Chuyện về những người “lái đò” thầm lặng
– Là một tỉnh miền núi, biên giới, đa phần giáo viên đều công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc dạy và học ở nhiều nơi còn rất khó khăn, song bằng sự nỗ lực và tình yêu nghề, các thầy, cô giáo đang công tác trên mảnh đất biên viễn Xứ Lạng vẫn miệt mài gieo chữ, bồi đắp tương lai cho các thế hệ học trò nơi đây.
Giáo viên Trường THPT Bắc Sơn tận tình hướng dẫn học sinh ngoài giờ lên lớp
Dạy học là một nghề vinh quang, nhưng để gắn bó với nghề, các thầy cô đã phải lao động hết mình, nghiêm túc, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là với những thầy, cô công tác, giảng dạy nơi vùng đất biên cương thì sự nỗ lực phải nhân lên gấp nhiều lần. Bởi, là một tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt, Lạng Sơn có 5 huyện biên giới, 88 xã ở khu vực đặc biệt khó khăn, gần 80% dân số sống ở khu vực nông thôn và trên 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Ở đây, để được đứng trên bục giảng truyền lại kiến thức cho học trò, các thầy, cô phải cố gắng và vượt qua rất nhiều khó khăn. Song bằng sự tâm huyết, mong muốn đem tri thức và những bài học quý giá cho học trò của mình, các thầy, cô vẫn không ngừng cống hiến vì sự nghiệp trồng người.
Có thể kể đến đó là cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi Lăng, cô không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, được đồng nghiệp quý mến mà cô còn luôn hết lòng giúp đỡ, hỗ trợ học trò, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời, cô Hiền cho biết: Trong quá trình dạy học, bên cạnh công tác chuyên môn, tôi cũng thường xuyên tìm hiểu, quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các em vươn lên trong học tập. Trường hợp em Lưu Thị Thảo Nguyên, học sinh lớp 11A10, do tôi chủ nhiệm, nhận thấy cô học trò luôn tự ti, sống khép mình, ít hòa nhập với bạn bè, sức học yếu, để hiểu và giúp đỡ em, tôi đã đến nhà tìm hiểu, qua đó được biết em mắc chứng tự kỷ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, học xa nhà… Từ đó tôi đã tìm cách giúp đỡ, gần gũi chia sẻ, dìu dắt em trong học tập, sau 2 năm, sức học của em đã dần khá lên.
Cùng đó, bằng sự quan tâm, thấu hiểu của cô Hiền, nhiều học sinh đã được tiếp sức, tích cực vượt khó vươn lên trong học tập. Năm học 2021 – 2022 vừa qua, tỉ lệ học sinh các lớp cô phụ trách đạt học lực khá, giỏi môn Ngữ văn chiếm 91,42%.
Còn với câu chuyện của thầy giáo Đỗ Thế Tùng, giáo viên môn Toán – Lý, hiện đang công tác, giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, lại là một trường hợp đặc biệt. Theo lời kể, thầy Tùng sinh năm 1986 trong một gia đình làm nông ở xã Lâm Ca, từ nhỏ đã mất đi cánh tay phải do tai nạn, song bằng ý chí, nghị lực, thầy đã vượt qua nghịch cảnh, phấn đấu học tập và trở thành một người thầy giáo, tiếp tục truyền lửa, ý chí học tập cho thế hệ trẻ ở quê hương. Thầy Tùng cho biết: Chính trong hoàn cảnh gian khó đã thôi thúc tôi phải cố gắng, nỗ lực hơn trong cuộc sống, nhất là đối với công việc, nghề nhà giáo. Mỗi ngày lên lớp giảng bài tôi luôn cố gắng khơi gợi sự sáng tạo, khám phá trong mỗi học sinh. Bên cạnh đó, thường xuyên trao đổi, chia sẻ, trò chuyện để khích lệ tinh thần học tập của các em, giúp các em yêu trường, lớp và hăng hái học tập.
Đặc biệt, trong 2 năm học vừa qua, khi dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh, thì phẩm chất tốt đẹp của người thầy lại càng tỏa sáng. Nhiều thầy, cô giáo đã xung phong tham gia, thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch; phát huy tối đa năng lực chuyên môn, tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trong điều kiện phải cách ly, để sau khi hết dịch các em vẫn đủ hành trang kiến thức trở lại trường học tập bình thường. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong nghề dạy học mà giáo viên phải giảng bài trực tuyến nhiều tháng trời. Các thầy, cô đã hết mình để học sinh của họ “dừng đến trường nhưng không dừng học”.
Thầy Nguyễn Minh Tú, giáo viên môn Vật lý, Trường THPT chuyên Chu Văn An, là một tấm gương tiêu biểu, trong thời gian cách ly thầy đã chủ động dạy học trực tuyến cho học sinh, giúp các em nắm vững kiến thức. Thầy Tú cho biết: Việc dạy học qua mạng internet bắt buộc giáo viên phải có kịch bản nhiều gấp đôi, gấp ba so với dạy trực tiếp trên lớp, giáo viên phải chuẩn bị tài liệu trình chiếu, rồi tài liệu văn bản cho học sinh quan sát. Nhiều bài giảng phải sử dụng đồ họa, hình ảnh minh họa để tăng sự hấp dẫn. Ngoài ra, giáo viên phải thông thạo các công cụ như chụp ảnh màn hình, rồi tiếp nhận phản hồi của học sinh, xử lý phản hồi của từng em…
Khó khăn là vậy, song bằng tình yêu nghề, thầy Tú vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không chỉ vậy, trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, thầy vẫn hướng dẫn học sinh hoàn thành các đề tài, dự án tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp và đạt giải cao.
Đó chỉ là 3 trong số hơn 14.000 nhà giáo đang công tác trên địa bàn tỉnh, những người “lái đò” thầm lặng, đang ngày đêm “chở” tri thức, dù ở cương vị nào, hoàn cảnh ra sao, các thầy, cô giáo vẫn hết lòng, hết sức cống hiến, “gieo” tương lai cho các thế hệ học trò nơi biên cương Xứ Lạng. Thời gian dần trôi, bao nhiêu thế hệ học trò đi qua, mái tóc thầy, cô càng trở nên bạc trắng theo năm tháng, nhưng còn gì vui hơn đối với những người thầy khi học trò của mình lần lượt trưởng thành, trở thành những người công dân tốt, đóng góp sức mình cho sự phát triển kinh tế, xã hội của quê hương.
Ý kiến ()