LSO-Những năm 80 của thế kỷ trước, người Hà Tây (Hà Nội ngày nay) đến Chi Lăng xây dựng vùng kinh tế mới. Họ mang đến vùng đất huyền thoại một loại cây ăn quả, mà lúc đó chẳng ai dám nghĩ vài chục năm sau nó lại trở thành một loại cây ăn quả đặc sản, nức tiếng trong cả nước. Chuyện về cây na dai Chi Lăng thì nhiều người biết, ngày 13/9/2011, na Chi Lăng được trao quyền quản lý nhãn hiệu, thêm một loại đặc sản Xứ Lạng có cơ hội vươn tầm quốc tế. Nhưng có chuyện không nhiều người biết, đó là trong lúc na Chi Lăng đứng trước nguy cơ thoái hóa, sâu bệnh, giảm chất lượng sản phẩm… thì ở Làng Ngũa, xã Chi Lăng, một nông dân đã bỏ hàng chục triệu đồng và kiên trì hơn 1 năm trời để đổi lấy công nghệ chăm sóc và thụ phấn cho na.
Nông dân Chi Lăng tỉa cành na
Sau hàng chục năm cho sản phẩm, năm 2005, vườn na của lão nông Phan Văn Liện cứ cao lều nghều, quả thì vẹo vọ, không còn căng tròn như vài năm trước đây. Chẳng phải riêng nhà ông Liện, mà cả vùng na trên địa bàn huyện Chi Lăng, từ thị trấn Đồng Mỏ đến xã Chi Lăng, các vườn na cứ dần thoái hóa. Sâu bệnh thì nhiều, cơ quan chuyên môn vừa nghiên cứu, khống chế được loại này, lại xuất hiện loại mới. Năng suất quả giảm đã đành, chất lượng của quả cũng giảm hẳn, giá thành chẳng còn được như xưa. Nguy cơ thoái hóa vườn na cứ lớn dần lên cùng với nỗi niềm của người nông dân. Năm 2006, vài trăm gốc na của gia đình ông Liện chỉ còn cho thu nhập vẻn vẹn có 14 triệu đồng. Cũng thật tình cờ, vụ na năm đó, khách qua đường thấy na nhà ông xấu quá bèn mách, ở khu vực Đông Triều, Quảng Ninh cũng có vùng trồng na, diện tích không nhiều nhưng họ có công nghệ hay lắm, làm quả na to, tròn đều tăm tắp mà cây cũng khỏe mạnh, mập mạp chứ không cao nghều như ở đây. Như bắt được vàng, ông Liện líu ríu hỏi qua loa được vài địa chỉ ở khu vực ấy, rồi vài ngày sau ông lẳng lặng lên đường “tầm sư”.
Nhắc đến chuyện này, vợ ông Liện, bà Tiền Thị Đại giận ra mặt: biết các chú định viết về ông ấy, tôi chẳng gọi về làm gì, cả vụ na được 14 triệu đồng ông ấy cầm đi biền biệt. Nói thì nói vậy, nhưng nhắc đến công nghệ chăm sóc và thụ phấn cho na thì bà cũng tự hào lắm: dăm bữa, nửa tháng ông ấy mới về nhà một lần rồi lại đi ngay, cứ thế ròng rã cả năm trời, rồi thì cũng học được cái hay của người ta. Ngày đầu mới đến Đông Triều, lần theo vài địa chỉ hỏi được từ người khách qua đường, ông Liện “lân la” làm quen. Nhà nông được tính xởi lởi, thấy khách phương xa, dù chưa quen nhưng cũng ân cần lắm. Thế mà sau vài ngày, biết ông có ý định học hỏi công nghệ về na, họ cảnh giác ra mặt. Thì công nghệ họ cũng phải mất hàng chục năm trời mới đúc kết được, dễ gì truyền lại cho người lạ! Chủ nhà chưa chịu truyền kinh nghiệm thì ông Liện dùng “chiến thuật”… lỳ. Thực hiện phương châm “3 cùng”, ăn, ở và làm cùng gia đình chủ nhà. Thế rồi, chẳng hiểu quý nhau thế nào, ông và gia chủ nhận nhau làm anh em kết nghĩa. “Chiến dịch” lùng công nghệ của ông Liện có bước tiến triển mới. Dăm bữa, ông anh kết nghĩa lại thích cái thớt nghiến, khi lại thấy bình rượu hay hay… Những lúc ấy ông Liện lại lọc cọc về nhà, rồi sang cả tỉnh khác, mua bằng được những thứ ấy, “chiều” ông anh. Hết tiền thì thi thoảng qua nhà lấy. Đang kể rôm rả mà cứ nhắc tới đoạn này là vợ ông ấm ức: cả 1 năm trời chẳng giúp gì được gia đình, thế mà, thì thoảng còn mang tiền đi.
