Chuyện về những nông dân làm giàu ở Hòa Bình
Ông Hoàng Văn Chiến chăm sóc rừng keo của gia đình. Mỗi người một tính cách, khuôn mặt, cách làm nhưng họ lại có điểm chung đó là ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất nơi họ sinh ra và lớn lên. Với nghị lực của bản thân, cùng những hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, giờ đây cuộc sống của gia đình họ đã thật sự "đổi đời". Và họ cũng chính là những tấm gương để nhân rộng mô hình sản xuất trên mảnh đất vùng núi Hòa Bình còn không ít khó khăn.Trưởng bản giàu nhất bảnĐó là lời ngợi khen của đồng bào Mường bản Tháu, xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy dành cho ông Bùi Văn Tường, người trưởng bản luôn được bà con nơi đây quý trọng và tín nhiệm. Có lẽ tình yêu quê hương đất Mường đã níu chân ông từ thuở ấu thơ cho đến nay tóc đã pha sương, điểm bạc. Tận bây giờ, ông vẫn chưa quên những ngày đói nghèo của 20 năm trước. Cả bản mấy chục nóc nhà đều lả đi vì đói. Củ vớn chát là vậy mà các hộ...
Ông Hoàng Văn Chiến chăm sóc rừng keo của gia đình. |
Trưởng bản giàu nhất bản
Đó là lời ngợi khen của đồng bào Mường bản Tháu, xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy dành cho ông Bùi Văn Tường, người trưởng bản luôn được bà con nơi đây quý trọng và tín nhiệm. Có lẽ tình yêu quê hương đất Mường đã níu chân ông từ thuở ấu thơ cho đến nay tóc đã pha sương, điểm bạc. Tận bây giờ, ông vẫn chưa quên những ngày đói nghèo của 20 năm trước. Cả bản mấy chục nóc nhà đều lả đi vì đói. Củ vớn chát là vậy mà các hộ vẫn phải dùng làm nguồn lương thực chính. Nước luộc vớn đổ ra đen cả dòng suối Cua, đến lũ trâu cũng ngại ra suối uống nước. Thế mà, chỉ sau đó ít năm, cuộc sống của bà con trong bản đã đổi thay đáng kể. Ông Tường tâm sự, bản Tháu có nguồn tài nguyên thiên nhiên là rừng, ở đây đâu đâu cũng thấy mầu xanh của rừng. Để khai thác nguồn tài nguyên quý giá này, ông mạnh dạn phát triển nghề nuôi ong lấy mật và trở thành hộ đầu tiên trong bản làm nghề này. Cách nuôi ong của ông vẫn theo cách dân gian phổ biến, không tốn nhiều công sức mà đổi lại, mật ong làm ra là thứ mật ong rừng chất lượng cao. Thời gian đầu ông đã để sẵn 11 tổ ong quanh nhà chờ hàng trăm đàn ong lớn, bé mang hương hoa, mật ngọt từ rừng trở về. Chẳng bao lâu, mật ong của gia đình ông được nhiều khách gần xa tìm đến mua.
Ông cho biết: Bình quân mỗi năm, ông thu được gần 200 lít mật. Với giá bán trên thị trường hiện nay, ông có được hơn 20 triệu đồng/năm. Thấy ông nuôi ong mật hiệu quả, các hộ dân trong bản nô nức làm theo và đều được ông tận tình hướng dẫn, chỉ cho một số kinh nghiệm, cách thức nuôi ong. Đến nay, 80% số hộ trong bản đã phát triển nghề này và thu được những thành quả mong muốn. Bản Tháu ít ruộng, ông còn vận động bà con phát triển chăn nuôi, nghề rừng, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên cho bản thêm giàu, thêm đẹp. Riêng gia đình ông hiện có 15 con trâu, bò, khoanh nuôi và trồng rừng với diện tích hai héc-ta. Từ các nguồn thu, cuộc sống của gia đình ông ngày càng được cải thiện. Nhà sàn của gia đình ông là ngôi nhà sàn mới, to, rộng và đẹp nhất bản. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, trưởng bản Tường còn hết lòng trong mọi công việc của bản. Bản Tháu có 45 hộ gia đình thì 100% số hộ đều sinh hoạt trong nếp nhà sàn truyền thống. Mấy năm trước, có một vài hộ gia đình kinh tế khá giả muốn bỏ nhà sàn, làm nhà xây. Với cách vận động, thuyết phục tích cực, thỏa đáng của ông, các hộ này đã vui vẻ giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống.
Đổi đời nhờ cây mía
Con đường bê-tông rộng rãi dẫn vào nhà ông Bùi Văn Kinh, người được mệnh danh là “vua mía” ở xóm Đồng Mới, xã Dũng Phong, huyện Cao Phong. Ngồi nghe ông trò chuyện với thương lái trong căn nhà khang trang, chúng tôi thấy phấn khởi bởi người nông dân này không chỉ biết cách làm kinh tế mà còn am hiểu thị trường. Khuôn mặt rắn rỏi của ông ánh lên niềm vui khi nói về thành quả lao động: “Gia đình mới chỉ bán mía dưới ruộng đã được gần 30 triệu đồng. Thời tiết ấm lên, nhu cầu mía tăng, bán được giá, ngày nào cũng có khách đến hỏi mua. Tất cả mọi thứ từ viên gạch, viên ngói đến nhà xây, máy thu hình, xe máy của gia đình đều từ cây mía mà có đấy. Chẳng bù cho 20 năm trước, cả nhà chăm chỉ xuống ruộng, lên nương mà bát cơm vẫn phần nhiều là sắn. Cái đói, cái nghèo như ngọn dốc Khụ Miếu vời vợi chưa có cách vượt qua”.
