Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là đô thị loại 1 trung tâm cấp quốc gia, có vị trí quan trọng về kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh của vùng Bắc Bộ và cả nước… Mặt khác, trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc cơ cấu lại nền kinh tế thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh là việc quan trọng và cần thiết.
Vị trí quan trọng của thành phố cảng
Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 32-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ CNH, HĐH và ngày 16-9-2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1448/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nghị quyết và quyết định có ý nghĩa quan trọng với tương lai phát triển của thành phố cảng. Theo đó, Hải Phòng là đô thị loại 1 trung tâm cấp quốc gia, có vị trí quan trọng về kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh của vùng Bắc Bộ và cả nước; là thành phố cảng, cửa chính ra biển quan trọng của quốc gia, là đầu mối giao thông quan trọng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hai hành lang – một vành đai hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, là trung tâm kinh tế – khoa học – kỹ thuật tổng hợp của vùng ven biển Bắc Bộ và là trung tâm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Từ mục tiêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho rằng: Hải Phòng chủ động xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở bảo đảm gắn kết chặt chẽ với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 của đất nước; hài hòa, đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, phát huy tiềm năng vị thế của từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm, tạo sức mạnh tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển chung. Đây là việc điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Việc điều chỉnh dựa trên cơ sở xác định rõ những yếu tố tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của thành phố và bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng theo chiều rộng với tăng trưởng theo chiều sâu; huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và liên tục.
Mặt khác, cùng với cả nước TP Hải Phòng cũng đang chú trọng việc phát triển kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, doanh nghiệp (DN) trong tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, xuất phát từ những yêu cầu khách quan đặt ra phải cơ cấu lại nền kinh tế thành phố như: chất lượng tăng trưởng chưa thật sự bền vững, mới theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu; cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tự phát, chưa có sự cân đối giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các vùng, khu vực; việc sử dụng cạn kiệt các nguồn tài nguyên làm ảnh hưởng hệ sinh thái và ô nhiễm nguồn nước, môi trường nước, không khí, đất…
Do vị trí địa chính trị, địa kinh tế đặc thù, TP Hải Phòng có nhiều DN lớn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)… đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng và phát triển với tốc độ khá cao. Nhưng do tác động của khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới, đồng thời do năng lực, kinh nghiệm quản lý, đầu tư đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của một số đơn vị, tập đoàn và có tác động đến cơ cấu kinh tế thành phố như cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động, cơ cấu sản phẩm… Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của nhiều DN trên địa bàn còn hạn chế; môi trường đầu tư còn nhiều bất cập, thiếu mặt bằng sạch đủ kết cấu hạ tầng; việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động còn lúng túng về cơ chế chính sách; nguồn nhân lực có chất lượng cao còn thiếu… Cải cách thủ tục hành chính có tiến bộ, nhưng vẫn bộc lộ một số điểm yếu như chậm hơn tốc độ đổi mới kinh tế; cải cách bộ máy quản lý chậm hơn cải cách DN…
Xây dựng Cơ cấu kinh tế hợp lý
Để xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý, Hải Phòng quan tâm đến công tác quy hoạch và xây dựng mô hình kinh tế thành phố. Trước nhất, thành phố tập trung xây dựng mục tiêu tăng trưởng. Trong mười năm qua (từ 2000 đến 2010), Hải Phòng đạt mức tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 11,1%/năm, gấp 1,5 lần mức bình quân chung cả nước. Trong những thời điểm khó khăn nhất do tác động của khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới, thành phố vẫn quyết tâm đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 10%. Cũng từ đó mà Hải Phòng tập trung sức, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và liên tục. Thành phố chỉ đạo đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp, dịch vụ. Tỷ trọng GDP trong các nhóm ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 87% năm 2005 lên 90% năm 2010. Nhiều ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng đóng góp lớn vào tăng trưởng được tạo điều kiện phát triển. Trong đó, xác định một số ngành trọng điểm, sản phẩm, chủ lực để tập trung đầu tư, phát triển mạnh, đứng vững tại thị trường trong nước và có thương hiệu, thị phần trên thị trường quốc tế. Với vị thế là cửa ngõ đường hàng hải của khu vực kinh tế phía bắc, Hải Phòng vẫn tập trung phát triển cảng biển. Hiện Hải Phòng có hơn 7.200 m cầu cảng, gấp hơn hai lần thời kỳ trước đổi mới (1986), sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 35 triệu tấn, tăng gấp 11 lần so với thời kỳ trước đổi mới. Sắp tới, thành phố đang triển khai xây dựng một cảng nước sâu hiện đại, tầm cỡ quốc tế tại Lạch Huyện và sản lượng hàng hóa qua cảng sẽ lên tới 66 triệu tấn vào năm 2020 và 250 triệu tấn vào năm 2030… Cùng với đó, thành phố tập trung sức thực hiện các dự án cầu Đình Vũ – Cát Hải, đường ô-tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và hàng loạt các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác.
