Chuyển mạng giữ số: MobiFone "hụt bước" so với Vinaphone và Viettel
Theo các chuyên gia viễn thông, dịch vụ chuyển mạng giữ số được triển khai chính là thước đo về chỉ số chất lượng, sự hài lòng của người sử dụng đối với các nhà mạng. Sau hơn 5 tháng triển khai, trong ba nhà mạng lớn, nhà mạng thu hút số thuê bao chuyển đến nhiều nhất là Vinaphone và nhà mạng có thuê bao chuyển đến ít nhất là Mobifone.
Tính tới ngày 21/4, sau hơn 5 tháng triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số (MNP), đã có 354.961 thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số. |
Theo báo cáo từ Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới ngày 21/4, sau hơn 5 tháng triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số (MNP), đã có 354.961 thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số (chiếm hơn 3% tổng số thuê bao đang hoạt động trên thị trường).
Trong đó, số thuê bao chuyển mạng giữ nguyên số thành công qua lại giữa các nhà mạng Vinaphone, Viettel, Mobifone và Vietnamobile là 259.843 thuê bao.
Cụ thể, tính tới ngày 21/4, nhà mạng Vinaphone có thuê bao chuyển đến nhiều nhất, với 152.615 thuê bao, số thuê bao chuyển đi là 102.101. Tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công đạt 78,9%; tỷ lệ thuê bao chuyển đi đạt 71,4%.
Nhà mạng Viettel có số thuê bao chuyển đi nhiều nhất, với 158.902 thuê bao, số thuê bao chuyển đến đứng thứ 2, với 143.937 thuê bao. Tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công đạt 65,7%; tỷ lệ thuê bao chuyển đi đạt 85,9%.
Trong ba nhà mạng lớn Vinaphone, Viettel, Mobifone thì nhà mạng Mobifone có số thuê bao chuyển đến ít nhất, với 57.029 thuê bao; thuê bao chuyển đi là 70.774. Trong đó, thuê bao chuyển đi thành công chỉ đạt 54,3%, thuê bao chuyển đến thành công đạt 77,7%.
Nhà mạng Vietnamobile có 1.380 thuê bao chuyển đến, 23.183 thuê bao chuyển đi. Tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công là 33,3%, tỷ lệ chuyển đi thành công chỉ đạt 51,8%.
Cũng tính đến ngày 21/4, đã có hơn 72.188 thuê bao bị từ chối cung cấp dịch vụ chuyển mạng do không đáp ứng các điều kiện như sai thông tin thuê bao, đang nợ cước… Trong đó, nhà mạng Mobifone có tới 26.502 thuê bao bị từ chối, Vinaphone có 21.161 thuê bao, Viettel có 13.878 thuê bao và Vietnamobile có 10.640 thuê bao.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng phải nâng tỷ lệ thuê bao chuyển đổi thành công trong tháng 3/2019 đạt tối thiểu 90%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các nhà mạng đều chưa đạt mục tiêu tối thiểu này. Cục Viễn thông vẫn tiếp tục cập nhật công khai, thường xuyên các số liệu liên quan đến dịch vụ chuyển mạng giữ số trên trang web của Cục.
Dịch vụ chuyển mạng giữ số được thực hiện, đã tạo ra bước đột phá trong cạnh tranh cung cấp dịch vụ viễn thông, đồng thời là thước đo thực tế chất lượng dịch vụ của các nhà mạng cũng như sự hài lòng của khách hàng. Theo cơ quan quản lý và các chuyên gia viễn thông, việc thực hiện chuyển mạng giữ số đem lại khả năng lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong khi vẫn giữ được số điện thoại, xóa bỏ rào cản phải thay số điện thoại mới, gây rắc rối trong công việc và sinh hoạt của người sử dụng. Vì thế, dịch vụ này sẽ buộc doanh nghiệp di động phải tăng cường năng lực cạnh tranh của mình bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng.
Con số thuê bao đăng ký chuyển đến, chuyển đi cũng thể hiện nhu cầu, mong muốn của khách hàng sử dụng dịch vụ di động, được đánh giá là thước đo rõ nhất vị trí của các nhà mạng trong cuộc đua chuyển mạng giữ số này.
Ý kiến ()