LSO-Mỗi khi hè về thì chủ đề được nhắc nhiều chính là chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em. Năm nào cũng vậy, cứ như “đến hẹn lại lên”, trẻ em nghỉ hè là phụ huynh lại sốt sắng lên không biết quản lý, trông coi trẻ thế nào vì thực tế tại Lạng Sơn hiện nay chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em vẫn theo tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Có lẽ vì vậy mà năm này qua năm khác, câu chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em trở thành bài toán chưa có lời giải. Các bé Trường mầm non xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng trong giờ vui chơiTừ thực trạng thiếu sân chơi…Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, năm 2011 có 195 xã, phường, thị trấn được UBND huyện công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em (XPPHTE), trong đó có 46 xã, phường, thị trấn 3 năm liên tục đạt tiêu chuẩn XPPHTE và được UBND tỉnh công nhận và khen thưởng. Đối với văn hóa vui chơi, toàn tỉnh có 9,1% huyện có trung tâm vui chơi cho trẻ em; 18,2% xã, phường có điểm văn...
LSO-Mỗi khi hè về thì chủ đề được nhắc nhiều chính là chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em. Năm nào cũng vậy, cứ như “đến hẹn lại lên”, trẻ em nghỉ hè là phụ huynh lại sốt sắng lên không biết quản lý, trông coi trẻ thế nào vì thực tế tại Lạng Sơn hiện nay chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em vẫn theo tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Có lẽ vì vậy mà năm này qua năm khác, câu chuyện thiếu sân chơi cho trẻ em trở thành bài toán chưa có lời giải.
Các bé Trường mầm non xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng trong giờ vui chơi
Từ thực trạng thiếu sân chơi…
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, năm 2011 có 195 xã, phường, thị trấn được UBND huyện công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em (XPPHTE), trong đó có 46 xã, phường, thị trấn 3 năm liên tục đạt tiêu chuẩn XPPHTE và được UBND tỉnh công nhận và khen thưởng. Đối với văn hóa vui chơi, toàn tỉnh có 9,1% huyện có trung tâm vui chơi cho trẻ em; 18,2% xã, phường có điểm văn hóa vui chơi giải trí cho trẻ em. Tại cấp tỉnh, hiện nay ngoài Cung Văn hóa thiếu nhi thì có Công viên Bờ sông Kỳ Cùng, khuôn viên lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu lưu niệm tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ… có nhiều hoạt động vui chơi cho trẻ em như: các lớp năng khiếu hè, các trò chơi, đài phun nước, nhà nhún, đi xe ô tô điện, thả diều… thu hút đông đảo các bậc phụ huynh đưa con đến tham gia vui chơi.
Trong ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 vừa qua, rất nhiều bạn bè tôi ở huyện đưa con ra thành phố chơi. Một ngày chúng tôi đưa chục đứa trẻ đi siêu thị, đi bể bơi… tuy mệt nhưng vui vì ai cũng tự an ủi rằng mình còn có điều kiện cho con đi chơi. Chứ thực tế ở các huyện, xã hiện nay, trẻ em thiếu sân chơi trầm trọng, để được tham gia các trò chơi như trẻ em ở thành phố thì phải là gia đình có điều kiện hoặc bố mẹ “thưởng” cho các em mới được tham gia chơi. Thế nhưng, với ngần ấy điểm vui chơi ở thành phố, ở tỉnh cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của trẻ em. Không những vậy, giá cả các trò vui chơi tại các điểm vui chơi hiện nay cũng là vấn đề đáng quan tâm. Ví dụ như cho trẻ em ra Cung văn hóa thiếu nhi, vé mỗi trò chơi ít cũng từ 8.000 đồng đến 20.000 đồng. Mỗi trẻ chỉ cần chơi từ 3-5 trò chơi cũng ngốn của các bậc phụ huynh số tiền không nhỏ. Chính vì vậy, thực sự những sân chơi ấy rất “kén” đối tượng. Vì tốn kém như vậy mà nhiều gia đình không thể ngày nào cũng cho con ra chơi được. Những khu vui chơi không mất phí thì thường lại lo về vấn đề an toàn giao thông như Công viên Bờ sông Kỳ Cùng hiện nay, chiều nào cũng tràn ngập các trẻ em và phụ huynh thả diều, vui chơi chiếm xuống cả lòng đường quảng trường Hùng Vương, gây mất an toàn giao thông.
…Đến những tai nạn thương tích không đáng có
Từ thực trạng thiếu sân chơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh nên hàng năm, số trẻ bị tai nạn thương tích vẫn thường xuyên xảy ra. Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, năm 2011, toàn tỉnh có 303 vụ, một số loại hình tai nạn thương tích trẻ em thường bị như ngã (103 trường hợp), tai nạn giao thông (70 trường hợp), bỏng (26 trường hợp), đuối nước (5 trường hợp)… Trong 6 tháng đầu năm 2012, mặc dù chưa có thống kê toàn tỉnh, song qua tổng hợp số liệu báo cáo của 4 huyện Văn Quan, Cao Lộc, Chi Lăng và thành phố Lạng Sơn thì có 7 vụ tai nạn thương tích xảy ra. Thậm chí vì không có chỗ vui chơi, các em đến với các quán game, quán nét, làm quen rồi “nghiện” các trò chơi bạo lực, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tính cách của trẻ. Cũng từ đây mà nhiều vụ bạo lực học đường đã xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội, khó khăn cho việc quản lý của nhà trường, gia đình, đặc biệt là mỗi khi đến kỳ nghỉ hè.
Cần quan tâm đầu tư sân chơi cho trẻ em
Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2012, các sở, ngành, đoàn thể đã phối hợp tổ chức được diễn đàn “ước mơ của chúng em”, giao lưu giữa trẻ em Việt Nam với các bạn thiếu nhi Trung Quốc, tổ chức các lớp phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ… thu hút đông đảo các em tham gia. Tuy nhiên, đó chỉ là một vài hoạt động nhỏ nhân các ngày lễ chứ chưa thực sự được thường xuyên và trở thành sân chơi của trẻ em toàn tỉnh.
Ông Vi Xuân Mai, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng: chúng ta vẫn nhắc tới việc tạo sân chơi, xây dựng điểm vui chơi giải trí cho trẻ. Nhưng trên thực tế, những điểm vui chơi, giải trí cho các em còn quá ít. Để có những sân chơi nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện cho trẻ thì không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Việc quy hoạch và xây dựng các công trình vui chơi, giải trí cần mang tính chiến lược, phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận nhân dân.
Như vậy, đã đến lúc phải có những giải pháp đồng bộ trong việc xây dựng sân chơi cho trẻ em, xứng tầm với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong những năm tới, cần hơn nữa sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng và địa phương để huy động nguồn lực, ưu tiên xây dựng các công trình, khu vui chơi tại cộng đồng dân cư nhằm tạo điều kiện cho trẻ em có nơi vui chơi phù hợp. Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa vai trò xã hội hoá trong đầu tư xây dựng điểm vui chơi giải trí ở thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.
Thanh Huyền
Ý kiến ()