Chuyện về những vali rau tiếp viện cho chiến trường Campuchia
Những đại lộ hun hút, những căn nhà hoang lạnh, những đền đài, thành quách cổ kính đồng hiện cùng những nhà tù ngổn ngang dụng cụ tra tấn như thời trung cổ…
Ký ức về Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) những ngày mới giải phóng (đầu năm 1979) vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nhà báo Đỗ Phượng – nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.
“Hai chiếc vali VIP”
Ngày 7/1/1979, Phnom Penh hoàn toàn giải phóng. “Ngay tối hôm ấy, theo sự phân công của cấp trên, tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh để ngày hôm sau sang Phnom Penh nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam giúp Campuchia xây dựng hãng thông tấn Saporamean Kampuchea (SPK),” nhà báo Đỗ Phượng kể.
Ký ức hiện về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt nhà báo lão thành. Ông bảo: “Đó là những tháng ngày gian khó trên đất bạn. Bên cạnh việc đào tạo, hỗ trợ về chuyên môn, có những khoảng thời gian, đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam phải lo đến cả cái ăn, cái mặc cho cả ta và bạn.”
Rời Thành phố Hồ Chí Minh với vài bộ đồ dã chiến còn lại từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhà báo Đỗ Phượng sang Phnom Penh bằng máy bay trực thăng quân sự. “Đặt chân xuống phi trường, tôi không thể tin vào những gì đang diễn ra trước mắt mình. Một thành phố ‘chết’ đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Một Thủ đô không có bóng người, sự hoang lạnh đến bàng hoàng tâm can,” ông Đỗ Phượng hồi tưởng.
Những bức hình tù nhân còn được lưu giữ trong bảo tàng Toul Sleng. (Ảnh: corneliucazacu.com)
Dọc hai bên đường, cỏ dại mọc um tùm, những ngôi nhà tan hoang, đồ đạc ngổn ngang, vỡ nát. Nhiều cuốn lịch bị cháy xém ở góc hoặc thủng lỗ chỗ trên mặt giấy, nằm nghiêng ngả trên những bức tường hoen ố màu thời gian. Dẫu vậy, người ta vẫn nhận rõ những con chữ, số trên đó, những tờ lịch dừng lại ở ngày 17/4/1975 – ngày chế độ diệt chủng Khmer Đỏ buộc người dân phải rời khỏi thành phố.
“Hình ảnh ấy còn ám ảnh tôi nhiều năm sau này. Khi tận mắt chứng kiến khung cảnh ấy, cảm giác nặng nề xen chút ngao ngán bao trùm tâm trí tôi. Tất cả sẽ phải bắt đầu lại từ một đống tro tàn, đổ nát và những mất mát, tang thương,” nhà báo Đỗ Phượng kể, giọng ông trùng xuống, đầy ưu tư.
Khoảng 100 cán bộ, phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam được cử sang giúp Campuchia xây dựng hãng thông tấn SPK. Nhớ lại thời kỳ gian khó này, nhà báo Đỗ Phượng kể, suốt nhiều tháng kể từ tháng 1/1979, bữa ăn của đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam và những người bạn SPK chỉ có cơm và cá khô.Thậm chí, gạo và những nhu yếu phẩm cần thiết đều phải chuyển từ Việt Nam sang. Giờ đây, giữa thành phố từng có những nhà tù được coi là địa ngục trần gian, những hố chôn tập thể ấy, rau xanh trở thành một thứ… xa xỉ!
“Tôi còn nhớ, có lần, với ý định ‘tẩm bổ,’ bồi dưỡng cho anh em, bác cấp dưỡng đã mải miết đi bộ khắp những khu đất xung quanh nơi đặt cơ sở của đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam từ sáng sớm, lượm lặt tất cả những cành rau dại trên đường. Kết quả, đến cuối ngày, bác cũng có được một đĩa rau luộc ‘thịnh soạn’ cho chúng tôi. Khi đặt đĩa rau lên bàn, bác không giấu được niềm vui, ánh mắt rạng rỡ, bàn tay liên tục quệt ngang những giọt mồ hôi lăn dài trên má,” nhà báo Đỗ Phượng kể, đôi bàn tay ông run run.
