Cơ cấu lại nền kinh tế: Lô-gích hành động và cách tiếp cận
Thực tế chỉ ra rằng, không đổi mới mô hình tăng trưởng thì trong giai đoạn tới, nền kinh tế nước ta khó tránh khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020 có một mục tiêu rõ ràng là phải làm cho đất nước tránh sa vào bẫy thu nhập trung bình.Đây là một mục tiêu thể hiện tầm nhìn chiến lược và mang tính thực tiễn cao. Căn cứ vào các điều kiện thực tế, đây cũng thật sự là mục tiêu khó đạt nhất. Yêu cầu này đã được diễn đạt thành một công thức hành động rõ ràng tại Đại hội Đảng XI: đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.Cấp thiết đổi mới mô hình tăng trưởngĐể thay đổi mô hình tăng trưởng, trước hết phải nhận diện chính xác thực chất và hậu quả mà nó gây ra. Động cơ thúc đẩy tăng trưởng trong mô hình hiện tại gồm: chủ nghĩa thành tích (ảo) cùng các lợi ích cục bộ ngắn hạn (lợi ích mang nặng tính đầu cơ, chụp giật). Các trụ cột của mô hình tăng...
Thực tế chỉ ra rằng, không đổi mới mô hình tăng trưởng thì trong giai đoạn tới, nền kinh tế nước ta khó tránh khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020 có một mục tiêu rõ ràng là phải làm cho đất nước tránh sa vào bẫy thu nhập trung bình.
Đây là một mục tiêu thể hiện tầm nhìn chiến lược và mang tính thực tiễn cao. Căn cứ vào các điều kiện thực tế, đây cũng thật sự là mục tiêu khó đạt nhất. Yêu cầu này đã được diễn đạt thành một công thức hành động rõ ràng tại Đại hội Đảng XI: đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.
Cấp thiết đổi mới mô hình tăng trưởng
Để thay đổi mô hình tăng trưởng, trước hết phải nhận diện chính xác thực chất và hậu quả mà nó gây ra. Động cơ thúc đẩy tăng trưởng trong mô hình hiện tại gồm: chủ nghĩa thành tích (ảo) cùng các lợi ích cục bộ ngắn hạn (lợi ích mang nặng tính đầu cơ, chụp giật). Các trụ cột của mô hình tăng trưởng: Tăng trưởng dựa chủ yếu vào khai thác (và xuất khẩu) tài nguyên thô; Đầu tư vốn (dễ dãi); Khai thác lao động rẻ, chất lượng thấp; Khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả thấp. Cơ chế thực hiện mô hình (cơ chế phân bổ nguồn lực) ít dựa vào tín hiệu thị trường, ít căn cứ vào hiệu quả trong khi bị chi phối ngày càng nhiều bởi cách làm hành chính – quan liêu – chủ quan và nguyên tắc “xin cho”, “chia đều”, “thân quen” (với biến thể là nguyên tắc “chủ quản”).
Với các trụ cột và vận hành theo cơ chế nêu trên, mô hình tăng trưởng này phát huy tác dụng tích cực trong một quãng thời gian nhất định, nhất là trong giai đoạn “cởi trói” thể chế (giai đoạn đầu đổi mới), đáp ứng được phần nào nhu cầu tăng trưởng cao trong ngắn hạn, thỏa mãn áp lực của “chủ nghĩa thành tích”, thu lợi nhanh cho các chủ thể (bao gồm ngân sách nhà nước) và các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, sự đánh đổi là rất đắt: Nền kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng kéo dài, tiêu tốn nhiều vốn, phung phí và các nguồn lực phát triển cơ bản nhưng không quan tâm nâng cấp chất lượng tăng trưởng (chất lượng nhân lực, hiệu quả đầu tư, năng lực cạnh tranh), xói mòn các cơ sở của tăng trưởng bền vững, gây ô nhiễm môi trường, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại chậm, ít liên kết quốc tế, khó gia nhập chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Mô hình tăng trưởng mới phải đáp ứng yêu cầu khắc phục các “khuyết tật” của mô hình tăng trưởng cũ nêu trên, đồng thời phải giúp cho nền kinh tế tránh không bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”; bảo đảm cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.
Mô hình tăng trưởng mới có động cơ là lợi nhuận, động lực là cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể thị trường. Các trụ cột chính của mô hình tăng trưởng này gồm công nghệ – kỹ thuật cao; lao động có kỹ năng (năng suất cao); liên kết quốc tế; khu vực tư nhân, với cơ chế vận hành là cạnh tranh thị trường, có sự tham gia điều tiết của Nhà nước. Để thực hiện được mô hình tăng trưởng mới thì quy hoạch quốc gia phải thống nhất, có tầm nhìn xa toàn cầu; thực thi theo nguyên tắc tập trung phát huy lợi thế; kết nối phát triển tốt; thể chế hiện đại; tạo đột phá mạnh, lan tỏa nhanh; hệ thống giám sát thực thi chặt chẽ và chế tài nghiêm khắc.
