Chuyên nghiệp hóa lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
Đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay đang thiếu người làm công tác lý luận, phê bình và các tài năng lý luận, phê bình chuyên nghiệp. Những khó khăn từ nhiều phương diện, khiến lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện phải đối diện với nguy cơ tụt hậu trước yêu cầu từ giới sáng tác và công chúng.
Ðang có sự phân bố không đồng đều giữa các loại hình, các cấp và vùng miền. Trong khi lĩnh vực văn học tập trung một lực lượng bảo đảm về số lượng và chất lượng thì các lĩnh vực nghệ thuật (sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, kiến trúc, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số…) thiếu cả về số lượng và chất lượng; tính chuyên nghiệp không cao và bị hẫng hụt về đội ngũ kế cận. Thậm chí chưa có cả đội ngũ phê bình âm nhạc chuyên nghiệp, dù Hội Nhạc sĩ Việt Nam có hẳn Ban lý luận-phê bình.
Dưới sức ép của “thương mại hóa”, không ít các trang báo chí văn nghệ liên tục có những bài viết thiếu khách quan, thậm chí “o bế” các cây bút cực đoan, quảng bá cho các sản phẩm văn nghệ rẻ tiền… Trong hơn 1.000 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, số người nghiên cứu âm nhạc chỉ chưa đầy 100 người.
Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật dường như không phát triển mà ngày càng đi theo chiều hướng “nghiệp dư hóa”, khen theo phong trào, phê kiểu “nói khẽ”. Báo chí văn nghệ đang thiếu các nhà phê bình chuyên nghiệp.
Dưới sức ép của “thương mại hóa”, không ít các trang báo chí văn nghệ liên tục có những bài viết thiếu khách quan, thậm chí “o bế” các cây bút cực đoan, quảng bá cho các sản phẩm văn nghệ rẻ tiền… Trong hơn 1.000 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, số người nghiên cứu âm nhạc chỉ chưa đầy 100 người.
Việc ngại dấn thân vào đời sống âm nhạc của các nhà lý luận, phê bình tạo thành một khoảng trống lớn từ nhiều năm nay. Một nhà phê bình cho biết: Lẽ nào bạn mình, chiến hữu mình ra mắt một bộ phim, một vở diễn mời mình đến xem, mà mình lại “chơi” bạn bằng một bài viết chê, “nhặt sạn” trên mặt báo! Vì một bài báo mà đánh mất quan hệ với cả một ê-kíp thì không phải người viết lý luận, phê bình nào cũng dám làm. Vậy là đành ve vuốt nhau trên công luận; còn lời chê thì chỉ diễn ra ở các buổi gặp gỡ nội bộ khi “trà dư tửu hậu”.
Việc ngại dấn thân vào đời sống âm nhạc của các nhà lý luận, phê bình tạo thành một khoảng trống lớn từ nhiều năm nay.
Trong khi đó, tình trạng giới trẻ thờ ơ với việc lựa chọn trở thành nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cũng đang đặt ra nguy cơ về đội ngũ kế cận.
5 năm qua, chuyên ngành lý luận, phê bình về múa, sân khấu, nhiếp ảnh của Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội không có nổi một bộ hồ sơ dự tuyển; khoa lý luận phê bình của Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh cũng đã “đóng cửa” nhiều năm vì không có sinh viên.
Chưa kể, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là lĩnh vực khó và mang tính đặc thù. Viết phê bình, lý luận phải là chuyên gia, phải đầu tư công sức, chất xám rất nhiều để dẫn dắt, định hướng dư luận, và trước hết là với chính người trong nghề.
5 năm qua, chuyên ngành lý luận, phê bình về múa, sân khấu, nhiếp ảnh của Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội không có nổi một bộ hồ sơ dự tuyển; khoa lý luận phê bình của Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh cũng đã “đóng cửa” nhiều năm vì không có sinh viên.
Thế nhưng thù lao đãi ngộ cho người viết lý luận, phê bình (kể cả sách về lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học, nghệ thuật) lại quá thấp so với mặt bằng thu nhập của các ngành nghề khác và hoàn toàn không giúp người viết sống được bằng nghề chứ chưa nói đến nuôi dưỡng dũng khí dám nói, dám viết, dám phê bình. Ðó là chưa tính với các chuyên ngành hẹp, công trình lý luận, phê bình được công bố thường rất ít người quan tâm.
Tình trạng thiếu vắng dần những bài viết phê bình sâu sắc, có giá trị định hướng và tầm nhìn cao… là nguyên do không ít bộ phim, vở diễn chất lượng thấp nhưng lại được đồng loạt khen theo “phong trào” trên báo chí. Các nhà báo viết về âm nhạc mặc nhiên trở thành lực lượng “gánh vác” mảng lý luận, phê bình đời sống âm nhạc, dẫn đến hiện tượng phiến diện, đôi khi lệch lạc; bình luận âm nhạc trở thành bài giới thiệu “đánh bóng” tên tuổi hoặc khai thác chi tiết đời tư của một vài nhân vật mà tài năng chưa xứng đáng, làm nhiễu loạn hệ giá trị tác phẩm trong công chúng.
Tình trạng thiếu vắng các nhà lý luận, phê bình điện ảnh giỏi cũng đang đặt ra nguy cơ thương mại hóa các giá trị của điện ảnh (trong đó có tư tưởng, thẩm mỹ và nghệ thuật) bành trướng vào các tác phẩm ngày càng nhiều, kéo theo sự lệch chuẩn, đánh mất đi định hướng phát triển.
Trước thực trạng trên, những năm qua Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan đã có nhiều giải pháp nỗ lực hỗ trợ, động viên các nhà phê bình bằng việc trao giải thưởng, tổ chức lớp bồi dưỡng, hội thảo, tọa đàm để đưa ra những nhận xét đánh giá và giải pháp… nhằm nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Mới đây nhất, tại tọa đàm “Ðội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay: Thực trạng và định hướng phát triển”, nhiều giải pháp đề xuất, kiến nghị về chính sách, hành lang pháp lý, chế độ đãi ngộ tài năng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tạo lập văn hóa phê bình, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, phê bình… đã được đưa ra nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động lý luận, phê bình đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn ở giai đoạn mới.
Mới đây, tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 (trong đó có chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng 100 chuyên gia, cán bộ chuyên môn về biên kịch, lý luận, phê bình, giám tuyển nghệ thuật, giám định viên, thuộc các lĩnh vực: điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và cổ vật…).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cao nhất trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật- đã và đang xây dựng các nghị định, quy định về đào tạo đặc thù đối với các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đặc biệt về công tác tuyển sinh và chế độ, chính sách đãi ngộ nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt.
Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Ðề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030”. Những bước đi này hy vọng sẽ từng bước giải quyết được các vấn đề cơ bản, phát triển đội ngũ lý luận, phê bình.
Ðời sống văn học, nghệ thuật đang vận động hết sức phong phú, đa dạng, rất cần vai trò định hướng của công tác phê bình. Ðiều này đang đòi hỏi bên cạnh việc nỗ lực, quyết liệt triển khai các định hướng, giải pháp đã đặt ra cần tiếp tục đổi mới, nâng cao tính chuyên nghiệp đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình, đáp ứng yêu cầu mà thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật đang đặt ra ■
Ý kiến ()