Chuyện những người giữ nghề đông y truyền thống
LSO-Từ những bài thuốc gia truyền của cha ông để lại, các thầy thuốc chữa bệnh bằng phương pháp đông y truyền thống của Lạng Sơn hiện đang kế thừa, duy trì và phát triển nghề. Qua đó góp một phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thầy thuốc đông y Nông Quang Linh, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình cắt thuốc cho khách |
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”, ngày nay rất nhiều thế hệ thầy thuốc chữa bệnh cứu người, đặc biệt là các thầy thuốc chữa bệnh bằng phương pháp đông y truyền thống, trong đó có các thầy thuốc đông y Lạng Sơn luôn coi lời dạy của Bác như kim chỉ nam cho suốt quãng đời hành nghề y dược của mình…
Thầy thuốc đông y Nông Quang Linh, hội viên Hội Đông y huyện Lộc Bình được ông cụ bên vợ dạy nghiên cứu về cây thuốc và truyền nghề chữa bệnh. Hiện ông có bài thuốc thanh nhiệt, giải độc, nhuận gan, lợi mật. Ngoài ra, còn có bài thuốc chữa các bệnh về viêm khớp mãn tính, xơ gan cổ chướng… Ông chia sẻ: Ngay từ lúc học nghề, tôi được dạy rằng, khi chữa cho bất kì bệnh nhân nào cũng phải cẩn trọng từ khâu khám bệnh đến chọn từng vị thuốc rồi lượng thuốc cho từng thang. Chính vì vậy, khi khám, bắt mạch cho bệnh nhân phải chẩn đoán được 75% bệnh tôi mới cấp thuốc điều trị. Bởi tôi quan niệm, đơn thuốc do mình viết ra mình phải chịu trách nhiệm đến khi bệnh nhân khỏi bệnh mới thôi… Đặc biệt, điểm quan trọng nhất của chữa bệnh bằng đông y chính là phải tìm ra căn nguyên, bản chất, vị trí bệnh và tương quan giữa “chính khí” (sức chống bệnh) và “tà khí” (tác nhân gây bệnh), vì có những trường hợp cùng một bệnh nhưng tùy từng bệnh nhân mà phương pháp điều trị lại khác nhau. Và dường như trong đông y không có công thức chung cụ thể cho một bệnh nào vì tùy vào thể trạng của từng người, thầy thuốc sẽ phải tăng giảm các vị thuốc khác nhau để làm “cân bằng chỉnh thể” hướng tới đích chữa khỏi bệnh tận gốc…
Cùng là chữa bệnh bằng phương pháp đông y truyền thống, thầy thuốc đông y Hoàng Sình, Chủ tịch Hội Đông y phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn lại có bài thuốc gia truyền và những câu chuyện nghề ấn tượng riêng… Năm 1980, sau 16 năm rời quân ngũ trở về, ông bị bệnh thoát vị đĩa đệm và vôi hóa cột sống. Với bài thuốc gia truyền của bà ngoại, ông Sình đã khỏi bệnh. Từ đó, quyết tâm theo nghề thuốc của ông ngày càng mạnh mẽ hơn. Ông tâm sự: Gia đình có nghề bốc thuốc Nam, vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, tôi cũng đã theo bà, theo mẹ lên rừng tìm hái thuốc. Thế rồi, trong suốt khoảng thời gian đi bộ đội, thời điểm đóng quân ở Hòa Bình, tôi lại thường xuyên đi hộ hái cây thuốc cho người Mường để vừa tìm hiểu và học hỏi thêm về cây thuốc…
Hiện nay, ông Sình có thể chữa được các bệnh như: chấn thương vết thương, cầm máu; chữa vô sinh ở cả nam và nữ; chữa vôi hóa cột sống, chữa viêm thận từ một số cây thuốc như: cây gối hạt, cây lạc lìu…
Câu chuyện nghề được ông Sình nhớ nhất là khoảng năm 2002, có một bệnh nhân ở Thái Bình, từ một gói thuốc của ông đã hồi phục, trong khi trước đó bệnh nhân đã chữa trị ở rất nhiều bệnh viện, mất đến cả tiền tỷ mà vẫn không đi lại được… Sau đó, bệnh nhân trực tiếp gặp ông nhờ khám và lấy thêm thuốc uống. Bệnh nhân khỏi bệnh, ông mừng lắm và coi đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của nghề… Đến nay, khi truyền nghề thuốc cho con trai, ông luôn căn dặn người thầy thuốc quan trọng nhất là phải chẩn đoán đúng bệnh, khi chữa phải thường xuyên theo dõi để có những điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt, nghề y đức sẽ phải học suốt đời, học đến khi dừng nghề mới thôi…
Những thầy thuốc đông y của Lạng Sơn mỗi người có một cái duyên đến với nghề khác nhau, tuy nhiên, tất cả đều vì mong muốn mang lại sức khỏe và chữa khỏi bệnh cho mọi người. Thêm vào đó là sự tâm huyết, yêu nghề, quyết tâm theo nghề và mong muốn tiếp tục truyền nghề cho các thế hệ con cháu để cùng tiếp nối, phát huy, phát triển và bảo tồn các bài thuốc hay, cây thuốc quý- món quà vô giá mà các thế hệ cha ông đi trước đã để lại.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()