Chuyển mình Chi Ma
LSO - Hoạt động giao thương quốc tế qua cửa khẩu Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình trong năm 2013 đánh dấu bước phát triển khởi sắc
LSO – Hoạt động giao thương quốc tế qua cửa khẩu Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình trong năm 2013 đánh dấu bước phát triển khởi sắc. Theo số liệu thống kê của Chi cục thuế huyện Lộc Bình đến hết tháng 11/2013, cửa khẩu chính Chi Ma đã thu hút gần 27 nghìn lượt xe vận tải của các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới, nhờ đó nguồn thu phí bến bãi đạt con số rất cao đóng góp vào khoản thu ngân sách của tỉnh tới gần 130 tỷ đồng trong 11 tháng của năm 2013. Đến Chi Ma giờ đây bất cứ ai cũng phải bất ngờ bởi không chỉ hoạt động giao thương sôi động mà Chi Ma còn có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh tế ngày càng phát triển.
Bãi đỗ xe góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương
Khu vực cửa khẩu Chi Ma được tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng năm 2002 và được tỉnh điều chỉnh quy hoạch năm 2008 với tổng diện tích xây dựng 152 ha, trong đó khu vực trung tâm cửa khẩu đã thực hiện xong khâu giải phóng mặt bằng với diện tích 43 ha. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại cửa khẩu được tổ chức triển khai xây dựng như: đường nội bộ, nhà kiểm soát liên hợp, đoạn đấu nối đường bộ qua biên giới giữa Chi Ma (Việt Nam) và Ái Điểm (Trung Quốc), hệ thống điện, nước được đầu tư xây dựng đồng bộ đã thúc đẩy thu hút đầu tư vào cửa khẩu Chi Ma. Không những vậy, Chi Ma cũng là điểm trung chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp qua biên giới sầm uất thuận tiện nhất, nhì trong hệ thống các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay. Theo số liệu của Đồn Biên phòng Chi Ma, hiện khu vực cửa khẩu Chi Ma có 25 công ty đăng ký tham gia hoạt động buôn bán trong đó có 6 công ty chuyên nhập hàng và 19 công ty chuyên xuất hàng sang Trung Quốc. Ngoài ra, hiện cửa khẩu Chi Ma có gần 10 doanh nghiệp được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế với các dự án lên tới hàng trăm tỷ đồng, như dự án Trung tâm Thương mại của Công ty Ngọc Anh đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, trung tâm kho vận, kiểm hóa của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Thăng Long đang đi vào hoạt động… Hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa sôi động tại cửa khẩu Chi Ma còn giúp tạo và giải quyết công ăn việc làm cho phần lớn lao động tại địa phương. Ông Hoàng Văn Na, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khoái cho biết: hiện các doanh nghiệp đang hoạt động tại cửa khẩu Chi Ma đã giải quyết việc làm ước tính cho trên 300 lao động tham gia bốc xếp hàng hóa thuộc các thôn Chi Ma, Gốc Nhãn và các thôn khác trong xã có thu nhập từ 100 đến 150 nghìn đồng/người/ngày, cũng nhờ đó các dịch vụ ăn theo như nhà hàng ăn uống, cửa hàng tạp hóa phục vụ đời sống khá phát triển cũng góp phần tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân thôn Chi Ma.
Là cửa khẩu chính trong hệ thống các cửa khẩu biên giới của tỉnh Lạng Sơn, Chi Ma đã và đang dần khẳng định là cửa khẩu có tiềm năng phát triển nhanh mạnh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn hiện nay và nhiều năm tới. Trước nhu cầu phát triển, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn đã đề xuất với tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư bổ sung một số công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đã được duyệt như: mở rộng một số nhánh đường nội bộ cửa khẩu, xây dựng đường giao thông Chi Ma-Tú Mịch-Co Sa, xây dựng cổng cửa khẩu giúp Chi Ma chuyển mình và đón những vận hội mới.
Bài, ảnh: Công Quân
Ý kiến ()