Có bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp khi cấp huyện, xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Liên quan đến thảo luận dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIII, các đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã.
Về vấn đề này, theo đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho chính quyền cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hồng Thắm lưu ý, việc cần phải xác định rõ cơ quan có thẩm quyền ban hành và hình thức ban hành văn bản là như thế nào? Đồng thời, quy định chặt chẽ về phạm vi, điều kiện, quy trình ban hành nhằm khắc phục hạn chế hiện nay là cấp chính quyền này ban hành nhiều văn bản nhưng nội dung lại sao chép lại văn bản của cấp trên, ít chứa đựng quy định mới.
Theo đại biểu Trần Hồng Thắm, dự thảo cần quy định Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề cấp trên giao và những vấn đề thuộc luật định theo thẩm quyền.
Đồng quan điểm với quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Hồ Thị Thuỷ (Vĩnh Phúc) cho rằng, như thế để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp (tại các Điều 112, 113, 114) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương.
Đại biểu Hồ Thị Thuỷ ý kiến, “việc này phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương của Đảng và Nhà nước ta, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn được phân quyền, phân cấp”.
Hiện tại ở nước ta có trên 7.000 đơn vị cấp huyện và trên 11.000 đơn vị cấp xã, với số lượng lớn như vậy thì càng không nên trao quyền ban hành văn bản cho cấp huyện, cấp xã – dẫn chứng qua số liệu, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) tuyên bố không đồng tình với quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vì nhu cầu ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã không lớn, nếu có thì chủ yếu là sao chép lại văn bản của cấp trên – đại biểu Nguyễn Hữu Đức cho rằng: “Việc này sẽ làm giảm bớt thủ tục hành chính và kiểm soát chặt chẽ tính hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật”.
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ và địa phương ban hành thủ tục hành chính tùy tiện, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Có loại thủ tục hành chính hợp pháp nhưng không hợp lý, còn chưa phù hợp với thực tế kể cả những giấy phép con do các cơ quan quản lý tự quy định. Nhiều thủ tục hành chính được giao cho Chính phủ quy định nhưng các bộ lại “lách” để quy định gây khó khăn cho việc kiểm soát; trong khi đó, Nghị định 63 của Chính phủ chỉ cho phép quy định thủ tục hành chính đến cấp tỉnh.
Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) đề nghị, dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này cần tiếp tục hạn chế chủ thể có quyền đặt ra thủ tục hành chính theo hướng nên quy định cấm ban hành các thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật của cấp bộ trở xuống để bảo đảm tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân và theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013.
Tán thành quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (TP Đà Nẵng) ý kiến, việc ban hành các thủ tục hành chính cần phải xuất phát từ lợi ích của người dân, xây dựng thủ tục hành chính là để người dân thực thi các quyền của mình tốt hơn trong việc được xử lý một cách khách quan, công bằng; chứ không phải thuận lợi hơn cho hoạt động quản lý của cơ quan công quyền, nên cần hạn chế quyền ban hành thủ tục hành chính nhất định.
Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một dự án luật quan trọng, nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhiều đại biểu Quốc hội. Dự án luật này cũng đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám; sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có tổ chức một hội nghi đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến về một số nội dung của dự án luật này.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()