Cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn học sinh lớp 1 tập viết |
Nâng cao tỷ lệ huy động học sinh theo độ tuổi
Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2015 huy động trên 99,7% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; trên 99% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 và thu hút trên 80% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) vào cấp trung học phổ thông (THPT).
Việc huy động học sinh cấp học phổ thông đạt tỷ lệ thấp chủ yếu ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Vì vậy, để đạt được mục tiêu, ngành GD&ĐT đã đặc biệt quan tâm đến các vùng này và đề ra các giải pháp phù hợp. Trong 3 năm thực hiện đề án cũng là thời gian toàn ngành đẩy mạnh tiến độ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; chuyển đổi loại hình trường tiểu học và THCS vùng đặc biệt khó khăn sang loại hình phổ thông dân tộc bán trú và mở rộng quy mô cấp THPT. Vì vậy, số trẻ 5 tuổi hoàn thành cấp học mầm non tăng về số lượng, đảm bảo về chất lượng, nhất là khả năng về Tiếng Việt, tạo lực để huy động vào lớp 1 tăng một cách bền vững. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi và thành lập 85 trường phổ thông dân tộc bán trú, thực hiện đầy đủ chế độ của nhà nước đối với đối tượng này đã giúp cho việc huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1, học sinh hoàn thành tiểu học vào lớp 6 tăng, duy trì tốt sĩ số, chống lưu ban, bỏ học; việc mở rộng quy mô ở các trường THPT khu vực đã tạo cơ hội cho học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10. Những giải pháp đó đã có tác động tích cực đến việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu huy động mà đề án đặt ra. Đến cuối năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 270 trường tiểu học với 781 điểm trường; huy động 11.475/11.476 trẻ 6 tuổi ra lớp, đạt tỷ lệ 99,99% (vượt 0,2% so với mục tiêu đề ra cho năm 2015. Huy động 99,55% học sinh hoàn thành tiểu học vào lớp 6 THCS (vượt 0,55% so với chỉ tiêu); thu hút 92,67% học sinh tốt nghiệp THCS và bổ túc THCS vào cấp THPT, trong đó có 82,26% vào học tại các trường THPT (vượt chỉ tiêu 2,26%).
Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông
Mở rộng trường lớp dạy 2 buổi/ngày và trên 5 buổi/tuần, ngành đã thực hiện dạy học tăng thời lượng ở cấp tiểu học và THCS, đặc biệt là các trường khu vực nông thôn, các trường phổ thông dân tộc bán trú, nhân rộng và đưa phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” lên một chất lượng mới. Đẩy mạnh việc áp dụng mô hình trường học mới VNEN, nhân rộng ở các cấp học; áp dụng phương pháp dạy học mới (phương pháp “bàn tay nặn bột”) ở nhiều nhà trường; tiếp tục dạy học TV1-CGD ở 170 trường tiểu học… Bên cạnh đó, phong trào giáo viên giúp đỡ giáo viên, giáo viên giúp đỡ học sinh tiến bộ, đổi mới cách kiểm tra đánh giá… đã khắc phục được tình trạng học sinh học yếu ở từng bộ môn, rèn luyện kém ở từng mặt; đưa chất lượng giáo dục tiểu học cũng như cấp THCS và THPT lên một bước mới. Công tác dạy và học ngoại ngữ được triển khai từ lớp 3 và đã mang lại hiệu quả tích cực. Nếu năm học 2012-2013, ngành triển khai dạy ngoại ngữ tại 207 trường tiểu học, thì đến năm học 2013-2014 đã thực hiện tại 216 trường, nâng số trường tiểu học được học ngoại ngữ lên 87,5%. Năm học 2013-2014, tỷ lệ học sinh giỏi cấp tiểu học đạt 38,5% (vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2015 là 3,5%), cấp THCS đạt 14,6% (vượt chỉ tiêu 4,6%), cấp THPT đạt 7,13% (vượt chỉ tiêu 4,13). Tỷ lệ học sinh cấp THCS xếp loại yếu về học lực là 1,69%, giảm 2,31% so với chỉ tiêu. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi là 15,67%; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đạt 53,64% (vượt chỉ tiêu đề ra 23%); học sinh dự thi và đạt giải học sinh giỏi Quốc gia tăng về số lượng và chất lượng. Nhìn chung, chất lượng học sinh trong 3 năm thực hiện đề án đã tăng đều và đến năm học 2013-2014 đã vượt các chỉ tiêu của đề án đặt ra cho năm 2015. Với đà tăng đó, các chỉ số về chất lượng của giáo dục phổ thông Lạng Sơn đã ngang bằng các tỉnh trong vùng 1 (15 tỉnh phía bắc).
Còn tiếp tục phấn đấu nhiều hơn
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi có nhiều xã vùng cao, biên giới, xã đặc biệt khó khăn, sự phân hóa về trình độ học sinh giữa các vùng miền còn lớn và đang có chiều hướng gia tăng, GDPT của tỉnh vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng vùng khó khăn. Tuy tỷ lệ tốt nghiệp THPT đã ổn định ở mức trên 92% trong các năm vừa qua song tỷ lệ tốt nghiệp loại khá, giỏi còn thấp; chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa cao; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đã đạt trên 50% song điểm trung bình thi còn thấp so với khu vực và toàn quốc. Đặc biệt, sự phân luồng sau THCS diễn ra một cách chậm chạp do tâm lý bằng cấp diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng học sinh đua nhau thi vào các trường đại học, cao đẳng mà bỏ qua các trường trung cấp, trường nghề. Học sinh sau khi đỗ các trường đại học, cao đẳng về địa phương khó tìm việc làm đã ảnh hưởng đến tâm lý xã hội về sự học và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của GDPT.
Ý kiến ()