Trợ lực xóa đói, giảm nghèo
Qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống QTDND bao gồm một QTDND Trung ương nay là Ngân hàng Hợp tác xã với 27 chi nhánh và 1.149 QTDND hoạt động tại 56 trong số 63 tỉnh, thành phố. Hoạt động của các QTDND đã thu hút hơn hai triệu thành viên tham gia. Đáng chú ý, đối với những địa phương nghèo, việc phát triển mô hình QTDND đã trở thành một động lực xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, thực tế đã chứng minh, hiệu quả xóa đói, giảm nghèo sau khi UBND tỉnh ra nghị quyết phát triển QTDND với mục tiêu mỗi huyện cho ra đời từ năm đến bảy quỹ/năm. Cùng với sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và trợ lực của QTDND Trung ương nhiều QTDND đã được thành lập mới, góp phần thay đổi diện mạo các xã nghèo. Đơn cử, tại QTDND liên xã Cương Gián – Xuân Liên (huyện Nghi Xuân), dòng vốn tín dụng đã giúp những ngư dân thoát nghèo từ việc vay vốn đầu tư mua thuyền máy, ngư cụ để đánh bắt hải sản, rồi đến việc tiếp sức cho vay xuất khẩu lao động. Đến nay, Quỹ có hơn 3.100 thành viên tham gia, với tổng vốn hoạt động hơn 211 tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 190 tỷ đồng. Hai xã Cương Gián và Xuân Liên đã trở thành những địa phương có kinh tế phát triển năng động, nguồn thu lớn từ xuất khẩu lao động. Hiện, ước tính có hơn 4.500 người ở hai xã đang làm việc, lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a,… góp phần đưa tổng thu nhập toàn xã Cương Gián năm 2015 đạt 581 tỷ đồng, bình quân thu nhập hơn 32 triệu đồng/người/năm.
Hệ thống QTDND đến nay đã có sự lớn mạnh không chỉ về số lượng, mà cả về chất lượng. Theo báo cáo từ Hiệp hội các QTDND, tính đến nay, tổng số thành viên QTDND đạt hơn hai triệu, tổng vốn điều lệ đạt hơn 3.400 tỷ đồng. Các QTDND đang dần tự chủ về nguồn vốn với tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 65.700 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Hợp tác xã hơn 4.500 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn dồi dào, các QTDND đã đẩy mạnh dư nợ cho vay thành viên đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng, trong khi nợ xấu tính đến cuối năm 2015 chỉ chiếm 0,97% tổng dư nợ cho vay của các QTDND.
Bên cạnh việc góp phần hỗ trợ người dân, địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hoạt động của mô hình QTDND còn góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Hiện, không ít QTDND có mức thuế nộp cao hơn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáng chú ý, việc gửi tiền và vay vốn tại các QTDND đã tạo cho người dân ý thức tiết kiệm và tập trung sản xuất kinh tế hàng hóa. Cùng với đó, mô hình này còn giúp đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, qua đó đóng góp vào sự nghiệp phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới. “Ở khu vực nông thôn, người dân không thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng để vay những món tiền nhỏ phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia đình. Vì vậy, không ít hộ đã phải vay nặng lãi vừa nhanh vừa dễ dàng để chi tiêu, sau đó phải trả với lãi suất cao, người không trả được lại phát sinh mâu thuẫn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Từ khi có QTDND, tệ nạn này đã giảm một cách đáng kể, với cách cho vay nhanh gọn, nắm bắt được đúng nhu cầu của người dân” – Giám đốc QTDND Lộc Sơn (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) Lại Năng Thùy khẳng định. Hiện, QTDND Lộc Sơn có tổng nguồn vốn gần 600 tỷ đồng, trong đó dư nợ tính đến thời điểm này là gần 500 tỷ đồng. Năm 2015, quỹ nộp ngân sách 2,5 tỷ đồng, tăng gấp hơn ba lần so với năm 2010. Cùng với việc góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế địa phương, QTDND Lộc Sơn còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 thành viên, với mức thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/tháng.
Cần có thêm chính sách hỗ trợ phù hợp
Một hướng phát triển của các QTDND đã được gợi mở khi nhiều lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam trong các cuộc làm việc với các QTDND đã lên tiếng đề nghị các quỹ phối hợp với Liên minh thường xuyên hơn nữa trên tinh thần hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bởi theo nghiên cứu từ Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước đang có một lực lượng đông đảo bao gồm 150 nghìn tổ hợp tác, 23 nghìn HTX và 41 liên hiệp HTX với 13,5 triệu thành viên và 30 triệu người lao động tham gia. Dù quy mô của HTX, tổ hợp tác nhỏ, song việc hệ thống QTDND mở rộng hơn ra mảng thị trường này cũng giúp các Quỹ “năng nhặt, chặt bị”. Quan trọng hơn là duy trì tín dụng vi mô, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, huy động được cả nội lực và ngoại lực phát triển đất nước.
