Cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ lễ
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong bốn ngày nghỉ lễ vừa qua (từ 28-4 đến 1-5), tình hình trật tự ATGT được bảo đảm, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả ba tiêu chí so bốn ngày lễ cùng kỳ năm 2017; không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ tại một số tuyến cửa ngõ, bến xe, nhà ga trong ngày đầu và ngày cuối nghỉ lễ.
Tai nạn giảm sâu ba tiêu chí
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, dịp nghỉ lễ vừa qua, cả nước xảy ra 113 vụ TNGT, làm chết 79 người, bị thương 79 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 112 vụ, làm chết 78 người, bị thương 79 người; đường sắt xảy ra một vụ, làm chết một người. Nguyên nhân TNGT tăng chủ yếu do hành vi lái xe sau khi đã uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm; đối tượng phần lớn là người đi xe mô-tô, xe gắn máy. So với bốn ngày nghỉ lễ năm trước (từ 29-4 đến 2-5-2017), TNGT năm nay giảm 12 vụ (9,6%); giảm 19 người chết (19,4%), giảm 11 người bị thương (12,2%).
Dịp nghỉ lễ, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ các địa phương đã xử lý hơn 25.900 trường hợp vi phạm trật tự ATGT; phạt tiền gần 14 tỷ đồng; tạm giữ hơn 4.500 phương tiện và gần 4.000 giấy tờ các loại; tước 872 giấy phép lái xe. Riêng ngày 1-5, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ xử lý hơn 5.700 trường hợp; phạt tiền hơn 1,4 tỷ đồng; tạm giữ 1.215 phương tiện và 1.289 giấy tờ các loại,…
Trên tuyến đường cao tốc do Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) quản lý, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến tăng cao, xuất hiện ùn tắc cục bộ ở các trạm thu phí. Lực lượng chức năng đã tổ chức phân làn, điều tiết, giúp phương tiện lưu thông bình thường. Trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Giẽ – Ninh Bình, ở nhiều đoạn người đi bộ tràn lên đường cao tốc để bắt xe, dẫn đến tình trạng xe khách, xe ta-xi dừng đỗ, đón trả khách trái quy định. Các đơn vị chức năng đã kiên quyết xử lý, trật tự giao thông trở lại bình thường.
Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết, từ chiều 27 và sáng 28-4, nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu về quê hoặc đi du lịch, khiến lưu lượng giao thông tăng cao, gây ùn tắc nghiêm trọng tại một số đầu mối giao thông như nhà ga, bến xe, sân bay, tuyến cửa ngõ các thành phố lớn,… Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 27-4, trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, tại Km 186, xảy ra TNGT liên hoàn giữa năm xe ô-tô khiến tuyến đường ùn tắc kéo dài 5 km; hơn 20 giờ cùng ngày, xảy ra tai nạn liên hoàn giữa bốn xe ô-tô khiến tuyến đường vành đai 3 trên cao ùn tắc kéo dài.
Tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm (Hà Nội), từ chiều 27-4, lượng hành khách dồn về rất đông, xếp hàng dài mua vé, một số tuyến có lượng người đi quá lớn, phải chờ đợi nhiều giờ mới lên được xe về quê. Đến trưa 28-4, các bến xe tại Hà Nội vẫn đông nghịt, hành khách ngồi la liệt dưới nền đất chờ xe. Nhiều hành khách dù đã xếp hàng mua vé từ sớm nhưng chậm chân, các xe đều kín chỗ. Tại các bến xe Miền Đông và Miền Tây (TP Hồ Chí Minh), lượng hành khách về quê cũng rất đông, khu vực bán vé luôn kẹt cứng người xếp hàng.
Ùn tắc cục bộ tại các tuyến cửa ngõ, khu du lịch
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, dịp nghỉ lễ này, nhu cầu vận tải và mật độ phương tiện tăng rất cao, tăng nguy cơ ùn tắc giao thông. Đặc biệt, trong ngày đầu đợt nghỉ lễ tại một số tuyến quốc lộ, tuyến đường vành đai, cửa ngõ thành phố lớn và một số điểm du lịch đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Tại một số tuyến cửa ngõ Thủ đô như đường Trường Chinh hướng Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng; đường Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, đường vành đai 3 đoạn từ Đại lộ Thăng Long về Linh Đàm đã bị ùn tắc nghiêm trọng. Tại một số địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa,… do người dân đổ về các điểm du lịch để nghỉ lễ, dẫn tới mật độ giao thông tăng cao đột biến và ùn tắc tại các nút giao thông cửa ngõ.
Từ sáng sớm 28-4, hàng nghìn ô-tô, xe máy đi du lịch ở đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) đã bị kẹt cứng ở cuối tuyến đường ô-tô Tân Vũ – Lạch Huyện kéo dài đến tận bến phà Gót. Hàng nghìn phương tiện xếp hàng kéo dài gần 3 km khiến bến phà Gót “vỡ trận”. Lãnh đạo bến phà Gót cho biết, từ 4 giờ sáng, đơn vị đã huy động toàn bộ chín phà cùng tất cả 130 cán bộ, nhân viên túc trực, hoạt động hết công suất, nhưng do lượng khách quá đông cho nên xảy ra hiện tượng ùn ứ kéo dài. Đến đầu giờ chiều, các phương tiện vẫn tiếp tục dồn về, gây kẹt cứng ở khu vực trước bến, nhiều du khách phải xuống xe đi bộ hàng ki-lô-mét để vào bến phà. Nhiều ô-tô cá nhân khi đi tới đường Tân Vũ – Lạch Huyện, phát hiện tình trạng ùn tắc đã nhanh chóng quay đầu chạy ngược trở về nội thành Hải Phòng.