Nội dung và lộ trình cơ cấu lại nền kinh tế
Thực tiễn đòi hỏi phải khẩn trương cơ cấu lại nền kinh tế. Yêu cầu này bắt nguồn từ hai lý do chính là nền kinh tế bị mất cân đối lớn kéo dài, rơi vào bất ổn và suy giảm tốc độ tăng trưởng. Nguyên nhân trực tiếp do cơ cấu kinh tế yếu kém, lạc hậu, thiếu tầm nhìn. Các điều kiện đáp ứng yêu cầu phát triển trong hội nhập (tận dụng thời cơ lẫn vượt qua thách thức) của nền kinh tế quá thiếu thốn, không đồng bộ, dẫn tới chỗ năng lực hội nhập kém, ít triển vọng đua tranh và cạnh tranh quốc tế thắng lợi. Với cách tiếp cận đó, nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế có tầm nhìn và định hướng mục tiêu “kép”: vượt qua mô hình tăng trưởng cũ, đồng thời, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển thành công trong môi trường hội nhập và cạnh tranh quốc tế phức tạp.
Sự tái diễn lạm phát qua từng năm và sự xói mòn lòng tin thị trường trong thời gian qua không chỉ cho thấy tình trạng có vấn đề nghiêm trọng của mô hình tăng trưởng và cơ cấu bên trong của nền kinh tế. Nó còn bộc lộ những yếu kém trong cách thức hành động để ổn định hóa tình hình, khôi phục các cơ sở tăng trưởng bền vững. Tại thời điểm hiện nay, quản trị vĩ mô không thể hành động theo cách “cứ tập trung lo giải quyết cho xong những bất ổn ngắn hạn, sau đó, bắt tay vào tái cấu trúc”. Ngược lại, phải đặt việc giải quyết các vấn đề ngắn hạn, dù rất nóng bỏng, trên nền tảng giải quyết các vấn đề dài hạn (tái cấu trúc). Điều này càng cho thấy, việc làm rõ các vấn đề cấu trúc bên trong của nền kinh tế có ý nghĩa quyết định. Và đây vẫn là điều cần phải bắt tay vào làm một cách nghiêm túc, có bài bản và mang tính hệ thống. Cấu trúc nền kinh tế cần phải được “đại phẫu” để phát hiện thực chất căn bệnh và căn nguyên của tình hình.
Thử nhìn lại (dù chỉ một cách “phiến diện”) bức chân dung hiện tại của nền kinh tế Việt Nam để có sự hình dung sơ bộ về thực trạng cơ cấu của nó. Hiện nay, nền kinh tế nước ta mới đạt quy mô GDP 100 tỷ USD. Để sản xuất ra 100 tỷ USD GDP đó, trong nền kinh tế: Có hơn 100 NH và chi nhánh NH nước ngoài đang hoạt động. Bình quân, mỗi NH phục vụ cho việc tạo ra chỉ chưa đến 1 tỷ USD GDP (!!!). Ngoài ra, còn có hàng trăm công ty tài chính và công ty chứng khoán đang hoạt động; có 100 cảng biển (tùy theo cách phân loại, con số này có thể tăng lên đến khoảng 260 hoặc giảm xuống đến 70 cảng). Nếu tạm thời lấy con số 100 cảng biển thì mỗi cảng biển cũng chỉ phục vụ cho việc sản xuất ra 1 tỷ USD; có 18 khu kinh tế ven biển, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, 260 KCN và khoảng 650 cụm công nghiệp. Chưa tính đến sự hiện diện của các cụm công nghiệp (hơn 650 cụm công nghiệp), trong tương quan với quy mô GDP, có thể thấy cấu trúc tổ chức công nghiệp của Việt Nam rất “li ti”, trong đó, mỗi khu kinh tế và khu công nghiệp chỉ sản xuất một lượng GDP ít ỏi. Theo bất cứ chuẩn mực nào thì sự phân bố công nghiệp như vậy đều cho thấy một sự dàn trải, phân tán và lãng phí nguồn lực…
Mô hình tăng trưởng với các trụ cột chính là khai thác tài nguyên; lao động rẻ, chất lượng thấp; đầu tư vốn lớn và dễ dàng; khu vực DNNN có thế lực mạnh nhưng với hiệu quả thấp tất nhiên dẫn tới một cơ cấu ngành ít có năng lực “tự cải tạo”, bị hãm lâu ở tầng đẳng cấp thấp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng xét theo quan điểm phát triển bền vững. Kéo theo đó là một cơ cấu công nghiệp lệch lạc – thiếu nền tảng công nghiệp hỗ trợ, thiếu lực lượng doanh nghiệp có khả năng liên kết và gia nhập vào chuỗi sản xuất thế giới và khu vực, do đó, không thể cạnh tranh và lớn lên một cách bình thường. Nhập siêu ngày càng nghiêm trọng dẫn đến sự lệ thuộc vào thị trường bên ngoài một cách bất bình thường và đáng báo động là hậu quả tất yếu của mô hình tăng trưởng và cấu trúc kinh tế như vậy. Nói khác đi, đó là hậu quả không thể tránh khỏi của một cách thức phân bổ nguồn lực mang nặng tính hành chính – xin cho, ít dựa trên nguyên tắc thị trường.
