cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên trước hết cho các tỉnh nghèo. Nếu tập trung xây dựng chính sách dành cho các tỉnh nghèo thì nơi đó sẽ có điều kiện, có nguồn lực để thoát nghèo nhanh hơn, bứt phá nhanh hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong quá trình xóa đói, giảm nghèo, có những tỉnh đã tự tìm được những chính sách, cách làm đặc thù để giúp các xã nghèo, người dân nghèo thoát nghèo thành công. Vì vậy, không nên quá trông chờ vào ngân sách, sự hỗ trợ của Nhà nước trong điều kiện còn nhiều khó khăn như hiện nay mà các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hướng đi riêng, phù hợp, chính xác.
Liên quan vấn đề này, có ý kiến cho rằng, cần phân biệt rõ khái niệm “đặc thù” và “đặc quyền, đặc lợi” để tránh những sai lầm trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và áp dụng chính sách. Các cơ chế, chính sách đặc thù đối với từng địa phương phải giúp nơi đó giải quyết được những hạn chế, bất cập tồn tại nhiều năm nay, đồng thời tạo sức bật, đột phá ở những thế mạnh chưa được khai thác đúng tầm, đúng tiềm năng. Chính sách đặc thù giữa các địa phương có thể giống nhau về chủ trương lớn nhưng khi áp dụng vào từng lĩnh vực thì phải có sự phù hợp đặc thù của nơi đó… Vì vậy, cần nghiên cứu toàn diện để có những chính sách sáng tạo, không rập khuôn, có tầm nhìn hướng đến tương lai trên cơ sở thực tế hiện tại. Trong đó, cần chú trọng khai thác những tiềm năng, thế mạnh nổi bật về kinh tế, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa… để tạo tiền đề cho các tỉnh được hưởng chính sách đặc thù
tiếp tục phát triển năng động, bền vững.
Một trong những nội dung quan trọng rất cần được quan tâm là việc ban hành các chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, về hành chính công, về cải cách thủ tục hành chính hay những nội dung khác cần đặc biệt quan tâm, gắn liền thực tế đời sống của nhân dân, không thể chỉ “nhắm” vào những điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước. Các chính sách đều phải hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp ổn định đời sống, phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, nhất là trong tình hình mới, trong thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch Covid-19… Các cơ chế, chính sách phải hướng về thực tế đời sống, khơi dậy sức dân, động viên doanh nghiệp để tạo được nguồn lực mạnh mẽ. Bên cạnh đó, đối với những vấn đề, mô hình mới, cần được nhìn nhận, nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện, không chỉ dưới góc độ phát triển kinh tế mà cần chú trọng yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Áp dụng chính sách đặc thù không có nghĩa là đặc quyền mà rất cần được các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra để phòng ngừa từ xa những sai phạm, sai lầm trong quá trình thực hiện. Việc phát hiện kịp thời những vấn đề, vướng mắc sẽ góp phần quan trọng để các cơ quan chức năng xác định những điểm yếu trong xây dựng, thực thi chính sách, từ đó bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Ý kiến ()