Việc phối hợp chặt chẽ giữa các tập đoàn, các tổng công ty với thành phố cũng được tăng cường theo hướng tập trung rà soát đánh giá các dự án đang đầu tư trên địa bàn về tính khả thi và năng lực tài chính để đẩy nhanh tiến độ theo quy hoạch về cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động, cơ cấu sản phẩm của thành phố. Điển hình là tháng 2-2010, Hải Phòng đã ban hành Quy định về tiêu chí, danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư và danh mục các dự án không chấp thuận đầu tư trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020. Đây là cơ sở cho việc lựa chọn, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, bảo vệ môi trường, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững. Đồng thời cũng hạn chế mặt trái của “tăng trưởng nóng” và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống.
Mặt khác, Hải Phòng tập trung phát triển hợp lý các ngành có công nghệ cao, giảm chi phí sản xuất, giảm mức tiêu hao năng lượng và vật tư nguyên liệu trong sản phẩm, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm đẩy nhanh thực hiện nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Thành phố tạo điều kiện cho các DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sản phẩm, đổi mới dịch vụ khách hàng, khuyến khích DN thành lập quỹ phát triển khoa học – công nghệ và các bộ phận nghiên cứu, đổi mới công nghệ nhằm tạo sức cạnh tranh. Cùng với đó, thành phố quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, tập trung đào tạo nhân lực khoa học – công nghệ, nhân lực lao động kỹ thuật đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, có tính đi trước đón đầu, từng bước tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế. Đồng thời, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 (khóa X). Thành phố đang triển khai các Đề án đào tạo giám đốc DN thích ứng yêu cầu hội nhập; Đề án nâng cao năng lực quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng cho cán bộ, công chức liên quan ở các cấp, các ngành thành phố; Đề án đào tạo 100 tiến sĩ… nhằm hướng tới các mục tiêu này.
Việc phát triển và ứng dụng mạnh mẽ, rộng rãi công nghệ thông tin được thành phố xác định là động lực mạnh mẽ thúc đẩy, đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội, tiến vào nền kinh tế tri thức. Thành phố bảo đảm các điều kiện cho mọi công dân, tổ chức, các DN có điều kiện sử dụng thông tin như một nguồn tài nguyên quan trọng để nâng cao tri thức và chất lượng sống. Tháng 5-2010, cổng thông tin điện tử DN của thành phố đã đi vào hoạt động để DN có thể đăng ký kinh doanh trực tuyến và tra cứu cơ sở dữ liệu về DN tại Hải Phòng. Cùng với cải cách hành chính được triển khai khá quyết liệt, Hải Phòng đang hướng tới việc xây dựng “chính phủ điện tử”, điều hành qua mạng, phát triển thương mại điện tử, phát huy vai trò của cổng thông tin điện tử…
Cơ cấu lại kinh tế cũng có nghĩa Hải Phòng sẽ thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng. Theo đó, mô hình sản xuất sẽ hướng tới đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu cùng với khuyến khích sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, hàng tiêu dùng, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp tăng cường áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn để giảm tiêu hao năng lượng, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Muốn vậy, điều quan trọng là hướng các mô hình sản xuất bảo đảm pháp luật về bảo vệ môi trường và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, có chính sách quản lý sản phẩm trong suốt quá trình tồn tại của chúng và quản lý chất thải đúng theo quy định của pháp luật, áp dụng thành công và được cấp chứng chỉ ISO 14001 về quản lý môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu, lượng nước sử dụng so với mức tiêu thụ chung, tham gia và có đóng góp tích cực các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, bảo vệ môi trường công cộng…
Vấn đề cấu trúc lại cơ cấu kinh tế TP Hải Phòng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đang đứng trước những cơ hội và những thách thức to lớn. Tin rằng với tiềm năng, thế mạnh và sự đồng lòng, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cảng, một thành phố công nghiệp, văn minh, hiện đại mang tên Hải Phòng sẽ thành hiện thực trước năm 2020.
Ý kiến ()