Năm 1989, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra mạnh mẽ. Ông và một số hộ trong xóm đã tiên phong đưa cây mía từ trong vườn xuống ruộng. Ban đầu nhiều người hoài nghi về kết quả, các cụ cao tuổi còn phản đối vì đưa mía xuống ruộng không còn đất cấy lúa thì sẽ không có cái ăn. Nhưng nhìn những ruộng lúa khô hạn vì thiếu nước, khi thu hoạch thì lá nhiều hơn bông, thậm chí có vụ còn bỏ hoang, ông đã quyết tâm thay đổi cách làm. Để có vốn ban đầu, ông bán ba con trâu để mua giống, phân bón. Tận dụng phân chuồng sẵn có, vụ đầu gia đình ông trồng hơn 1.000 m2 mía trên ruộng một vụ. Hợp đất, khí hậu cùng với công đầu tư chăm sóc, cây mía đã đem lại hiệu quả bất ngờ. Những hàng mía xanh tươi, dóng mập, tím thẫm, ngọt mát đã xóa bỏ mọi hoài nghi, bước đầu đem bán tại các chợ.
Nhận thấy, với số lượng mía ít, không đủ chuyến xe cho tư thương nơi khác đến mua, ông đã vận động các hộ trong xóm, xã cùng trồng. Gia đình ông cũng mở rộng diện tích lên 2.000 m2 mía dưới ruộng, phá đồi hoang, tận dụng diện tích vườn và đấu thầu thêm đất để trồng mía. Đến nay, cây mía đã vươn xanh, bén rễ trên gần ba héc-ta, đem lại cuộc sống sung túc cho gia đình. Tuy nhiên, cái khó của người trồng mía là một năm mới được thu một lần nên khi mía còn nhỏ ông tận dụng trồng xen lạc, đậu, rau phục vụ chăn nuôi. Khu đồi Hang Bơ trước lau lách phủ kín nay đã xanh mầu mía, gia đình ông cũng xây dựng trang trại trên đó, kết hợp chăn nuôi trâu, bò, gà. Với bốn lao động chính, năm ít ông cũng thu 80 đến 85 triệu đồng, năm nhiều thì 100 triệu đồng. Nhờ cây mía, ông đã xây được ngôi nhà khang trang, mua sắm được máy thu hình, xe máy, bây giờ đã có của ăn, của để.
Người thương binh làm giàu
Trong cái nắng chang chang của mùa hè, chúng tôi về thăm gia đình bác Hoàng Văn Chiến ở xóm Rụt, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn đã được xây dựng cách đây vài chục năm, nhưng đó lại là kỷ niệm thời gian khó của gia đình bác. Sau ấm trà mời khách, bác Chiến bắt đầu hồi tưởng cái thời còn là chàng thanh niên mười chín, đôi mươi tình nguyện tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam Bộ. Bác tâm sự: “Mặc dù là con một trong gia đình, nhưng năm 1977 tôi xin tình nguyện tham gia Quân đội. Sau một thời gian huấn luyện tôi được chọn vào Tiểu đoàn trinh sát thuộc Sư đoàn 4 tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam. Đến cuối năm 1978 trong một lần đi trinh sát tôi đã bị thương và xuất ngũ về quê”.
Hiện nay, ngoài công việc đoàn thể, bác còn cùng vợ con mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Do vậy, cuộc sống của gia đình bác đã được cải thiện, có của ăn, của để. Hiện gia đình bác đang nhận 16 héc-ta đất rừng hoang hóa để cải tạo trồng rừng sản xuất và chăn nuôi gia súc. Đến thăm trang trại của gia đình bác trên đỉnh một quả đồi chỉ thấy ngút ngàn những hàng keo xanh. Bác cho biết, 16 héc-ta đất này trước đây còn hoang hóa nhưng khi được nhận giao, tôi và gia đình đã trồng được 10 héc-ta keo, diện tích còn lại trồng luồng và các cây tạp khác. Đất dưới tán rừng thì dành để chăn nuôi gia súc, gia cầm để có thêm thu nhập. Hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình bác thu về khoảng 60 đến 70 triệu đồng từ tiền bán măng, cá, bò, trâu. Còn 10 héc-ta keo chỉ sau bốn năm nữa sẽ cho thu hoạch, mỗi héc-ta gia đình tôi cũng thu về khoảng 80 triệu đồng. Với những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nhiều năm, bác Chiến không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế gia đình mà còn luôn tận tình chia sẻ, hướng dẫn cho những người dân địa phương cách sản xuất sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao ở mảnh đất vùng cao này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()