Cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn diễn biến theo hướng tích cực
Qua rà soát lại từng nhóm hàng, từng mặt hàng xuất khẩu chính, đánh giá thị trường xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2011 của Bộ Công Thương cho thấy cơ cấu hàng xuất khẩu cả nước vẫn trong chiều hướng tích cực.Cụ thể, nhóm hàng nông sản thủy sản được Bộ Công Thương dự báo giá xuất khẩu vẫn giữ ở mức cao nhưng sẽ không cao như 6 tháng đầu năm, trong khi lượng xuất khẩu khó có khả năng tăng. Vì vậy, 6 tháng cuối năm dự kiến xuất khẩu nhóm hàng này đạt khoảng 9,2 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 19 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng khoảng 22,5%.Đối với nhóm nhiên liệu và khoáng sản, dự kiến giá dầu thô xuất khẩu sẽ không tăng cao như những tháng đầu năm, do đó, 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt khoảng 5,3 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm đạt 10,6 tỷ USD, tăng khoảng 8,2% so với năm 2010 và chiếm tỷ trọng 12,5%.Đặc biệt, kim...
Qua rà soát lại từng nhóm hàng, từng mặt hàng xuất khẩu chính, đánh giá thị trường xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2011 của Bộ Công Thương cho thấy cơ cấu hàng xuất khẩu cả nước vẫn trong chiều hướng tích cực.
Cụ thể, nhóm hàng nông sản thủy sản được Bộ Công Thương dự báo giá xuất khẩu vẫn giữ ở mức cao nhưng sẽ không cao như 6 tháng đầu năm, trong khi lượng xuất khẩu khó có khả năng tăng. Vì vậy, 6 tháng cuối năm dự kiến xuất khẩu nhóm hàng này đạt khoảng 9,2 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 19 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng khoảng 22,5%.
Đối với nhóm nhiên liệu và khoáng sản, dự kiến giá dầu thô xuất khẩu sẽ không tăng cao như những tháng đầu năm, do đó, 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt khoảng 5,3 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm đạt 10,6 tỷ USD, tăng khoảng 8,2% so với năm 2010 và chiếm tỷ trọng 12,5%.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có điều kiện tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng các tháng còn lại sẽ cao hơn các tháng đầu năm. Các mặt hàng như dệt may, giầy dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử, máy tính, dây cáp điện, sản phẩm cơ khí… sẽ tăng trưởng do nhu cầu của thị trường. Những tháng cuối năm là những tháng gấp rút để hoàn thành đơn hàng xuất khẩu nên Bộ dự kiến kim ngạch nhóm hàng này đạt khoảng 25 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 45 tỷ USD, tăng 16,3% so với năm 2010 và chiếm tỷ trọng khoảng 53,3%.
Cũng theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng hoá khác cũng đạt khoảng 10 tỷ USD, bằng năm 2010 và chiếm tỷ trọng khoảng 11,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Như vậy, xét về tình hình thực tế là 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đã đạt 42,3 tỷ USD và khả năng xuất khẩu trong những tháng tới thì kim ngạch xuất khẩu cả năm 2011 có thể đạt khoảng 84,5 – 85,5 tỷ USD, tăng 17,0 – 18,4% so với năm 2010, cao hơn mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Quốc hội đề ra cả năm là tăng trên 10% (tức là phải đạt hơn 79,4 tỷ USD).
Trong khi đó, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và các doanh nghiệp trong việc thực hiện các biện pháp hạn chế nhập siêu, những tháng cuối năm là thời gian các chính sách bắt đầu có tác dụng, nên Bộ Công Thương dự báo giá hàng hoá nhập khẩu trong những tháng cuối năm không ở mức cao như 6 tháng đầu năm. Dự kiến nhập khẩu 6 tháng cuối năm khoảng 49,5 – 50,5 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt khoảng 99,0 tỷ USD. Nhập siêu cả năm 2011 như vậy sẽ vào khoảng 14 – 14,5 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu khoảng 16% theo yêu cầu của Chính phủ.
Để đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương đang hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình hành động quốc gia về phát triển sản phẩm xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP; Tổ chức họp liên ngành về xuất nhập khẩu với các Bộ, ngành, Hiệp hội, Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bàn về các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, xây dựng trung tâm theo mô hình tập trung các cơ quan quản lý như Hải quan, kiểm dịch, giám định… và các tổ chức cung ứng dịch vụ xuất nhập khẩu như ngân hàng, bảo hiểm, giao nhận… để tạo thành một trung tâm, một cửa với mục tiêu tạo thuận lợi hóa cho xuất nhập khẩu.
Cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 24/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương về cấp phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng, Bộ triển khai tiếp việc cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép trong nước đã sản xuất được. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát theo hướng tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu; theo dõi việc thực hiện Thông báo số 197/TB-BCT của Bộ Công Thương về việc yêu cầu thủ tục thông quan điện thoại di động, rượu và mỹ phẩm nhập khẩu chỉ được thực hiện tại 3 cảng quốc tế Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh và Thông tư số 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống…
Theo TTXVN
Ý kiến ()