Đại diện lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn hệ thống QTDND dựa vào Liên minh và ngược lại, để cùng đoàn kết, hợp tác và phát triển bền vững. Theo đó, kêu gọi các QTDND tham gia vào chương trình thí điểm xây dựng 300 HTX kiểu mới đã được Chính phủ và các bộ, ngành đồng ý triển khai để phấn đấu một năm tăng thêm khoảng 2.000 HTX và đến năm 2020 tăng thêm 10 nghìn HTX kiểu mới. “Điều này sẽ góp phần thực hiện tiêu chí thứ 13 trong bộ tiêu chí nông thôn mới là mỗi xã có ít nhất một HTX. Đây sẽ là giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, hình thành kinh tế tập thể tạo cơ hội cho người nông dân tham gia vào các chuỗi giá trị” – Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự chia sẻ.
Tuy nhiên, để làm được điều này, các QTDND cũng như đại diện Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ đạo Ngân hàng HTX cùng phối hợp với hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và các tổ hợp tác, tạo hành lang pháp lý cho các QTDND phát triển. Nhìn nhận hiện còn một số Quỹ chưa phát triển, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị NHNN nghiên cứu điều chỉnh Thông tư số 03/2014 quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND và Thông tư số 04/2015 quy định về hoạt động QTDND. Theo đó, với những Quỹ không đạt tiêu chuẩn cần khoanh, giảm bớt địa bàn hoạt động, nhưng với Quỹ đạt tiêu chuẩn, có uy tín thì NHNN cần mở rộng thêm khu vực hoạt động để tạo động lực cho các QTDND phát triển. Cùng với đó, NHNN cần có những hướng dẫn chỉ đạo cho vay các HTX với cơ chế “mềm” hơn. Thí dụ, nghiên cứu bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã cho vay khối nông nghiệp nông thôn nhưng cần gắn với kinh tế tập thể, HTX.
Khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống QTDND, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, việc cơ cấu lại hoạt động của các QTDND nhằm khắc phục những tồn tại bảo đảm hệ thống phát triển ổn định, an toàn bền vững là hết sức cần thiết. Qua các báo cáo thanh tra của NHNN tỉnh trong năm 2015 cho thấy, một số QTDND còn nhiều tồn tại cần giải quyết như nhiều thành viên không đủ điều kiện, góp vốn không đúng, chưa đầy đủ,… Vì vậy trong năm 2016, NHNN sẽ thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đưa các Quỹ thành viên hoạt động đúng pháp luật, chủ động trong kinh doanh. “Các QTDND cần nghiêm túc khắc phục những yếu kém đồng thời chấn chỉnh cơ cấu tổ chức hoạt động, bảo đảm nguyên tắc kinh tế hợp tác, hỗ trợ thành viên trong phạm vi cộng đồng. Với các QTDND có địa bàn hoạt động liên xã, liên phường, cần điều chỉnh hoạt động phù hợp với định hướng chỉ đạo của NHNN và trình độ quản trị điều hành của Quỹ. Các QTDND cũng cần đổi mới căn bản cơ chế góp vốn điều lệ và có chính sách cụ thể đối với các thành viên nhằm tăng cường gắn bó trách nhiệm của thành viên với hoạt động của QTDND” – Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh lưu ý.
QTDND Liên Nghĩa được thành lập năm 1995, hiện đang hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Trước khi Thông tư số 04 của NHNN có hiệu lực, địa bàn hoạt động của Quỹ mở rộng sang cả hai xã lân cận. Nhưng hiện nay, theo quy định của Thông tư, Quỹ phải thu hẹp hai địa bàn với tổng dư nợ khoảng 40 tỷ đồng, trong khi đây là hai địa bàn hoạt động rất tốt từ 20 năm qua, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc cho vay và huy động của quỹ. Việc quy định điều kiện để trở thành thành viên phải có hộ khẩu và thường trú tại địa bàn cũng là một vướng mắc bởi thực tế trên địa bàn xã không phải ai cũng có tiền để gửi trong khi người dân ở các xã khác lại có nhu cầu gửi nhưng không được gửi. Chúng tôi kiến nghị NHNN nên xem xét cho giữ nguyên địa bàn hoạt động đối với các QTDND đang hoạt động bình thường, ổn định và chỉ nên thu hẹp với các Quỹ hoạt động yếu hoặc mới thành lập. La Văn Bảo Chủ tịch HĐQT QTDND Liên Nghĩa (Đức Trọng, Lâm Đồng) |
Ý kiến ()