Chuyến thăm chính thức Liên Xô đầu tiên của một Tổng thống Mỹ
Trong Chiến tranh lạnh, quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô không ít lần rơi vào khủng hoảng trầm trọng, đẩy hai siêu cường tới cận kề miệng hố chiến tranh.
Đối đầu gay gắt là vậy, song quan hệ giữa hai bên cũng từng ghi nhận thời kỳ “hòa hoãn” mà điển hình là khi cờ Mỹ được treo tại Điện Kremlin vào năm 1972.
Từ “cái bắt tay trong không gian”…
Trong một bài viết mới đây, trang mạng Russia Beyond cho biết, trong Chiến tranh lạnh, cờ Mỹ từng một lần duy nhất được treo tại Điện Kremlin trong suốt 9 ngày liền theo lệnh của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev. “Đó không phải là một cảnh trong phim hay trò đùa của ai cả. Lá cờ Mỹ đã tung bay trong gió tại nơi được xem là biểu tượng sức mạnh của Liên Xô để mọi người cùng thấy”, trang mạng Russia Beyond mở đầu bài viết.
Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev ký các văn kiện trong chuyến thăm năm 1972. Ảnh: Getty Images |
Theo bài viết, tháng 5-1972 ghi nhận một cột mốc quan trọng trong thời kỳ “hòa hoãn”, ám chỉ “việc giảm đối đầu tạm thời nhưng được chờ đợi bấy lâu” giữa Mỹ và Liên Xô. Đó là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Mỹ (lúc bấy giờ là Tổng thống Richard Nixon) tới Liên Xô. Trước chuyến thăm là một loạt hoạt động “mở đường” diễn ra trong suốt 5 năm. Vào tháng 1-1967, Mỹ và Liên Xô đã nhất trí cùng hợp tác trong một sứ mệnh không gian chung có tên “Dự án thử nghiệm Apollo-Soyuz” nhằm thiết kế và xây dựng một hệ thống kết nối quốc tế, cho phép hai tàu vũ trụ khác nhau kết nối trong quỹ đạo, tạo cơ hội cho các phi hành đoàn đẩy mạnh hợp tác thí nghiệm, vốn được gọi là “cái bắt tay trong không gian” giữa hai siêu cường. Tới tháng 6-1967, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexei Kosygin thăm Mỹ và vào tháng 12 cùng năm, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã thành lập Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada. Năm 1969, Mỹ và Liên Xô bắt đầu đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược tại Helsinki, Phần Lan. Tới tháng 9-1971, một đường dây nóng được thiết lập giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng. “Nói một cách ngắn gọn, hai siêu cường đều tin rằng cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân phải chấm dứt càng sớm càng tốt và phải bắt đầu xây dựng những cầu nối”, trang mạng Russia Beyond nhấn mạnh.
…đến ký kết nhiều văn kiện quan trọng
Vì lẽ đó, cuối cùng đã diễn ra chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Mỹ tới Liên Xô. Thời gian và chương trình hoạt động đều được hai bên thống nhất. Vào ngày 22-5-1972, đón Tổng thống Nixon tại sân bay Vnukovo ở thủ đô Moscow có Tổng Bí thư Brezhnev, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Kosygin, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Nikolai Podgorny. Phía Liên Xô đã chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết cho chuyến thăm này. Để sân bay Vnukovo bớt “trống trải”, ngoài giới chức Liên Xô, đội danh dự gồm đại diện các lực lượng Lục quân, Không quân và Hải quân theo nghi thức ngoại giao, còn có sự xuất hiện của các thanh, thiếu niên Liên Xô. Các thanh, thiếu niên này ban đầu dự kiến sẽ cầm trong tay những tấm biển với các khẩu hiệu như “tình hữu nghị”, “thương mại tốt hơn chiến tranh” nhưng kế hoạch này sau đó đã bị hủy bỏ, chỉ còn vẫy cờ Mỹ và Liên Xô. Từ sân bay Vnukovo, đoàn xe chở Tổng thống Nixon hướng về Điện Kremlin theo một tuyến đường đã được tính toán kỹ lưỡng. Theo lời kể của ông Viktor Sukhodrev, phiên dịch viên của các nhà lãnh đạo Liên Xô trong các cuộc làm việc chính thức với phía Washington, các con phố dẫn đến Điện Kremlin đều treo cờ Mỹ và Liên Xô. “Tuy nhiên, trên đường phố lại không có sự hiện diện của những đám đông người dân Moscow náo nhiệt vốn thường được bố trí để chào đón lãnh đạo các nước bạn bè. Ngoài ra, ngay cả những người đi bộ cũng không được phép tập trung trên vỉa hè. Tất cả những việc này đã được thống nhất từ trước”, ông Sukhodrev kể.
Chuyến thăm của Tổng thống Nixon kéo dài tổng cộng 9 ngày và gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Brezhnev và Tổng thống Nixon đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng như Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM), Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược (SALT I), một thỏa thuận về không can thiệp công việc nội bộ của nhau, một thỏa thuận song phương về hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, không gian, y học và bảo vệ môi trường. “Một trong những kết quả của chuyến thăm là thỏa thuận giữa chính phủ Liên Xô và Tập đoàn Pepsico về việc xây dựng một nhà máy gần thành phố Sochi để đổi lấy độc quyền bán rượu vodka Stolichnaya tại Mỹ. Học sinh Liên Xô hy vọng rằng người Mỹ cũng sẽ xây dựng một nhà máy kẹo cao su nhưng điều đó đã không xảy ra. Thời kỳ “hòa hoãn” chấm dứt vào năm 1979 khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan”, trang mạng Russia Beyond nêu rõ.
Ý kiến ()