Chuyến thăm đặc biệt với tham vọng hội tụ
Nhà Trắng sẽ trải thảm đỏ để đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mỹ trong ba ngày, từ 30-11 đến 2-12. Đây là lần thứ hai Tổng thống Macron nhận được sự tiếp đón trọng thị từ ông chủ Nhà Trắng, sau chuyến thăm đầu tiên cách đây 4 năm. Một chuyến thăm đặc biệt với tham vọng hướng tới “sự hội tụ lớn hơn giữa hai bờ Đại Tây Dương”.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mỹ của Tổng thống Macron có ý nghĩa đặc biệt. Trong 8 năm qua, Nhà Trắng chỉ trải thảm đỏ đón 6 nguyên thủ nước ngoài, trong đó có 3 lần đón những vị khách quý đến từ Pháp là Tổng thống Francois Hollande và Tổng thống Macron. Đối với đất nước hình lục lăng, ông Macron là Tổng thống đầu tiên dưới thời Đệ ngũ Cộng hòa thực hiện hai chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ (năm 2018 và 2022). “Đó không phải là một cuộc gặp đơn thuần mà là đỉnh cao của nghi thức ngoại giao ở Mỹ”, nhà phân tích chính trị người Mỹ gốc Pháp Nicole Bacharan nhận định. Theo tiết lộ của Điện Élysée, lễ đón Tổng thống Macron ở Nhà Trắng sẽ được tổ chức với các nghi lễ trọng thể nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, trong đó có nghi thức bắn đại bác chào mừng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) tại cuộc gặp ở Rome, Italy, ngày 29-10-2021. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Có thể hiểu vì sao Tổng thống Macron được Mỹ “ưu ái” như vậy. Ngược dòng lịch sử, quan hệ Pháp-Mỹ được hình thành ngay từ cuộc chiến tranh giành độc lập Mỹ (1775-1783). Mối quan hệ đặc biệt này đã được củng cố qua hai cuộc chiến tranh thế giới, sau đó là sự hợp tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Năm 1960, ở đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh lạnh, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, trong đó nhấn mạnh: “Đối với Pháp, không có gì quan trọng hơn trí tuệ, quyết tâm và tình bạn với nước Mỹ vĩ đại”.
Paris còn thể hiện rõ tình đoàn kết với Washington bằng việc Tổng thống Pháp Jacques Chirac lập tức bay đến Mỹ ngay sau khi xảy ra các vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Và cho dù tình huynh đệ suýt đổ vỡ trong cuộc chiến ở Iraq, hai bên vẫn cố gắng kiềm chế bất đồng để duy trì mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Căng thẳng giữa hai nước bất ngờ leo thang kể từ một năm trước, thời điểm Washington giành được từ tay Paris hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho Australia và thành lập liên minh Mỹ-Anh-Australia mới ở Thái Bình Dương, được đặt tên là AUKUS, mà không có Pháp. Paris đã gọi hành động trên là một đòn “đâm sau lưng”. Vì lẽ đó, việc Nhà Trắng trải thảm đỏ lần thứ hai đón ông Macron vừa nhằm xoa dịu sự tức giận trên, vừa mong muốn lật trang sử mới cho quan hệ Mỹ-Pháp. Điều này vô cùng cần thiết trong bối cảnh Anh đã rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và cuộc chiến hiện nay ở Ukraine “chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”.
Diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh G20 khoảng nửa tháng, chuyến thăm cấp nhà nước 3 ngày tới Mỹ của Tổng thống Macron với chương trình nghị sự dày đặc, trong đó đáng chú ý là một loạt cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Joe Biden, Phó tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và các nghị sĩ Mỹ. Mọi ánh mắt chủ yếu đổ dồn vào cuộc hội đàm cấp cao Mỹ-Pháp, điểm nhấn của chuyến thăm. Ngoài việc kỷ niệm tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden và người đồng cấp Emmanuel Macron sẽ “gạn đục khơi trong” những bất đồng để tìm hướng đi mới cho mối quan hệ đồng minh đặc biệt. Theo kế hoạch, hai nhà lãnh đạo sẽ đề cập một loạt vấn đề như hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, biến đổi khí hậu, không gian, đa dạng sinh học, hạt nhân; đối phó với chương trình hạt nhân của Iran, tình hình Ukraine hay những lo ngại về an ninh và ổn định ở khu vực Sahel của châu Phi…
Tuy nhiên, chủ đề then chốt mà Tổng thống Macron chắc chắn đề cập trong hội đàm là Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được Tổng thống Joe Biden ký ban hành hồi tháng 8-2022 và sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2023. IRA với nội dung chính là Washington sẽ chi ra một khoản tiền rất lớn nhằm tạo ưu đãi về thuế và trợ cấp giá năng lượng cho các công ty đầu tư trên đất Mỹ. Theo ông chủ Điện Élysée, đạo luật này giống như chính sách khuyến khích “Người Mỹ mua hàng Mỹ”, làm tổn hại nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu vốn đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ nhiều yếu tố như thiếu nguồn cung nhiên liệu, dịch Covid-19 và nhất là việc giá năng lượng tăng cao, trong đó có việc giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ được bán tại châu Âu đang cao hơn gấp 4 lần tại Mỹ. Do đó, nhiệm vụ ưu tiên của ông Macron trong chuyến thăm Mỹ lần này là thuyết phục ông Biden nới lỏng quy định của IRA cho các công ty châu Âu theo mô hình mà Mexico và Canada đã đạt được. Nếu đàm phán thành công, Tổng thống Macron hy vọng sẽ mang “món quà quý” tặng các công ty châu Âu ngay trước thềm diễn ra cuộc họp Hội đồng thương mại và công nghệ EU-Mỹ vào ngày 5-12 tới.
Dù khả năng thuyết phục Washington “nhẹ tay” khi áp dụng IRA với các công ty châu Âu không nhiều nhưng chuyến thăm của Tổng thống Macron vẫn được kỳ vọng mở ra trang sử mới cho quan hệ hai nước nói riêng, giữa các quốc gia ở hai bờ Đại Tây Dương nói chung. Ít nhất thì những hình ảnh về lễ đón trọng thể nguyên thủ Pháp giữa lòng thủ đô Washington vẫn luôn là món quà tinh thần vô giá cho quan hệ đồng minh giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()