Chuyến thăm lịch sử thúc đẩy quan hệ Ấn Ðộ - Mi-an-ma
Thủ tướng Ấn Độ M.Xinh vừa kết thúc chuyến thăm lịch sử ba ngày tới Mi-an-ma nhằm đưa quan hệ hai nước lên bước phát triển mới, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của Ấn Độ ở khu vực.Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Ấn Độ M.Xinh với Tổng thống nước chủ nhà Thên Xên, hai nhà lãnh đạo thảo luận một loạt các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thủ tướng Xinh đánh giá cao các biện pháp cải cách mà Chính phủ do Tổng thống Thên Xên tiến hành nhằm đem lại dân chủ, hòa giải dân tộc và phát triển ở Mi-an-ma, đồng thời tái khẳng định Ấn Độ sẵn sàng mở rộng và hỗ trợ tiến trình cải cách nói trên. Hai bên nhất trí cho rằng, hòa bình và ổn định ở khu vực rất cần thiết cho sự phát triển và phồn vinh của nhân dân mỗi nước. Trên tinh thần đó, Tuyên bố chung của hai nước nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác song phương cũng như khai thác hiệu quả các tiềm năng của mỗi nước phụng sự nhân dân...
Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Ấn Độ M.Xinh với Tổng thống nước chủ nhà Thên Xên, hai nhà lãnh đạo thảo luận một loạt các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thủ tướng Xinh đánh giá cao các biện pháp cải cách mà Chính phủ do Tổng thống Thên Xên tiến hành nhằm đem lại dân chủ, hòa giải dân tộc và phát triển ở Mi-an-ma, đồng thời tái khẳng định Ấn Độ sẵn sàng mở rộng và hỗ trợ tiến trình cải cách nói trên. Hai bên nhất trí cho rằng, hòa bình và ổn định ở khu vực rất cần thiết cho sự phát triển và phồn vinh của nhân dân mỗi nước. Trên tinh thần đó, Tuyên bố chung của hai nước nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác song phương cũng như khai thác hiệu quả các tiềm năng của mỗi nước phụng sự nhân dân hai nước. Kết thúc chuyến thăm, hai bên ký 12 văn kiện, gồm hai thỏa thuận và mười biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực: bảo đảm an ninh, phát triển khu vực giáp giới hai nước, hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học và giữa các học viện nghiên cứu quốc phòng. Ấn Độ cho biết, sẽ giúp Mi-an-ma trong những lĩnh vực nước này có thế mạnh và Mi-an-ma có nhu cầu, như mở một viện đào tạo công nghệ thông tin, một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp và một cơ sở nghiên cứu gạo, v.v. đồng thời cam kết cung cấp khoản tín dụng 500 triệu USD giúp nước láng giềng thực hiện các dự án phát triển.
Thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt đẹp sẽ mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho cả Ấn Độ và Mi-an-ma, hai quốc gia có đường biên giới chung trên đất liền 1.600 km và chung ranh giới biển ở Vịnh Ben-gan. Tại Thủ đô Nây Pi Đô, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ R.Ma-thai hồ hởi tuyên bố với giới báo chí: Đón làn sóng mở cửa kinh tế, thu hút đầu tư và thương mại mới từ Chính quyền Nây Pi Đô, “Ấn Độ muốn bảo đảm một quan hệ mạnh mẽ và cùng có lợi với Mi-an-ma, quốc gia láng giềng có vị trí địa chiến lược quan trọng trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ”. Với việc triển khai chính sách này từ những năm 1990 của thế kỷ trước, Niu Đê-li muốn gắn kết chặt chẽ hơn với khu vực năng động, giàu nguyên liệu thô và năng lượng ở Đông – Nam Á và Đông Á phục vụ sự phát triển trong tương lai của nước này. Là quốc gia duy nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN) có đường biên giới chung với Ấn Độ, Mi-an-ma là lựa chọn hàng đầu để Ấn Độ thâm nhập và qua đó vươn tới thị trường ASEAN với hơn 550 triệu dân đầy hấp dẫn. Về phần mình, Mi-an-ma hy vọng, việc thúc đẩy quan hệ với nền kinh tế mới nổi lớn nhất khu vực Nam Á và là một đối tác quan trọng của ASEAN sẽ giúp Nây Pi Đô thực hiện thành công hơn tiến trình cải cách, mở cửa với thế giới bên ngoài sau hàng thập kỷ bị bao vây cấm vận, nâng cao vị thế đất nước. Tháng 10-2011, Tổng thống Mi-an-ma Thên Xên cũng đã có chuyến thăm cấp Nhà nước “lịch sử” tới Ấn Độ theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà P.Pa-tin. Tại đây, lãnh đạo hai nước cũng nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trong đó chú trọng hợp tác ở khu vực biên giới chung nhằm cải thiện đời sống của nhân dân hai nước sinh sống ở khu vực này.
Nền kinh tế Ấn Độ đang “khát” nhiên liệu muốn thâm nhập thị trường tiềm năng Mi-an-ma để phục vụ nhu cầu phát triển. Trong năm năm qua, Ấn Độ “bơm” gần 140 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực dầu khí tại Mi-an-ma và muốn “tăng tốc” cho các dự án trong lĩnh vực này để không bị “chậm chân” so với các đối tác khác trong khu vực. Theo cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mi-an-ma R.Ba-ti-a, trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, Mi-an-ma “hẳn cũng không muốn bỏ tất trứng vào một rọ”. Đối với các dự án hạ tầng, hai bên nhất trí triển khai một cách sớm nhất các điểm kết nối giao thông trên bộ và trên không của mỗi nước. Cụ thể, sẽ tăng số chuyến bay giữa thành phố Côn-cô-ta của Ấn Độ và I-an-gun của Mi-an-ma trong tương lai (hiện mỗi tuần có ba chuyến), từ đó tạo điều kiện tăng cường kết nối giữa hàng không Ấn Độ với các địa điểm khác tại Đông – Nam Á; nhất trí thành lập một ủy ban chung để thăm dò khả năng triển khai các dự án vận tải bằng đường sắt từ Ấn Độ qua Mi-an-ma tới khu vực này; tiếp tục nghiên cứu xây dựng tuyến cao tốc nối Mô-rê thuộc Ma-ni-pơ (Ấn Độ) với Mê Xốt (Thái-lan) đi qua Mi-an-ma. Hai nước cam kết khởi công tuyến xe buýt nối Im-phan, thủ phủ bang Ma-ni-pơ với TP Man-đa-lây lớn thứ hai của Mi-an-ma… Những năm gần đây, Ấn Độ cho Mi-an-ma vay khoản tín dụng khoảng 800 triệu USD giúp nước này phát triển cơ sở hạ tầng như đường sắt, đường bộ và đường thủy. Niu Đê-li cũng hỗ trợ xây dựng một cảng ở thành phố biển Xít-tuê với hy vọng cảng này sẽ là cầu nối thương mại giữa các bang vùng đông-bắc Ấn Độ tới vùng Đông – Nam Á. Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mi-an-ma, sau Thái-lan, Xin-ga-po và Trung Quốc. Hai nước tin tưởng sẽ nâng mức kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,352 tỷ USD trong năm 2011 lên ba tỷ USD vào năm 2015.
Nhân chuyến thăm đầu tiên tới Mi-an-ma của vị Thủ tướng Ấn Độ trong 25 năm qua, giới báo chí hai nước nhận xét, với các văn kiện đạt được nhân chuyến thăm “lịch sử” lần này, quan hệ hợp tác song phương giữa Ấn Độ và Mi-an-ma đang bước sang trang mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()