Chuyện những phó bí thư đảng ủy xã mang quân hàm xanh
Thiếu tá Trần Xuân khánh họp giao ban với các cán bộ xã Tung Chung Phố. Tỉnh Lào Cai hiện có tám đồng chí bộ đội biên phòng (BĐBP) đang giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Thực tế cho thấy, những nơi có BĐBP xuống tăng cường và tham gia cấp ủy cơ sở đã giúp địa phương nơi đó phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; hằng năm kết nạp được 80 đến 90 đảng viên là người dân tộc thiểu số...Ở xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, nơi mà mọi người vẫn gọi là 'ốc đảo hai mùa mưa nắng' cũng có một 'ngôi sao xanh'. Một ngôi sao mà mỗi khi nhắc đến ai cũng quý mến và cảm phục, đó là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã. Tuy gặp anh Thanh lần đầu nhưng chúng tôi cảm thấy ở anh sự gần gũi, năng động và am hiểu về công tác dân vận... Có được điều đó, theo anh Thanh, phần lớn là nhờ khoảng thời gian dài 'ba cùng'...
|
Ở xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, nơi mà mọi người vẫn gọi là 'ốc đảo hai mùa mưa nắng' cũng có một 'ngôi sao xanh'. Một ngôi sao mà mỗi khi nhắc đến ai cũng quý mến và cảm phục, đó là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã. Tuy gặp anh Thanh lần đầu nhưng chúng tôi cảm thấy ở anh sự gần gũi, năng động và am hiểu về công tác dân vận… Có được điều đó, theo anh Thanh, phần lớn là nhờ khoảng thời gian dài 'ba cùng' với bà con các dân tộc huyện Mường Khương. Năm 1989, đồng chí Thanh lên công tác tại Đồn biên phòng Bản Lầu. Tại đây, anh đã có ba năm làm thầy giáo dạy chữ cho 167 học sinh ở thôn Na Lốc. 10 năm sau, anh chuyển công tác về Đồn biên phòng Tả Gia Khâu và được tăng cường xuống xã Dìn Chin làm cán bộ tham mưu cho cấp ủy trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng. Năm 2009 Huyện ủy chỉ định cán bộ Thanh làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dìn Chin và tại Đại hội Đảng bộ xã vừa qua, anh được bầu vào BCH Đảng bộ với số phiếu cao… Trong quá trình làm cán bộ tăng cường và giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã, bằng kiến thức và kinh nghiệm công tác của mình, đồng chí Thanh đã từng bước giúp bà con nơi đây cải thiện đời sống; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ xã; xây dựng vững chắc và toàn diện hệ thống chính trị cơ sở… Trong trồng trọt, chăn nuôi anh tích cực hướng dẫn bà con trồng các giống cây hoa quả lê, mận, đào; trồng ngô lai năng suất cao; thâm canh cây lúa bằng cách lợi dụng khi trời mưa xuống là gieo mạ; chăn nuôi gia súc, gia cầm… Một kỷ niệm và cũng là bài học kinh nghiệm mà anh nhớ mãi: Trong quá trình làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, một lần xuống thôn Sín Chải A kiểm tra việc trồng ngô lai, anh đã chứng kiến hai hộ dân tranh chấp đất trồng ngô, lời qua tiếng lại rất căng thẳng. Biết tiếng dân tộc, đồng chí Thanh đã khéo léo hòa giải, đồng thời trích một phần tiền lương của mình ra mua phân bón, ngô giống để tặng hai hộ. Việc làm đó của anh đã giúp hai gia đình hòa giải với nhau. Sau câu chuyện đó, bà con trong xã thường gọi anh bằng cái tên trìu mến 'ngôi sao xanh của Dìn Chin'.
