Có bất thường khi lấy điểm trúng tuyển mức tối đa 30 điểm?
Thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Mặc dù việc điểm chuẩn các trường đại học có khả năng tăng cao đã được dự đoán từ trước, nhưng khi các trường công bố điểm, vẫn có một số diễn biến gây bất ngờ cho thí sinh như, trường hợp điểm chuẩn của một ngành học tại Trường đại học Khoa học Xã hội và nhân văn lấy tới mức tối đa 30 điểm. Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, đây không phải là trường hợp bất thường.
Đến thời điểm này, đa số các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm trúng tuyển sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đầu vào ngành Hàn Quốc học cho thí sinh thi tổ hợp C00 được công bố lấy với mức điểm tuyệt đối, là 30 điểm.
Hàn Quốc học là một trong số ba ngành đào tạo mới tại Trường. Năm nay, ngành tuyển sinh 50 chỉ tiêu, tuy nhiên, đã có tới 30 chỉ tiêu tuyển thẳng. Với số chỉ tiêu còn lại, trường đã đẩy mức điểm trúng tuyển đầu vào của ngành cho thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp lên mức tuyệt đối.
Nhận định về trường hợp này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm trúng tuyển vào một ngành có thể cao hoặc rất cao, như ngành Hàn Quốc học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Có một số nguyên nhân đối với các trường hợp này, như chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít hoặc rất ít, trong khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký đông. Trong khi đó, các chỉ tiêu đã dành một phần cho tuyển bằng các phương thức khác không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu là phục vụ công tác xét tốt nghiệp, đồng thời trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019, khiến điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn.
Bà Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết thêm là theo kết quả xét tuyển đợt 1, sơ bộ có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì đã 205 đơn vị (chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh).
Các trường có thể xét tuyển nhiều đợt trong năm. Sau khi kết thúc tuyển sinh đợt 1, các trường căn cứ vào số lượng thí sinh xác nhận nhập học, xem xét các chỉ tiêu tuyển sinh còn lại trong năm 2020 để quyết định có tổ chức xét tuyển bổ sung trong các đợt tiếp theo hay không.
Nếu xét tuyển bổ sung, các trường sẽ công bố các thông tin như: chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ (mức điểm nhận hồ sơ không thấp hơn mức điểm trúng tuyển đợt 1), thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển, và công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thí sinh có thể căn cứ vào các thông tin này để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, thí sinh cũng có thể nộp vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt khác nhau để xét tuyển.
“Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường, đặc biệt là các trường thuộc tốp đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên tuyển bổ sung các đợt sau, tạo điều kiện cho các thí sinh có điểm thi THPT tốt nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1″ – Vụ trưởng Nguyễn Thu Thuỷ nói.
Thời gian tổ chức xét tuyển bổ sung từ 15-10 cho đến hết năm 2020, sau đó, các trường sẽ báo cáo kết quả tuyển sinh về Bộ GD-ĐT trước ngày 28-2.
Ý kiến ()