Cơ bản kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
Trong những tháng đầu năm, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, có diễn biến phức tạp. Diện dịch và mức độ dịch đều có chiều hướng tăng mạnh so với sáu tháng đầu năm 2013. Trong đó, số xã có dịch tăng hơn 4,6 lần và số gia cầm buộc phải tiêu hủy tăng 3,4 lần. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát.
Đó là những đánh giá mới nhất của Cục Thú y về tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, trong Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản các tỉnh phía Bắc ngày 6-5.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, các ổ dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 155 xã, phường của 90 xã huyện, thị xã thuộc 33 tỉnh, thành phố. Số gia cầm mắc bệnh là 211.573 con (gà hơn 76 nghìn con, chiếm 36% tổng số mắc bệnh, vịt hơn 135 nghìn con, chiếm 64%); trong đó, số gia cầm chết là hơn 101.900 con. Ngoài ra, một số địa phương xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ ở một vài hộ gia đình nhưng được xử lý kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.
Nhìn chung, các ổ dịch xuất hiện rải rác khắp các tỉnh, thành trên cả nước nhưng có xu hướng tập trung nhiều hơn tại các tỉnh Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, chủ yếu xảy ra trên vịt và gà, một số hộ nuôi chim cút.
Cụ thể, trong ba tháng đầu năm 2014, dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố . Tuy nhiên, dịch có tính chất địa phương, chỉ phát rải rác tại một số hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ và đã được địa phương phát hiện, xử lý kịp thời nên dịch không lây lan rộng.
Những nguyên nhân được xác định gây bùng phát dịch bệnh trong thời gian qua là do thời tiết bất lợi và diễn biến bất thường (băng giá ở các tỉnh phía Bắc, thời tiết lạnh bất thường ở các tỉnh phía Nam) làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm.
Virus cúm H5N1 lưu rộng khắp tại các chợ buôn bán gia cầm sống của nhiều tỉnh, thành phố và lây lan thông qua các hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm; Nhánh 2.3.2.1 C của virus cúm A/H5N1 đã xuất hiện và phát tán rộng trên phạm vi cả nước; các hoạt động vận chuyển giết mổ gia cầm và di chuyển của người dân gia tăng trong dịp Tết, trong hoạt động lễ hội của dân gian dịp đầu năm mới; nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch hoặc được nuôi mới sau dịp Tết nên dễ bị cảm nhiễm virus; việc chăn nuôi thủy cầm khu vực giáp ranh giữa Việt Nam và Campuchia diễn ra phức tạp, tạo thuận lợi cho virus xâm nhập, biến đổi và gây bệnh; hệ thống mạng lưới thú y cơ sở tại một số tỉnh còn nhiều bất cập như: không có thú y cơ sở, hoặc có cán bộ nhưng không có chuyên môn do xã tự tuyển chọn, chế độ thù lao chưa thỏa đáng…
Mặc dù, đến nay các ổ dịch đều cơ bản kiểm soát, tuy nhiên, Thứ trưởng NN&PTNT, Vũ Văn Tám, dự báo trong những tháng cuối năm, dịch bệnh vẫn xảy ra rải rác tại một số địa phương, các ổ dịch còn nguy cơ bùng phát trở lại cao. Do đó, các địa phương cần tập trung chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản bảo đảm chăn nuôi bền vững. Trong đó cần tổ chức thực hiện các biện pháp đồng bộ phòng chông dịch khác như tuân thủ các quy định về con giống; thực hiện tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng gia cầm; khuyến cáo áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực chăn nuôi…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()