Tái cấu trúc kinh tế có phạm vi rộng và phức tạp. Nó bao gồm cơ cấu ngành, vùng lẫn hệ thống thể chế, cơ chế vận hành và hệ thống quản trị vĩ mô. Điều này phần nào lý giải tại sao cho đến nay chúng ta vẫn chưa thật sự bắt tay vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Nhưng để tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, trong điều kiện nguồn lực và năng lực có hạn, phải xác định đúng tọa độ xuất phát – tái cấu trúc bắt đầu từ đâu? Từ khâu hay từ những điểm đột phá nào để quá trình tái cấu trúc diễn ra – trong bối cảnh phát triển phức tạp, khó dự đoán của thế giới và của Việt Nam – theo một lô-gích lan tỏa và lộ trình tiếp nối hợp lý và hiệu quả nhất?
Cách tiếp cận ở đây là: Tìm kiếm tọa độ “từ đâu” không có nghĩa là dốc sức để xác định cho được một điểm đầu tiên, duy nhất của quá trình tái cấu trúc cho cả nền kinh tế. Tái cấu trúc nền kinh tế hàm nghĩa tái cấu trúc ngành, vùng, tái cấu trúc hệ thống thể chế (các tiểu hệ thống), với trọng tâm đặt vào mục tiêu thay đổi hệ thống và cơ chế phân bổ nguồn lực. Về nội hàm, với thực chất là thay đổi cơ chế, phương thức (hệ thống thể chế) phân bổ nguồn lực phát triển, có thể khái quát nội dung tái cơ cấu kinh tế bao hàm một số nội dung chủ chốt sau: Tái cấu trúc hệ thống quản trị vĩ mô (gồm tái cấu trúc hệ thống ngân sách, hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc đầu tư công, cải cách hành chính, v.v.); Tái cấu trúc hệ thống phân cấp quản lý Trung ương – địa phương; Tái cấu trúc khu vực DNNN, tập trung trước hết vào các tập đoàn kinh tế; Cấu trúc lại hệ thống sở hữu và phát triển hệ thống thị trường, tập trung ưu tiên phát triển những thị trường đầu vào cơ bản nhưng cho tới nay, rất ít được quan tâm từ phía Nhà nước. Đó là thị trường đất đai và thị trường lao động; Tái cấu trúc hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Tái cấu trúc và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; Tư duy lại kết cấu công nghiệp và vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ. Vấn đề phát triển kinh tế vùng và liên kết phát triển các địa phương. Vấn đề phát triển nguồn nhân lực.
Khối lượng công việc “tái cấu trúc” là rất lớn. Với nguồn lực vật chất và năng lực có hạn của bộ máy quản trị, điều hành kinh tế vĩ mô, để tiến hành tái cấu trúc một cách khẩn trương, hiệu quả, cần phải xếp đặt một lộ trình tái cấu trúc hợp lý. Do Nhà nước là chủ thể tổ chức quá trình này nên lô-gích tái cấu trúc bắt đầu từ chính khả năng tiến hành tái cấu trúc của Nhà nước (Chính phủ), bắt đầu từ những khâu thể chế quan trọng và trong phạm vi điều hành của Chính phủ. Theo lô-gích đó, có thể đề xuất lộ trình tái cấu trúc như sau: Cải cách hệ thống ngân sách nhà nước theo hướng vận hành theo cơ chế ngân sách “cứng”. Ưu tiên cải cách chế độ lương trong khu vực nhà nước, coi đây là khâu then chốt để cải cách khu vực quản trị hành chính nhà nước, là điều kiện cốt tử để tăng cường tính chịu trách nhiệm, nhờ đó, nâng cao năng lực và hiệu lực quản trị nhà nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()