Chuyện những người “cõng” vốn đến vùng khó
– Đối với những người làm công tác tín dụng ở Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bình Gia, khó khăn của cán bộ ngân hàng không chỉ là vượt qua địa hình hiểm trở, gập ghềnh… mà còn là việc làm sao để tuyên truyền, đưa vốn đến tận tay người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa.
Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện giới thiệu với người dân thôn Bản Chúc, xã Thiện Thuật về các chương trình cho vay
Những ngày cuối tháng 12/2022, trong tiết trời se lạnh, chúng tôi có dịp đi thực tế cùng cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bình Gia tới giao dịch tại xã Hưng Đạo, xã đặc biệt khó khăn của huyện, cách trung tâm thị trấn Bình Gia khoảng 50km. Để đến được trụ sở UBND xã, chúng tôi phải vượt qua những khúc cua nhỏ hẹp, ổ gà ổ voi rải rác dọc đường. Cảm giác rung lắc dữ dội khiến tôi không khỏi đổ mồ hôi hột, nhưng các cán bộ tín dụng nơi đây lại rất vui vẻ cười nói rôm rả trên xe. Trong suốt chuyến đi, hình ảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là những cánh rừng quế, rừng keo xanh bạt ngàn, hút tầm mắt trên những sườn đồi hai bên đường. Những đồi trọc, đồi cây bụi để hoang trước kia đã được người dân phủ xanh bằng rừng. Để người dân có vốn phát triển lâm nghiệp, không thể không nhắc tới công sức thầm lặng của các cán bộ làm công tác tín dụng ở nơi đây.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ ròng rã, chúng tôi đã đến được điểm giao dịch xã Hưng Đạo. Tranh thủ trò chuyện với chúng tôi lúc chưa vào việc, anh Trần Văn Quý, cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, người đã gắn bó với công tác tín dụng vùng khó gần 15 năm chia sẻ: “Hạ tầng giao thông của các xã vùng ba nơi đây còn nhiều thiếu thốn, trời nắng ráo thì đường bụi còn trời mưa thì trơn trượt, lầy lội. Nhiều con đường bị hư hỏng nặng hoặc đường đất khiến cho việc đi lại gặp không ít khó khăn như các xã: Yên Lỗ, Quý Hòa, Hoa Thám…Đi mãi rồi cũng quen, không đi giao dịch được bằng ô tô thì chúng tôi đi nhờ xe máy cùng người dân hoặc đi bộ. Làm tín dụng ở những xã vùng ba, trong túi chúng tôi lúc nào cũng chuẩn bị ủng và áo mưa. Điều khó khăn nhất mà chúng tôi luôn trăn trở đó là làm sao tuyên truyền cho bà con hiểu được các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, từ đó, người dân mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ có hướng làm kinh tế, nhưng lại sợ không trả được gốc, lãi; những hộ đủ tiêu chuẩn vay, lại không dám vay. Trong những năm công tác, không biết bao nhiêu lần tôi cùng cán bộ tín dụng khác đã phải “cắm bản” cùng ăn, cùng ngủ tại thôn, bản để tuyên truyền về các chính sách vay vốn ưu đãi và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm hồ sơ, thủ tục vay.”
Người dân xã Tân Văn chăm sóc vườn thanh long (được phát triển từ nguồn vốn vay ưu đãi)
Với nam đã vất vả, các nữ cán bộ tín dụng lại càng khó khăn hơn trong việc “cắm bản”, tuy nhiên không vì thế mà họ nản lòng hay chậm trễ việc tuyên truyền về các chương trình tín dụng tới người dân. Chị Hoàng Thị Hè, cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện chia sẻ: Tôi được giao phụ trách 4 xã trên địa bàn huyện. Nhiều xã có nợ quá hạn cao, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, người dân ý thức chưa tốt trong việc chấp hành nghĩa vụ trả nợ và cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng chưa thực sự vào cuộc. Trước thực tế đó, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu phong tục tập quán của người dân trên địa bàn phụ trách, tiếp cận để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhất là việc phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, tranh thủ tình cảm, sự quan tâm của các tổ chức hội nhận ủy thác và cấp ủy, chính quyền cơ sở để xây dựng mối quan hệ phối hợp bền chặt, từ đó, từng bước triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Cứ thấy bà con ăn nên làm ra, phát triển tốt các mô hình kinh tế là chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, động lực để ngày càng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Trong suốt quá trình đồng hành với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, các cán bộ tín dụng luôn theo dõi và xử lý kịp thời nợ đến hạn, thông qua các buổi họp giao ban với hội, đoàn thể tại địa phương; xem xét, kiểm tra hồ sơ để nắm tình hình, khả năng thu hồi nợ, tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức trả nợ của các hộ vay, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Ông Lê Nguyên Nhung, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Hiện nay, Phòng Giao dịch huyện có 1 tổ trưởng tín dụng và 4 cán bộ tín dụng. Để người dân tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi phân công mỗi cán bộ tín dụng phụ trách 4 đến 5 xã. Cán bộ ngân hàng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội nhận ủy thác và tổ tiết kiệm và vay vốn vận dụng nhiều hình thức để truyền tải các chương trình cho vay đến từng hộ dân; thực hiện nhanh, chính xác quy trình bình xét, xác nhận đối tượng và hỗ trợ người vay hoàn thành các thủ tục để sớm giải ngân nguồn vốn. Trong suốt quá trình đồng hành với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, cán bộ ngân hàng luôn theo dõi và xử lý kịp thời nợ đến hạn, thông qua các buổi họp giao ban với hội, đoàn thể tại địa phương xem xét, kiểm tra hồ sơ để nắm tình hình, khả năng thu hồi nợ, tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức trả nợ của các hộ vay, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Nhờ đó, tỷ lệ thu nợ, thu lãi hằng năm luôn đạt 99%.
