Chuyện về người liên lạc năm xưa
(LSO) – Năm 1945, khi mới 14 tuổi, bà Khôi đã được tin tưởng giao đảm nhận công tác liên lạc cho cán bộ, đảng viên. Làm nhiệm vụ này, dù phải đối diện với nhiều gian khổ, hiểm nguy nhưng bà không hề nao núng và luôn hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao.
Đó là câu chuyện về bà Bạch Thị Khôi, cán bộ tiền khởi nghĩa, trú tại số nhà 60, đường Lê Đại Hành, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Bà Khôi sinh năm 1931, tại thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Lớn lên, chứng kiến cảnh đàn áp, kìm kẹp hà khắc của chế độ thực dân phong kiến, bà sớm giác ngộ và đi theo cách mạng. Nhờ sự gan dạ, thông minh, nhanh nhẹn, tháng 3/1945, khi mới 14 tuổi, bà được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho đồng chí Bí thư Chi bộ huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Nhớ về quãng thời gian thanh xuân của mình, bà Khôi kể: Bấy giờ, chi bộ có 5 đảng viên, hoạt động ở nhiều xã của huyện Trùng Khánh như: Chí Viễn, Lăng Hiếu, Cao Thăng, Phong Nặm… Bí thư chi bộ khi ấy là đồng chí Nguyễn Văn Bôn. Nhiệm vụ của tôi là thông báo thời gian, địa điểm họp chi bộ đến từng đảng viên và thực hiện chuyển thư mật nếu có. Thời điểm năm 1945, không khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa sục sôi, mọi công việc luôn gấp rút và đảm bảo bí mật tuyệt đối. Chính vì vậy, đòi hỏi người làm liên lạc ý chí và sự kiên định cao.
Bà Khôi (bên phải) cùng con cháu tìm hiểu thông tin qua sách báo
Từ đầu năm 1945 đến khi cách mạng Tháng Tám nổ ra, bà Khôi không nhớ rõ đã thực hiện bao nhiêu lần liên lạc cho cán bộ. Nhưng sự đàn áp của bè lũ cướp nước thì bà không bao giờ quên. Bà nhớ lại: Giặc Pháp thường đem đầu lâu người ra treo ở chợ Pò Tấu, xã Chí Viễn và nhiều nơi khác nhằm khủng bố tinh thần dân ta nhưng tôi không sợ và tin tưởng vào sự thành công của cách mạng; mong muốn được đóng góp công sức nhỏ bé vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Suy nghĩ đó như kim chỉ nam cho mọi hành động của bà sau này. Đáng chú ý, trong suốt quá trình làm liên lạc, nhờ sự thông minh, nhanh trí của mình, bà chưa bao giờ để địch phát hiện và làm lộ lọt thông tin. Bà thường theo chân người dân trong mỗi buổi chợ phiên ở các xã để liên lạc với cán bộ, để giặc không nghi ngờ. Đã có lần bà bị lính Pháp giữ lại hăm dọa nhưng bà đều bình tĩnh, nhanh trí xử lý tình huống nên chúng không khai thác được gì.
Không chỉ làm liên lạc, bà Khôi khi ấy còn là Đội trưởng Đội Thiếu niên thị trấn Trùng Khánh thời kỳ 1945 và vài năm sau đó. Chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, bà và nhiều bạn cùng trang lứa tham gia làm công tác vận động thanh, thiếu niên lên đường tòng quân. Đội Thiếu niên do bà chỉ huy đã đến nhiều huyện của tỉnh Cao Bằng như: Hạ Lang, Quảng Uyên vận động hàng trăm, hàng nghìn tân binh lên đường đánh giặc cứu nước. Đội Thiếu niên này còn tham gia vận động nhân dân ủng hộ, giúp đỡ Mặt trận Việt Minh giành chính quyền.
Khi cách mạng Tháng Tám nổ ra, hòa vào khí thế quân dân cả nước, quân dân Cao Bằng đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Từ ngày 19/8 đến cuối tháng 8/1945, UBND lâm thời thị xã Cao Bằng và các huyện lần lượt được thành lập và ra mắt nhân dân.
Năm nay dù đã gần 90 tuổi song ký ức về những ngày tháng lịch sử đó vẫn vẹn nguyên, sống động trong tâm trí bà Khôi. Ánh mắt bà hân hoan khi nhớ lại thời khắc lịch sử ấy: Khi hòa vào dòng người reo hò, hô khẩu hiệu trong ngày giành được chính quyền, tâm trạng tôi lâng lâng niềm vui sướng thật khó tả. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi nhân dân từ kiếp nô lệ trở thành người chủ của đất nước.
Sau tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, bà Khôi tiếp tục tham gia phong trào cách mạng ở địa phương và có những đóng góp tích cực trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân của dân tộc ta (giai đoạn 1946-1954). Ghi nhận những cống hiến đó, bà đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó đã được tặng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.
Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc cũng là lúc bà nên duyên với một anh bộ đội người Lạng Sơn và chuyển về thị xã Lạng Sơn sinh sống, làm việc. Bà từng tham gia Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong phường Vĩnh Trại nhiều năm liền và đã được trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo, Kỷ niệm chương Thanh niên xung phong… Trong gia đình, quan hệ hàng xóm, bà luôn sống mẫu mực, con cháu bà đều đã thành đạt, gia đình yên ấm, hạnh phúc.
Ý kiến ()