Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng có ý nghĩa hết sức quan trọng
Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi chiến lược, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy chính trị.
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF từ ngày 25-28/6.
Nhân dịp này, phóng viên thường trú TTXVN tại Bắc Kinh đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai về mục đích và ý nghĩa của chuyến thăm.
Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Trung Quốc trong 7 năm qua, là sự tiếp nối các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thời gian qua.
Trong bối cảnh tình hình quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm triển khai toàn diện kết quả và nhận thức chung đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022), nỗ lực thúc đẩy các lĩnh vực và hợp tác cùng có lợi, kiểm soát tốt các bất đồng, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Nhân chuyến thăm lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự WEF Thiên Tân, do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức. Đây là hội nghị có quy mô lớn thứ hai sau WEF Davos (Thụy Sĩ).
Với vai trò là đối tác tin cậy, thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tích cực đóng góp, phối hợp với các đối tác quốc tế giải quyết những vấn đề toàn cầu nhằm duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới.
Thông qua hội nghị lần này, Việt Nam mong muốn quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, chuyển tải thông điệp lớn về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam; nắm bắt những vấn đề, xu thế mới của kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển và quản trị ở tầm toàn cầu, khu vực và quốc gia trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển đổi sâu sắc, qua đó nâng cao vai trò, tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-WEF ngày càng hiệu quả, thực chất; tăng cường hợp tác với các các tập đoàn toàn cầu và khu vực, đặc biệt các doanh nghiệp của Trung Quốc, nhằm tiếp tục củng cố môi trường quốc tế thuận lợi, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.
Về quan hệ kinh tế thương mại hai nước, Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa hai nước không ngừng bổ sung, hoàn thiện, có sự bổ trợ lẫn nhau và gắn kết về chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu.
Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 63,2 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái theo thống kê của Hải quan Việt Nam; và đạt 87,6 tỷ USD, giảm 2,6% theo thống kê của Hải quan Trung Quốc.
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, trong đó xuất khẩu gạo tăng 62,8%, xuất khẩu hạt điều tăng 8%, xuất khẩu sầu riêng tăng 18 lần, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Hiện nay, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách phòng dịch, xác định tập trung giữ vững ổn định phát triển và bảo đảm tăng trưởng.
Do đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc khi hành lang xuất nhập khẩu trở nên thông thoáng hơn, thị trường tiêu dùng nội địa Trung Quốc mở rộng nhu cầu và hợp tác thương mại với các nước ASEAN được Trung Quốc coi trọng.
Các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam có lợi thế trong bối cảnh Trung Quốc ưu tiên bảo đảm an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cũng gặp một số thách thức do sự phục hồi tiêu dùng tại Trung Quốc chưa đạt kỳ vọng và áp lực cạnh tranh từ hàng hóa của các nước khác và hàng hóa nội địa của Trung Quốc.
Thời gian qua, với vai trò cầu nối hợp tác, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thường xuyên trao đổi với các đơn vị chức năng của Trung Quốc cũng như phối hợp với các cơ quan trong nước thúc đẩy công tác thuận lợi hóa thương mại, mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ, xử lý các vướng mắc hàng hóa tại các cửa khẩu, cảng biển.
Giai đoạn tới, để gia tăng, tận dụng hơn nữa tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần triển khai các biện pháp cụ thể sau: Tiếp tục giữ vững thị phần xuất khẩu tại các địa phương tiếp giáp Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông và thúc đẩy xuất khẩu tới các địa bàn tiềm năng khác như khu vực Hoa Bắc, Hoa Đông, miền Trung và miền Tây của Trung Quốc; tận dụng những lợi thế của thị trường như hệ thống logistics thuận tiện, thương mại điện tử, gia tăng vận tải đường biển và đường sắt, giảm áp lực xuất khẩu bằng đường bộ; tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt cần đáp ứng những tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường Trung Quốc đối với các nhóm hàng hóa cụ thể; gia tăng chất lượng và số lượng các chương trình phổ biến cập nhật thông tin về thị trường Trung Quốc; đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ lớn, có uy tín của Trung Quốc.
Đánh giá về chủ đề của WEF Thiên Tân 2023 là “Tinh thần kinh doanh: Động lực của nền kinh tế toàn cầu” cùng nỗ lực đóng góp vào động lực phát triển, phục hồi hậu COVID-19 của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng, chủ đề trên nhận được sự quan tâm của các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp.