Khi đã thân thiết, người ta cũng không còn cảnh giác, đến mùa họ cứ thực hiện chăm sóc na như bình thường. Không bỏ lỡ cơ hội, ông Liện vừa giúp họ làm vườn vừa để ý từng chi tiết một. Thế rồi, vừa hết vụ na năm sau, ông trở về. Việc đầu tiên ông làm là…chặt phéng hết những cành, những thân na cao lều nghều trong vườn, vợ ông lúc đầu cũng hoảng, nhưng rồi thì cũng tin chồng. Còn cả thôn Làng Ngũa thì cứ bàn tán ầm cả lên, có người bảo: phen này ông Liện không dám thò mặt ra cổng, tưởng học được gì hay, hóa ra về chặt vườn na. Ông Liện thì tỉnh bơ: cứ chờ xem! Chỉ sau có vài tháng, những cây na đã tỉa cành của gia đình ông bắt đầu đâm chồi, nảy lộc, không vút lên nữa là lúp xúp, mập mạp. Những lời dị nghị bớt dần. Rồi, đến mùa ra hoa, ông lại dùng “bí quyết” đã học được, tỉ mẩn từng gốc hết ngó nghiêng rồi lại chấm chấm từng cánh hoa. Vụ na năm ấy, cả dân Làng Ngũa ai qua cũng ghé xem na nhà ông Liện, quả to, tròn đều tăm tắp, cây lại thấp, mập, chỉ cần giơ tay là hái được quả. Vụ na ấy, ông Liện thắng to, bán được hơn 30 triệu đồng tiền na. Cả làng trầm trồ, xuýt xoa. Rồi người ta học theo ông.
Chị Phùng Thị Lầu, nhà ngay gần đó, nhanh nhạy áp dụng luôn. Tính về trồng na, thì nhà chị trồng gần như sớm nhất, diện tích cũng nhiều, tới hơn 600 gốc. Chị áp dụng công nghệ ngay cho toàn bộ diện tích ấy. Hiệu quả thì năm sau doanh thu đã tăng gấp đôi, cây na cũng hồi phục rất nhanh, sâu bệnh giảm hẳn. Cứ thế, cái công nghệ của ông Liện mang về được người Làng Ngũa đồng loạt áp dụng. Cơ quan chuyên môn vào cuộc, nghiên cứu rồi phổ biến đại trà. Vùng na Chi Lăng lại căng tràn sức sống. Năm 2010, 2011, na Chi Lăng đạt sản lượng đột phá, chỉ tính riêng ở xã Chi Lăng, sản lượng đạt trung bình 1.500 tấn, doanh thu đạt khoảng 18 tỷ đồng mỗi năm. Tính cả huyện, với trên 1.100ha na, doanh thu trung bình trong 2 năm trở lại đây đạt vài chục tỷ đồng. Vùng na Chi Lăng vẫn tiếp tục có những bước phát triển mới, sản phẩm không chỉ nức tiếng trong nước mà đang vươn ra ngoài nước. Trong tiến trình của sự phát triển ấy, hẳn sẽ chẳng ai quên, ở Làng Ngũa, xã Chi Lăng năm ấy, có người nông dân với dáng người nhỏ nhắn đã chẳng tiếc công sức, tiền bạc, không quản đường sá xa xôi để mang công nghệ về với vùng na trên mảnh đất anh hùng.
Ý kiến ()