Từ tháng 1/1979-6/1981, nhà báo Đỗ Phượng là Trưởng đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia. “Trong khoảng thời gian đó, do yêu cầu công việc, tôi thường phải đi lại giữa Việt Nam-Campuchia. Mỗi khi trở lại Phnom Penh, trong hai chiếc ‘vali VIP’ của tôi lại chứa đầy các loại rau, cà muối và đồ khô (cá khô, mắm khô)… mang sang cho anh em,” ông Đỗ Phượng vui vẻ kể.
Hồi sinh từ khổ đau
Mạch truyện nối dài, nhà báo Đỗ Phượng cho hay, tuy khó khăn chồng chất nhưng cán bộ Thông tấn xã Việt Nam rất tích cực, nhiệt tình giúp đỡ các đồng nghiệp Campuchia và những người bạn Campuchia cũng rất chủ động học tập, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm trong quá trìnhxây dựng hãng thông tấn SPK.
Nguyên Trưởng đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia cho biết, trong thời kỳ đầu, khó khăn lớn nhất là sự khác biệt ngôn ngữ. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam đã quyết định mở hai lớp học tại Thành phố Hồ Chí Minh: một lớp dành cho 30 cán bộ SPK học tiếng Việt và một lớp dành cho 30 cán bộ Thông tấn xã Việt Nam học tiếng Khmer.
Sau khóa học ấy, việc trao đổi thông tin giữa cán bộ Thông tấn xã Việt Nam và cán bộ SPK đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Những cán bộ SPK, đặc biệt là những cán bộ nữ đã nhanh chóng tiếp thu kiến thức, từng bước làm chủ được các trang thiết bị và quy trình tác nghiệp.
“Không chỉ giúp đỡ nhau trong công việc, chúng tôi còn chia sẻ với nhau những câu chuyện đời sống. Nhờ đó, nỗi nhớ quê nhà cũng vơi đi và chúng tôi thấy lòng ấm áp khi biết rằng, mình đang góp phần làm hồi sinh cuộc sống ở nơi này. Hai vali rau, cà… của tôi không thể đủ cung cấp cho cả trăm người. Vậy là, chúng tôi quyết định cùng trồng rau xanh, nuôi lợn… để cải thiện đời sống,” nhà báo Đỗ Phượng nhớ lại.
Trong thời gian từ năm 1979-1988, đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam không chỉ giúp đỡ SPK về những kỹ năng nghiệp vụ cụ thể mà còn giúp SPK về kế hoạch, phương hướng xây dựng một hãng thông tấn quốc gia. “Tuy vậy, Thông tấn xã Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết của SPK, không can thiệp sâu vào công việc nội bộ của SPK,” nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đỗ Phượng nhấn mạnh.
Ông Trương Việt Cường (trái) – thành viên đoàn chuyên gia TTXVN sang giúp đỡ Campuchia xây dựng hãng thông tấn SPK. (Ảnh tư liệu: Cựu kỹ thuật viên Đỗ Sỹ Mến cung cấp)
“Có thể nói một cách khách quan rằng, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Campuchia, Thông tấn xã Việt Nam đã giúp SPK toàn bộ, toàn diện, ngay từ đầu; đồng thời, các cán bộ của SPK cũng nhanh chóng, chủ động tiếp nhận toàn diện và vững chắc để có thể tự mình xây dựng một hãng thông tấn xứng tầm. Từ con số không, SPK đã trở thành một hãng thông tấn hoàn chỉnh với đầy đủ các đơn vị chức năng, nghiệp vụ cần thiết,” nhà báo Đỗ Phượng khẳng định./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()