Về tới Đồn biên phòng Pha Long, huyện Mường Khương, Thiếu tá Ngô Tiến Tứ vẫn không rời chiếc điện thoại di động để trò chuyện với chúng tôi. Mỗi khi kết thúc cuộc điện thoại này thì tiếp tục có cuộc điện thoại khác gọi đến. Hỏi ra mới biết đó là những cuộc gọi trao đổi công việc của các cán bộ, đoàn thể xã Pha Long với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã. Biết chúng tôi đang tò mò về công việc của mình, anh vui vẻ đáp: Các nhà báo đợi mình một lát là sẽ hiểu ngay thôi… Sau một tuần trà nóng trong cái giá lạnh của đêm biên cương, anh Tứ bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cái duyên làm cán bộ xã tăng cường của mình. Cách đây bốn năm, anh được Huyện ủy Mường Khương chỉ định làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Pha Long. Pha Long là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh, người Mông chiếm 82% số dân. Ở đây vẫn còn một số hủ tục như: Tảo hôn, ma chay, cưới hỏi dài ngày… Trước tình hình đó, đồng chí Tứ đã nhiều đêm thức trắng với mong muốn giúp bà con nơi đây sớm thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Suy nghĩ đó đã thôi thúc anh Tứ tìm hiểu phong tục, tập quán của các dân tộc, đồng thời nâng cao các kiến thức về nông nghiệp, nông thôn để giúp bà con phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Năm 2006, anh Tứ mạnh dạn đưa cây dứa về thôn Tả Hồng Thắng trồng thử nghiệm, nhưng cây không hợp thổ nhưỡng, cho nên kết quả thu được không cao. Không nản chí, anh lại cùng bà con đưa giống ngô lai 838 vào trồng thử. Thật bất ngờ, cây ngô đã cho sản lượng cao, đạt 35 tạ/ha. Sau vụ ngô, để giúp các hộ có thêm thu nhập và bổ sung nguồn cỏ dự trữ cho gia súc, đồng chí Tứ và tập thể cấp ủy hướng dẫn bà con bước đầu trồng gần 40ha cây đậu tương, bảy ha cỏ voi. Một việc làm của đồng chí Tứ khiến bà con trong xã nhớ mãi là, khi thấy nhiều nhà ở, chuồng trại, nhà vệ sinh của các hộ không bảo đảm vệ sinh, Thiếu tá Ngô Tiến Tứ cùng với cấp ủy, chính quyền xã vận động được 70% số hộ (244 hộ) gia đình trong xã dịch chuyển chuồng trại và nhà vệ sinh ra xa nhà ở; xóa 37 nhà tạm, dột nát cho các hộ nghèo theo diện 167, trong đó có sáu hộ đặc biệt khó khăn…
Với Thiếu tá Trần Xuân Khánh, những ngày đầu nhận chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, trong đầu anh luôn đặt ra rất nhiều câu hỏi như: Mình sẽ làm gì ở cương vị này? Phải làm gì để giúp bà con xóa bỏ hủ tục, vươn lên thoát nghèo? Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cộng với kinh nghiệm từng là cán bộ tăng cường tại xã Tả Ngải Chồ, anh đã tham mưu cho Đảng ủy xã yêu cầu đảng viên là các cán bộ nòng cốt của xã xuống sinh hoạt tại các chi bộ nông thôn. Riêng đồng chí Khánh xung phong xuống sinh hoạt tại chi bộ Lũng Pâu. Đây là một chi bộ ghép gồm 15 đảng viên, cách trung tâm xã 13 km. Theo đồng chí Tráng Mìn Phà, Trưởng thôn Lũng Pâu 1, cách nghĩ, cách làm của đồng chí Khánh không chỉ giúp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ mà còn giúp cán bộ xã hiểu rõ hơn hoàn cảnh mỗi hộ, mỗi đảng viên và nắm chắc tình hình kinh tế – xã hội của địa phương. Bởi vậy, các nghị quyết mà chi bộ đưa ra đều bám sát với yêu cầu thực tiễn của từng thôn. Đặc biệt, trong quá trình tham gia cấp ủy, đồng chí Khánh đã trực tiếp giúp đỡ, bồi dưỡng kết nạp được 32 đảng viên trẻ. Trong đó, số đảng viên là người dân tộc thiểu số mới được kết nạp chiếm 60%. Không dừng lại ở việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát triển đảng viên, đồng chí Khánh còn thường xuyên đi bộ đến từng thôn để phổ biến kiến thức về nông nghiệp cho bà con bằng tiếng dân tộc… Xã Tung Chung Phố từ chỗ chỉ trồng một vụ ngô, một vụ lúa thì nay đã trồng ngô lai hai vụ; số hộ nghèo đã giảm xuống còn 42%. Số hộ có mức thu nhập từ 20 đến 25 triệu/năm từ trồng trọt và chăn nuôi ở các thôn ngày càng nhiều…
Qua câu chuyện về những đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã vùng cao biên giới đã giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn phẩm chất của những Bộ đội Cụ Hồ mang quân hàm xanh: 'Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt'.
Theo Nhandan
Ý kiến ()