Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội nâng tầm quan hệ Việt Nam - EU
Nhiều báo uy tín của Bỉ như Brussels Times, EU Today với hàng chục triệu lượt truy cập mỗi tháng, đã đăng tin, bài đánh giá chuyến thăm Bỉ và Nghị viện châu Âu (EP) của Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ đã tạo động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Bỉ nói riêng và Việt Nam – Liên hiệp châu Âu (EU) nói chung, phát triển lên tầm cao mới.
Theo TTXVN, trong bài viết với tiêu đề “Quan hệ Việt Nam – EU lên tầm cao mới” đăng trên báo Brussels Times, tác giả nhấn mạnh Chủ tịch QH Vương Đình Huệ là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam tới châu Âu kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII và bầu cử QH khóa XV tại Việt Nam. Chuyến thăm góp phần khẳng định chủ trương, chính sách tiếp tục coi trọng và tăng cường quan hệ hợp tác với EU và Bỉ của ban lãnh đạo mới ở Việt Nam.
Nội dung bài báo điểm lại quá trình phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam – EU trong hơn 30 năm qua, trong đó các cơ quan lập pháp hai bên đóng vai trò quan trọng. Từ một nước nhận viện trợ phát triển của EU, Việt Nam đã trở thành đối tác bình đẳng, hợp tác cùng có lợi với EU. Việt Nam hiện là đối tác hàng đầu của EU tại khu vực Đông Nam Á, cầu nối giữa EU với các nước ASEAN và rộng hơn nữa, là hình mẫu tiêu biểu trong hợp tác giữa EU với các nước châu Á. Trong quá trình phát triển đó, việc EU và Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) là dấu mốc quan trọng. Sau hơn một năm chính thức có hiệu lực và đi vào triển khai, EVFTA đã đem lại những kết quả tích cực.
Kim ngạch thương mại hai chiều được nâng lên, hợp tác đầu tư song phương cũng được kỳ vọng sớm có bước phát triển mới.
Trong tổng thể quan hệ giữa EU với Việt Nam, Bỉ là một trong những thành viên duy trì quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Bỉ hiện đứng thứ 5 trong tổng số 27 nước EU đầu tư vào Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Bỉ. Kể từ năm 2018, Bỉ cũng là đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Báo EU Today đăng bài “Quan hệ EU – Việt Nam – Bỉ: Hướng đi mới sau đại dịch” đánh giá tích cực về triển vọng hợp tác giữa EU và Bỉ với Việt Nam. Tác giả bài viết nhận định, việc ký kết EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đã mở ra một chương mới tươi sáng trong quan hệ hợp tác giữa EU, Bỉ với Việt Nam. Các Hiệp định này được kỳ vọng mang lại những cơ hội “vàng” để mỗi bên khai thác hiệu quả tiềm năng, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, phát triển bền vững và đóng góp tích cực cho việc tăng cường mối liên kết giữa các nền kinh tế Âu – Á.
Nền kinh tế Việt Nam phát triển ấn tượng trong những năm qua. Trong giai đoạn 2000 – 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam duy trì ở mức cao, trung bình đạt khoảng 6,4%/năm. Năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế dương bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng đang là địa điểm đầu tư ngày càng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp châu Âu. Đến nay, 25 nước EU đã đầu tư vào Việt Nam với khoảng 2.214 dự án. Trong bối cảnh đó, việc EU sớm thông qua EVIPA sẽ mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp châu Âu tại thị trường Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung.
Bài viết trích phát biểu của Thượng nghị sĩ Liên bang Bỉ Andries Gryffroy nhận định, chuyến thăm của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ là cơ hội để đặt nền móng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với EU và Bỉ sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Bên cạnh đó là đánh giá của Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen, cho rằng việc đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp, chế biến thực phẩm và đồ uống, dược phẩm và năng lượng tái tạo rất có triển vọng tại Việt Nam. Ông Macr Stordiau, Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư & Kỹ thuật Cảng quốc tế Bỉ (IPEI) cũng được dẫn lời khẳng định nhiều công ty Bỉ, trong đó có IPEI mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam thời gian tới.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, EU, Bỉ và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trong khuôn khổ cơ chế COVAX, sáng kiến “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19” hay chương trình “TEAM EUROPE” của EU nhằm ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Hai bên cũng có điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, giáo dục, nông nghiệp, công nghệ cao… EU có thể hợp tác, chuyển giao công nghệ với Việt Nam trong xử lý chất thải, tài nguyên nước, chống nhiễm mặn và nước biển dâng để cải thiện cuộc sống của người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.
Ý kiến ()