Cơ cấu lại để thu hút người giỏi cho ngành sư phạm
Chỉ tiêu năm 2017 của khối ngành sư phạm trên cả nước là 56.725, nhưng số thực tuyển của các trường chỉ đạt hơn 80% chỉ tiêu đề ra, tức khoảng gần 44.000 thí sinh. Năm 2018, chỉ tiêu của khối ngành sư phạm là 35.590 sinh viên. Như vậy, chỉ tiêu khối ngành sư phạm năm nay chỉ bằng khoảng 80% số thực tuyển năm ngoái.
Chỉ tiêu này là do Bộ GD&ĐT ấn định mới đây (sau khi các trường đã công bố đề án tuyển sinh năm 2018) và yêu cầu các trường phải thực hiện.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng. |
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trước khi tính toán chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã có khảo sát về nhu cầu tuyển dụng và nhân lực giáo viên trong 5 năm theo cấp học và môn học.
Căn cứ để xác định chỉ tiêu năm 2018 dựa vào tổng nhu cầu của địa phương được tính là tổng số của số sinh viên dự kiến tuyển mới, số sinh viên dự kiến tốt nghiệp và số sinh viên đã tốt nghiệp chưa có việc làm trong những năm qua.
Đồng thời, kết hợp yếu tố vùng miền, việc định hướng dịch chuyển cơ cấu giáo viên mầm non, giáo dục tiểu học ở các trình độ theo dự thảo luật giáo dục.
Theo tính toán thì còn khoảng 40.000 sinh viên sư phạm chưa có việc làm (kể cả năm 2018-2019), trong đó 50% sẵn sàng quay lại sư phạm nếu có cơ hội, tức có khoảng 20.000. Vì vậy, năm 2018 chỉ giao hơn 35.000 chỉ tiêu sư phạm, phù hợp với nhu cầu sử dụng của 63 tỉnh thành và hút số sinh viên sư phạm ra trường sẵn sàng quay lại ngành sư phạm.
Đối với chỉ tiêu của từng trường cụ thể, căn cứ để xác định chỉ tiêu dựa vào các yếu tố: Nhu cầu giáo viên của địa phương, vùng miền; năng lực đào tạo do trường kê khai theo hướng dẫn tại Thông tư 06 ban hành tháng 2 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Một trong những điểm mới về xác định chỉ tiêu tuyển sinh được quy định tại Thông tư 06 là các trường chủ động xác định chỉ tiêu theo năng lực và kê khai trong phần mềm quản lý của Bộ GD&ĐT. Điểm mới này được các trường đồng thuận và đánh giá cao, phù hợp với chủ trương tăng quyền tự chủ của các trường.
Đối với các trường đào tạo đa ngành chỉ tiêu tuyển sinh được các trường xác định theo quy định tại Thông tư không 06, chỉ tiêu sư phạm theo quy định riêng đối với ngành đào tạo giáo viên. Như vậy, tổng chỉ tiêu đào tạo theo năng lực của các trường đa ngành là không giảm.
Một trong những trường mà chỉ tiêu nhóm ngành sư phạm bị giảm mạnh nhất là ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi). Đào tạo hệ ĐH khối ngành sư phạm của trường này chỉ còn 100 chỉ tiêu, CĐ là 491, tổng chỉ tiêu giảm 75% so với chỉ tiêu mà trường công bố. ĐH Quảng Nam giảm 58%, ĐH Cần Thơ giảm 46,3%, ĐH Sài Gòn giảm khoảng 34%.
Những trường có truyền thống đào tạo sư phạm từ lâu trên cả nước cũng nằm trong danh sách bị cắt giảm nhiều chỉ tiêu. ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển 1.415 giảm 21%, ĐH Sư phạm (ĐH Huế) giảm 37,5%, ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) giảm 31,4%, ĐH Thủ đô (Hà Nội) giảm 19,5%. ĐH Sư phạm TPHCM giảm 7,6%…
Các trường CĐ sư phạm cũng bị cắt giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh 2018. Trường CĐ Sư phạm Hà Giang giảm 73%, CĐ Sư phạm Bắc Ninh giảm 66%, CĐ Sư phạm Thái Bình giảm 45%…
Cả nước chỉ có 2 trường: ĐH Sư phạm Hà Nội 2 và ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) không bị cắt giảm chỉ tiêu so với năm trước, giữ nguyên mức tuyển lần lượt là 1.220 và 434 chỉ tiêu.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, đáng mừng là chỉ tiêu dù giảm tới 38% nhưng tổng số nguyện vọng vào sư phạm chỉ giảm 29%. Tính nguyện vọng trên tổng số chỉ tiêu thì số dư còn cao hơn cả năm trước. Như vậy, chỉ tiêu tuyển sư phạm không phải là điều đáng lo lắng. Tổng số nguyện vọng 1 vào sư phạm là 43.069, giảm 27%. “Chúng tôi hy vọng đây sẽ là những em thực sự yêu nghề sư phạm, có học lực khá giỏi, sẽ trở thành đội ngũ giáo viên chất lượng cho tương lai”, bà Phụng nói.
Bộ GD&ĐT đánh giá, tỉ lệ dôi dư của ngành sư phạm vẫn cao, vẫn bảo đảm nguồn tuyển chất lượng cho ngành sư phạm. Tuy nhiên, với việc giảm chỉ tiêu mạnh như vậy thì các trường sư phạm sẽ phải cơ cấu lại, đây là cơ hội bắt buộc để các trường đổi mới và ngay cả khi tăng chất lượng, giảm chỉ tiêu vẫn có nhiều thí sinh yêu thích ngành sư phạm. Đó là một trong những điểm nhấn khả quan qua kỳ đăng ký xét tuyển năm nay.
Ý kiến ()