Chuyện ở một vùng căn cứ cách mạng
Xã Lương Tâm là một trong những xã giàu truyền thống cách mạng của huyện Long Mỹ (Hậu Giang). Trong những thời khắc đấu tranh gian khổ, tưởng chừng khó vượt qua, nhưng Ðảng bộ, quân và dân xã vẫn một lòng tin tưởng vào Ðảng, Bác Hồ, kiên trì, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu kiên cường để đánh thắng kẻ thù. Và trong thời kỳ kiến thiết, xây dựng quê hương, niềm tin đó vẫn được lưu truyền và phát huy...
Xã Lương Tâm là một trong những xã giàu truyền thống cách mạng của huyện Long Mỹ (Hậu Giang). Trong những thời khắc đấu tranh gian khổ, tưởng chừng khó vượt qua, nhưng Ðảng bộ, quân và dân xã vẫn một lòng tin tưởng vào Ðảng, Bác Hồ, kiên trì, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu kiên cường để đánh thắng kẻ thù. Và trong thời kỳ kiến thiết, xây dựng quê hương, niềm tin đó vẫn được lưu truyền và phát huy…
Sáng mãi niềm tin
Trong không khí rộn ràng của những ngày cả nước đang chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Quốc khánh 2-9, chúng tôi có dịp về xã Lương Tâm – vùng căn cứ cách mạng kháng chiến cũ. Không khí nơi đây khá tất bật. Các bạn trẻ thì lo chuyện đồng áng, các cụ già thì “nhóm ba, nhóm bảy” với những câu chuyện đầy cảm động về Bác, về tinh thần chiến đấu với hào khí cách mạng hừng hực của một thời đấu tranh gian khổ để có được ngày hôm nay.
Ông Lê Văn Thống (tức Tư Thống), cán bộ hưu trí ở ấp 8, xã Lương Tâm kể rằng: Năm 1959, địch triển khai chiến dịch bình định nông thôn, xây dựng nhiều đồn bót. Ngày nào cũng vậy, lớp máy bay bố, đại bác bắn, bộ binh của địch thì càn quét. Vậy mà nhân dân vẫn bám đất, bám làng “một tấc không đi, một ly không dời”, một lòng tin tưởng theo Ðảng, Bác Hồ và có chung một niềm tin là sẽ giành độc lập, thống nhất đất nước. Nhắc đến những kỷ niệm về Bác Hồ, dì Nguyễn Thị Út (82 tuổi ở ấp 3) kể: Lúc đó, chú Tư Thống tham gia công tác ở văn phòng Xã ủy Lương Tâm, còn dì phụ trách công tác phụ nữ. Ðích thân chú Tư đi vận động bà con gom lúa để mua cho được cái “ra-đi-ô” về nghe tin tức và đặc biệt là nghe giọng Bác chúc Tết trên đài mỗi dịp xuân về… Nhưng khi kể đến đoạn hay tin Bác mất, giọng dì Út nghèn nghẹn không còn nghe rõ nữa. Chú Tư Thống tiếp lời: “Lúc đó, ai cũng khóc trước sự ra đi đột ngột của Bác. Với nỗi đau buồn vô hạn ấy, ai cũng tự hứa với Bác sẽ quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược”.
Ðể tỏ lòng tôn kính và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong xã, chú Tư được giao nhiệm vụ lấy ảnh của Bác in trên tờ giấy bạc 5 đồng để làm ảnh thờ. Nhưng vì hình quá mờ phải nhờ người đi qua Rạch Giá mua kính lúp về soi cho rõ để chú họa hình của Bác. Sau khi có ảnh, nhân dân trong xã đã tổ chức lễ truy điệu Bác. Mùa hè năm 1972, địch mở nhiều đợt càn quét quy mô, tập trung bom pháo đánh phá ác liệt địa bàn Long Mỹ. Cơ quan Ðảng ủy xã Lương Tâm bị bom pháo Mỹ đánh sập phải dời đi nơi khác, bàn thờ của Bác được lập lại và vẫn tổ chức các ngày lễ kỷ niệm Bác hằng năm (ngày sinh nhật, lễ giỗ và Tết Nguyên đán). Trong những thời khắc đó, chính niềm tin ấy, tinh thần đó, dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã giúp quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ, kiên trì, bền bỉ, chiến đấu đến ngày giành thắng lợi hoàn toàn.
Sau giải phóng, qua ba lần xây dựng và trùng tu, mở rộng, Ðền thờ Bác Hồ đã được công nhận di tích lịch sử – văn hóa quốc gia vào năm 2000, trở thành một công trình tưởng niệm Bác, đồng thời là trung tâm văn hóa – thể thao và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong vùng. Hằng năm, cứ đến ngày sinh nhật, lễ giỗ Bác, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và nhân dân trong xã đều đến viếng Bác.
Ðồng lòng xây dựng quê hương
Sau giải phóng, cả vùng Long Mỹ có hơn 70% diện tích đất sản xuất bị nhiễm mặn, chỉ làm được một vụ lúa mùa, nhưng năng suất rất thấp, mỗi công chỉ 15-20 giạ lúa. Giao thông chủ yếu bằng ghe, xuồng; hệ thống trường, trạm thiếu thốn mọi bề, ngay cả trụ sở xã Lương Tâm cũng bằng cây lá tạm bợ. Ðời sống người dân rất khó khăn. Tuy nhiên, qua phong trào làm thủy lợi nội đồng, đắp đê ngăn mặn, giúp tháo úng, rửa phèn, rồi đưa vào sử dụng những giống mới, ứng dụng kỹ thuật canh tác… đã giúp bà con sản xuất được ba vụ lúa mỗi năm, năng suất tăng gấp ba lần so với trước.
Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình, anh Vũ, cán bộ nông nghiệp xã nói rằng: Khoảng từ năm 2000 trở lại đây, ngoài phát triển cây lúa thuận lợi, địa phương cũng xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả. Ðiển hình như mô hình trồng hẹ của hộ ông Trần Công Nghiệp, ở ấp 9. Chỉ với hơn 1.000 m2 trồng hẹ theo mô hình màng phủ, mỗi năm cho thu nhập gần một trăm triệu đồng. Hay mô hình nuôi ba ba của hộ ông Nguyễn Văn Hưởng ở ấp 8, cũng với diện tích ao nuôi như thế, mỗi năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng…
Ông Lê Văn Hiện, ở ấp 4 là một trong những gia đình tiêu biểu, luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Dù luôn bận rộn với 30 công lúa, ông vẫn dành thời gian chăm chút cảnh quan chung quanh nhà. Năm 2012, gia đình ông đạt giải ba cuộc thi “Mô hình có cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp” cấp huyện. Ông Hiện cho biết: “Bây giờ đường sá thông thương, có điện đầy đủ, chuyện đi lại, học hành thuận lợi, không còn lo cái ăn, cái mặc, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, trình độ dân trí cũng được cải thiện. Ðây là niềm tự hào chung của nhân dân địa phương chúng tôi, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”. Theo Chủ tịch UBND xã Lương Tâm Nguyễn Thành Lập, hiện toàn xã không còn nhà tạm, nhà kiên cố chiếm gần 50%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,9%. Năm 2010, Lương Tâm được công nhận là xã văn hóa và hiện đang tích cực đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm nay, xã sẽ hoàn thành 9 tiêu chí (đã có 5 tiêu chí được công nhận)…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()