Cổ Bi - cảng thông quan mới của Hà Nội
Ngày 15-5, TP Hà Nội đã khởi công xây dựng Cảng thông quan nội địa Cổ Bi, do Công ty TNHH một thành viên Hanel và Công ty CP Tháp Láng Hạ làm chủ đầu tư. Đây là cảng thông quan nội địa có quy mô lớn nhất Thủ đô, sẽ đáp ứng các nhu cầu thông quan, xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ logistics công nghệ cao của các khách hàng trong và ngoài nước, đón đầu xu hướng sản xuất không cần kho bãi của nền công nghiệp hiện đại trên thế giới ngày nay.
Việc đầu tư và xây dựng Cảng thông quan nội địa Cổ Bi tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội (ICD Cổ Bi) xuất phát từ yêu cầu thực tế để đáp ứng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa ngày càng tăng, nhu cầu dịch vụ vận tải đa phương thức ngày càng phát triển mạnh mẽ trên địa bàn TP Hà Nội và khu vực lân cận. Dự án được thực hiện theo đúng chiến lược, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô Hà Nội do Thành ủy đề ra, trong đó ưu tiên phát triển lĩnh vực dịch vụ logistics công nghệ cao,… Điểm thông quan nội địa TP Hà Nội sẽ được xây dựng hiện đại, đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và môi trường, đáp ứng yêu cầu lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa khu vực, góp phần vào công tác hiện đại hóa hải quan, phát triển kinh tế – xã hội khu vực và thành phố.
Sau khi xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng, ICD Cổ Bi sẽ thay thế Điểm thông quan nội địa Gia Thụy không phù hợp quy hoạch và đã quá tải. Cảng thông quan nội địa TP Hà Nội sẽ cung cấp các dịch vụ kho vận, dịch vụ phụ trợ, dịch vụ logistics, dịch vụ lưu kho (kể cả kho đông lạnh) và phân phối hàng hóa cho các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, công nghiệp phía đông Thủ đô Hà Nội và các tỉnh chung quanh. Việc đầu tư xây dựng ICD Cổ Bi phù hợp xu thế phát triển tất yếu của các vùng kinh tế lớn như Thủ đô, góp phần làm giảm ách tắc cảng biển, tăng khả năng thông quan nhờ các dịch vụ đóng gói, lưu kho bãi, làm thủ tục hải quan,… Về khía cạnh vận tải, ICD Cổ Bi là thành phần không thể thiếu trong chuỗi vận tải đa phương thức của thành phố.
Dự án ICD Cổ Bi có quy mô 47,2 ha; trong đó, giai đoạn một xây dựng trên diện tích 19,2 ha, giai đoạn hai quy mô diện tích 28 ha. Trong tổng số hơn 19 ha ở giai đoạn một, có gần 16 ha xây dựng điểm thông quan nội địa; diện tích đất xây dựng tuyến đường quy hoạch đấu nối khu vực dự án với đường Nguyễn Đức Thuận khoảng 2,69 ha, còn lại 0,55 ha nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ tuyến đường sắt vành đai. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn một (chưa mở rộng) hơn 781,8 tỷ đồng (chưa tính tổng mức đầu tư dự án tuyến đường vào), dự kiến hoàn thành vào quý IV-2017, có khả năng thông quan 380 nghìn TEUs/năm (một TEU tương đương một công-ten-nơ tiêu chuẩn 20 phít). Theo ước tính, khi giai đoạn một hoàn thành, đi vào khai thác, dự án sẽ đạt doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn hai, tổng mức đầu tư (dự kiến) hơn 1.782 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành trong quý IV-2021. Sau khi giai đoạn hai hoàn thành, lượng hàng hóa thông quan có khả năng lớn gấp ba lần giai đoạn một, tương đương 1,14 triệu TEUs/năm.
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Hanel TS Nguyễn Quốc Bình cho biết: Tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu của nước ta đã được Ngân hàng thế giới (WB) dự báo, từ nay đến năm 2020 đạt mức tăng trưởng 12%/năm, kim ngạch xuất, nhập khẩu sẽ đạt 623 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với việc Hiệp định TPP chính thức được ký với nhiều dòng thuế trở về mức 0%, hứa hẹn sự phát triển sôi động của hoạt động xuất, nhập khẩu tại Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Việc xây dựng Cảng thông quan nội địa TP Hà Nội là đón đầu cơ hội lớn này cho sự phát triển đột phá của kinh tế Thủ đô, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn và ổn định cho ngân sách TP Hà Nội.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()