Chiều 1-5, ngày nghỉ lễ cuối cùng, lượng phương tiện đổ về các bến xe và tuyến đường cửa ngõ Hà Nội tăng đột biến. Mới hơn 15 giờ, tại bến xe Mỹ Đình, lượng người quá lớn cùng hàng hóa lỉnh kỉnh đổ dồn về bến cộng với thời tiết nắng nóng đầu hè khiến mọi người di chuyển khá khó khăn, nặng nhọc và mệt mỏi. Hàng trăm ta-xi, xe ôm cũng tập trung trước cổng các bến xe chờ “vợt” khách, khiến bến xe trở nên “ngộp thở”. Lượng khách đổ về bến xe Giáp Bát cũng tăng chóng mặt ngay từ đầu giờ chiều. Do lượng phương tiện từ các tỉnh phía nam đổ về hướng nội thành quá lớn, đoạn ngã tư Pháp Vân – quốc lộ 1 đến gần cầu Văn Điển ùn tắc từ lúc 14 giờ 45 phút. Đội Cảnh sát giao thông số 14 đã huy động hàng chục chiến sĩ ra phân luồng, điều tiết giao thông giữa các hướng để tránh xung đột giữa các dòng phương tiện. Sau kỳ nghỉ lễ, người dân TP Hồ Chí Minh đã quay lại thành phố vào chiều 1-5.
Đến chiều tối cùng ngày, một số nút giao thông trên quốc lộ 1, đoạn qua vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh),… bị ùn tắc cục bộ. Nhiều người chạy xe máy bồng bế con nhỏ, xách nhiều đồ đạc mệt mỏi nhích từng chút một trong tiết trời oi bức. Khu vực phà Cát Lái (quận 2), khoảng 16 giờ, nhiều người từ hướng Đồng Nai qua phà ngày một đông. Theo thống kê sơ bộ, lượng khách qua phà vượt mốc 92 nghìn người, gấp hơn hai lần so ngày thường. Lãnh đạo bến phà Cát Lái đã huy động bảy phà loại lớn, tăng thêm 50% nhân sự thay đổi ca liên tục để điều tiết lưu lượng phương tiện.
Sáng 2-5, ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, nhiều tuyến đường cửa ngõ, đường vào trung tâm thành phố Hà Nội ùn tắc nghiêm trọng. Tại các tuyến phố Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Giải Phóng, Trường Chinh, Tây Sơn, đường Láng, Trần Duy Hưng,… tắc nghẽn kéo dài hàng ki-lô-mét, nhiều phương tiện đứng chôn chân cả tiếng đồng hồ.
Tại phố Chùa Bộc, các phương tiện lưu thông với mật độ cao, gặp nhiều khó khăn khi quay đầu hay sang đường trước Học viện Ngân hàng. Khu vực gần cầu vượt Ngã Tư Sở, nhiều phương tiện rẽ trái để lên cầu, chèn đường của các phương tiện đi thẳng, tạo nên xung đột giao thông, khiến cho cảnh ùn tắc càng thêm nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vận tải huy động quân số để ứng trực, điều hành giao thông, nhưng phải đến khoảng 9 giờ sáng, tình hình mới được cải thiện.
Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, các bộ, ngành và địa phương liên quan đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự ATGT dịp nghỉ lễ, vì vậy mặc dù mật độ phương tiện tăng cao nhưng hoạt động vận tải và bảo đảm trật tự ATGT trên cả nước được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Vận tải hành khách được tăng cường trên cả ba lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không, việc cải tiến phương thức bán vé tàu hỏa, ô-tô, máy bay đã tạo thuận lợi, giảm áp lực cho hành khách mua vé.
Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, sân bay và trên các phương tiện vận tải được duy trì ổn định, thông suốt. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ còn diễn biến phức tạp, tình trạng xe khách chở quá số người quy định diễn ra nhiều trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ. Tại các tuyến trọng điểm, còn xảy ra hiện tượng xe ô-tô đón trả khách trái quy định trên đường cao tốc, các lực lượng chức năng chưa kiểm tra, xử lý triệt để; ùn tắc vẫn xảy ra cục bộ tại các cửa ngõ và trung tâm du lịch lớn. Nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người điều khiển phương tiện còn hạn chế, nhất là hành vi lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy; đi sai phần đường, làn đường; chuyển hướng không chú ý quan sát; đối tượng liên quan TNGT phần lớn là người đi xe mô-tô, xe gắn máy.
Để bảo đảm trật tự ATGT phục vụ kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018 và du lịch hè, mùa mưa lũ sắp tới, Ủy ban ATGT quốc gia kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn; yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong hệ thống chính trị nêu gương thực hiện quy định đã uống rượu, bia không lái xe và đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT phục vụ kỳ thi; bảo đảm trật tự ATGT, giảm tai nạn đuối nước, TNGT và ùn tắc tại các điểm du lịch; khắc phục kịp thời các sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, cứu hộ, cứu nạn kịp thời trong mùa mưa lũ.
Trong dịp nghỉ lễ, Ủy ban ATGT quốc gia tiếp nhận hơn 140 cuộc gọi, tin nhắn phản ánh từ người dân qua đường dây nóng, giảm so với kỳ nghỉ lễ năm 2017; chủ yếu phản ánh tình trạng chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định, một số vụ va chạm, TNGT, ùn tắc tại một số tuyến đường và các khu du lịch. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Ủy ban đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý ngay. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()