Đây là chủ đề có tính thời sự trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay có những chuyển đổi sâu sắc, tác động tới các mô hình kinh doanh và ngành nghề truyền thống và tiến trình phục hồi của các nền kinh tế.
Thời gian qua, trước tình hình thế giới biến động phức tạp, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển.
Có thể thấy kết quả đạt tương đối khả quan với nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Với các mục tiêu phát triển của Đại hội XIII, Việt Nam không ngừng đi sâu đổi mới mở cửa, thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số và tăng trưởng xanh phù hợp với tinh thần của Hội nghị WEF Thiên Tân 2023.
Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” xác định chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 nêu rõ định hướng nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, xây dựng lối sống xanh, bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc, bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế.
Trong tiến trình này, Việt Nam hoan nghênh, kêu gọi hợp tác quốc tế, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài nhằm hình thành các chuỗi giá trị, ngành nghề mới và thúc đẩy các dự án theo hình thức đối tác công-tư.
Đồng thời, với tiềm năng, thế mạnh của mình và tinh thần trách nhiệm quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của kinh tế thế giới vì sự phục hồi và phát triển bền vững.
Về nội dung chương trình nghị sự WEF Thiên Tân năm nay và những đóng góp dự kiến của đoàn Việt Nam vào chương trình nghị sự này, Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết chương trình nghị sự của Hội nghị WEF Thiên Tân năm nay tập trung thảo luận các lĩnh vực mới, trong đó đề cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi, nhiều tiềm năng.
Với chủ đề “Tinh thần kinh doanh: Động lực của kinh tế toàn cầu,” hội nghị gồm hơn 100 phiên họp, tập trung vào 6 nội dung chính gồm điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng và nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch, Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu và ứng dụng đổi mới sáng tạo.
Trong khuôn khổ Hội nghị WEF Thiên Tân 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại Phiên toàn thể “Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh” và Phiên ăn trưa làm việc của các lãnh đạo về “Ngăn ngừa một thập kỷ mất mát.”
Đây đều là các phiên thảo luận trọng tâm trong chương trình nghị sự của hội nghị, nhận được sự quan tâm của các nước, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.
Nhân dịp tham dự hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo WEF đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược Quốc gia Việt Nam-WEF, tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc và có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước và các tập đoàn dự hội nghị.
Sự tham gia của đoàn Việt Nam cùng các nước, tổ chức và tập đoàn hàng đầu thế giới sẽ góp phần đề xuất các giải pháp ở các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và doanh nghiệp, nhấn mạnh vai trò của tư nhân và hợp tác công-tư, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như phát triển xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…
Khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, trong đó có Việt Nam, thời gian qua đã tích cực đổi mới mở cửa, duy trì đà tăng trưởng ổn định, trở thành động lực quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực và thế giới, đồng thời giữ vai trò là trung tâm liên kết thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc tham dự Hội nghị WEF Thiên Tân 2023 với những thông điệp về các động lực tăng trưởng kinh tế mới cũng là cơ hội để Việt Nam chia sẻ thành tựu, kinh nghiệm, định hướng phát triển, tranh thủ tăng cường hợp tác của WEF, các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn toàn cầu và khu vực để giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Về công tác chuẩn bị của Đại sứ quán Việt Nam cho chuyến thăm, Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết với ý nghĩa hết sức quan trọng của chuyến thăm, Đại sứ quán xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, huy động tổng lực, khẩn trương, tích cực, phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan hai bên để trao đổi triển khai các mặt công tác về chương trình, nội dung, an ninh, báo chí, hậu cần, bảo đảm an toàn tuyệt đối, nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho thành công của chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự WEF Thiên Tân của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Đại sứ Phạm Sao Mai bày tỏ kỳ vọng thông qua chuyến thăm lần này, hai bên có thể đạt được những kết quả cụ thể, thực chất cho quan hệ song phương.
Thứ nhất, chuyến thăm là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi chiến lược, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy chính trị, củng cố và định hướng cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ hai nước.
Thứ hai, chuyến thăm sẽ xác định các biện pháp nhằm triển khai toàn diện nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo xung lực cho việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch, khoa học công nghệ…, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Thứ ba, thông qua chuyến thăm, lãnh đạo cấp hai nước sẽ tiếp tục trao đổi các biện pháp nhằm kiểm soát tốt bất đồng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên biển, tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, góp phần tích cực vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hai nước, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới./.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/chuyen-tham-trung-quoc-cua-thu-tuong-co-y-nghia-het-suc-quan-trong/870986.vnp
Ý kiến ()