Chuyên nghiệp hóa để hội nhập
LSO-Hội nhập kinh tế quốc tế giúp doanh nghiệp khai thác được nhiều cơ hội từ bên ngoài như: thị trường, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh… Song cũng là áp lực rất lớn nếu doanh nghiệp sản xuất không quản lý, điều hành chuyên nghiệp, hiệu quả để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình trước sự cạnh tranh của sản phẩm ngoại.
![]() |
Sàng tuyển than tại Công ty Than Na Dương |
Khi hội nhập toàn diện, doanh nghiệp Việt sẽ phải tuân theo “luật chơi” chung của thế giới, đồng nghĩa với việc các sản phẩm công nghiệp sẽ chịu áp lực lớn bởi các quy định ngặt nghèo trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là thị trường trong nước được mở rộng và có sự góp mặt của nhiều sản phẩm ngoại. Do vậy, bản thân doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, nâng cao chuyên môn và nâng cấp dây chuyền công nghệ sản xuất để đủ sức cạnh tranh.
Thời gian qua, Lạng Sơn tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó phát triển. Từ đó, lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp dần phục hồi với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu… Nhiều doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng khối lượng sản phẩm sản xuất. Đồng thời xây dựng được thương hiệu sản phẩm ngang tầm quốc gia, có quy trình tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh bài bản như: Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành, Công ty Cổ phần Kim loại mầu Bắc Bộ, Công ty TNHH Bảo Long, Công ty Than Na Dương …
Qua đó, trong 9 tháng đầu năm 2016 sản xuất công nghiệp của tỉnh duy trì ổn định và có sự tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2015. Ước đến hết tháng 10/2016, một số sản phẩm chủ lực tiếp tục tăng trưởng khá như: điện thương phẩm đạt 448 triệu kWh, tăng 9,2 % so với cùng kỳ; xi măng đạt 591 nghìn tấn, tăng 12,5 %; gạch các loại đạt 124 triệu viên, tăng 16,9 %; ván bóc và sản phẩm từ gỗ rừng trồng đạt 47,5 ngàn mét khối, tăng 32,2 %…
Kết quả trên cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan, tuy nhiên sản phẩm công nghiệp của tỉnh có thương hiệu lớn, có thể đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước trong giai đoạn hội nhập như hiện nay thì còn rất hạn chế. Do vậy, nếu chỉ trông chờ vào sự đồng hành của chính quyền thôi là chưa đủ. Bản thân doanh nghiệp cần tự chủ, phát huy nội lực, chuyên nghiệp hơn nữa trong công tác quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh với chiến lược dài hơi.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để khẳng định tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì tới đây doanh nghiệp cần tích cực triển khai các giải pháp phát triển thương hiệu, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã được công nhận. Đồng thời, chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị vào quy trình sản xuất, khai thác hiệu quả các đề án khuyến công do tỉnh hỗ trợ, bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực quản lý và tay nghề cho lao động.
Theo nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thì hiện nay cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần nắm bắt tình hình kinh tế, đưa ra chiến lược cụ thể, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, đầu tư nguồn lực con người, ứng dụng khoa học kỹ thuật là những điều cần thiết phải làm ngay. Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp phải nâng cao khả năng quản trị để đủ sức trụ vững khi hội nhập.
ANH DŨNG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()