Ông Viên Văn Ân, thôn Tồng Nộc, xã Thiện Long cho biết: Đối với gia đình thuần nông như gia đình tôi thì vốn vay ưu đãi của ngân hàng là rất cần thiết nhưng lại chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất. Năm 2019, nhờ cán bộ ngân hàng động viên, tận tình hướng dẫn nên tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để chăm sóc 4 ha rừng quế và keo. Trong quá trình sử dụng vốn, cán bộ luôn kiểm tra, hướng dẫn tôi sử dụng vốn vay hiệu quả. Năm 2022, gia đình tôi bán gần 1 ha keo và thu về gần 100 triệu đồng, có vốn tôi đầu tư trồng thêm 2 ha keo và quế.
Không chỉ ông Ân, những năm qua, hàng nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để phát triển các mô hình như: trồng rừng (thông, keo, quế…), chăn nuôi (trâu, bò, lợn,…) và trồng cây ăn quả (quýt, bưởi,..). Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị giải ngân vốn được 133,7 tỷ đồng với 2.296 lượt hộ vay, qua đó, nâng tổng dư nợ các chương trình cho vay ưu đãi hiện nay lên 323,6 tỷ đồng, tăng 48,1 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021 với 7.368 khách hàng còn dư nợ.
Từ năm 2018 đến nay, nguồn vốn cho vay ưu đãi của ngân hàng đã giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 1.500 lao động… Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân từ 3 đến 5%/năm. Xuất phát từ cái tâm với nghề, những người làm công tác tín dụng trên địa bàn huyện Bình Gia đã và đang trở thành “nhịp cầu” dẫn vốn đến người nghèo, đối tượng chính sách khác.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh cho biết: “Bình Gia là huyện nghèo của tỉnh với 11 xã đặc biệt khó khăn. Khác với các huyện khác, hạ tầng giao thông của các xã vùng ba nơi đây còn nhiều thiếu thốn, đường sá đi lại rất khó khăn. Mặc dù lực lượng cán bộ tín dụng mỏng nhưng xuất phát từ cái tâm với nghề, thấu hiểu và chia sẻ khó khăn cùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, các cán bộ tín dụng tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bình Gia vẫn quyết tâm bám địa bản, vượt qua những cung đường khó đưa nguồn vốn ưu đãi về thôn, bản để góp phần giảm nghèo trên địa bàn huyện. Đây cũng là 1 trong 3 phòng giao dịch huyện có dư nợ cho vay chương trình hộ nghèo lớn toàn tỉnh. Nguồn vốn cho vay đã giúp cho hộ nghèo ở xã vùng ba có điều kiện phát triển sản xuất, yên tâm phát triển kinh tế, không để hộ nghèo thiếu vốn”.
Chuyến đi cùng những cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bình Gia khiến tôi chợt nhớ tới lời bài hát “Em đi làm tín dụng” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý “…, Sương đêm chưa tan và bước chân cán bộ đã lên đường/Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng…/Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ…”. Những bước chân ấy vẫn miệt mài tiếp tục hành trình “cõng vốn” đến từng thôn, bản xa xôi giúp người nghèo xua đi nghèo đói, lạc hậu… Tin tưởng rằng, mỗi mùa xuân sang, sẽ có thêm hàng nghìn người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Ý kiến ()