Chuyện làm tín dụng vùng cao
(LSO) – Xuất phát từ cái tâm với nghề, thấu hiểu và chia sẻ khó khăn cùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu đã tạo động lực để những người cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập (Agribank Đình Lập) quyết tâm bám địa bàn, ngày đêm vượt những cung dường chênh vênh dốc núi đưa nguồn vốn ưu đãi về thôn, bản để góp phần giảm nghèo trên địa bàn huyện 30a.
Tôi vẫn nhớ như in chuyến thực tế cùng cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập đến thôn Him Đăm, xã Kiên Mộc cách đây vài năm. Con đường dẫn đến thôn Hin Đăm tính từ quốc lộ 4B vào khoảng 12 km. Thời điểm cuối tháng 5, bắt đầu mùa mưa, đường trơn, dốc, nhiều đoạn dựng đứng, bên núi – bên vực, có đoạn qua khe suối lổn nhổn đá hộc, chiếc xe đặc chủng 2 cầu đã lâu năm của ngân hàng luôn phải gầm rú, lắc lư, chồm lên di chuyển từng chút một. Ấy vậy mà trong xe, cán bộ ngân hàng và lái xe vẫn cười vui, nói chuyện bình thường – chắc các anh đã quen với cung đường này. Tôi thì thở khẽ, nắm chặt tay vịn, mong nhanh đến nơi.
Cán bộ tín dụng Agribank Đình Lập tư vấn tín dụng cho người dân
Đường đi khó khăn là thế, nhưng điều mà những người làm tín dụng nơi đây trăn trở lại là vấn đề khác. Ông Vi Văn Đông, Phó Trưởng Phòng Tín dụng Agribank Đình Lập, người đã gắn bó với công tác tín dụng vùng khó tại huyện Đình Lập hơn 30 năm chia sẻ: “Không chỉ riêng thôn Hin Đăm mà đường tới các thôn, bản nơi đây thường phải vượt qua địa hình rừng núi, khe, suối,… mùa mưa bão về thì càng vất vả. Nhưng đi mãi rồi cũng quen, không đi được bằng ôtô thì đi xe máy, đi bộ. Điều khó khăn hơn mà chúng tôi luôn phải suy nghĩ khi đến được với các hộ dân là làm sao tuyên truyền cho bà con hiểu được các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đang triển khai hỗ trợ đồng bào, từ đó, người dân mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ có ý chí làm kinh tế, số tiền vay bị hạn chế; những hộ đủ tiêu chuẩn vay, lại không dám vay”.
Chính vì vậy, đi làm tín dụng tại các huyện miền núi biên giới như Đình Lập cũng không khác gì làm công tác dân vận, không chỉ riêng cán bộ tín dụng thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân mà đến những người ở vị trí quản lý như anh Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Agribank Đình Lập cũng quen mặt biết tên rất nhiều bí thư chi bộ, trưởng thôn, các tổ trưởng tổ vay vốn. Trong những năm công tác của mình, không biết bao nhiêu lần anh Dũng cùng cán bộ đã phải ăn ngủ tại thôn, bản để tuyên truyền về các chính sách vay vốn ưu đãi và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm hồ sơ, thủ tục vay.
Anh Hoàng Trung Dũng chia sẻ: “Sau những năm làm tín dụng tại Agribank Đình Lập, tôi thấm thía điều Bác dạy: “Bất kỳ việc to việc nhỏ, phải chịu khó giải thích cho mọi người dân hiểu rõ thì dân sẽ vui lòng làm, việc gì cũng thành công”. Do vậy, tôi cùng cán bộ chi nhánh đến tất cả các xã trên địa bàn huyện, từ các xã biên giới như: Bắc Xa, Bính Xá đến xã vùng cao, vùng sâu như Kiên Mộc, Đồng Thắng, Lâm Ca vận động các bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn và người có uy tín thành lập được 55 tổ vay vốn để thuận lợi trong việc tuyên truyền chính sách tín dụng đến người dân… Nhất là từ năm 2007 đến nay, thực hiện chủ trương vận động người dân vay vốn ưu đãi để trồng rừng, anh em chúng tôi thường nói vui: “Ở đâu có cây thông thì ở đó có dấu chân của cán bộ ngân hàng nông nghiệp”, mà tại Đình Lập, dõi mắt ra là nhìn thấy đồi thông xanh ngát, điệp trùng.
Trăm ngàn cái khó, nhưng với sự đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, cán bộ ngân hàng đã sẵn sàng vượt qua khó khăn, thậm chí “tạm quên” những quy định của ngành. Bởi đa số hộ dân vùng sâu, vùng xa khi vay vốn không đủ tài sản đảm bảo theo quy định, có những hộ có diện tích đất rừng khá lớn để thế chấp nhưng lại thiếu chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, qua thẩm định, rà soát, ngân hàng vẫn linh động cho vay. Đây gần như là hình thức cho vay “tín chấp”, bởi nếu áp dụng đúng theo quy định, thủ tục theo hồ sơ dự án để vay vốn ưu đãi thì người dân khó có thể tiếp cận nguồn vốn.
Giao tiền đến tay người dân rồi nào đã xong, cán bộ tín dụng phụ trách món vay lại tiếp tục phối hợp cùng cán bộ xã, tổ trưởng tổ vay vốn khảo sát, hướng dẫn người dân sử dụng vốn đúng mục đích và cùng cán bộ chuyên môn của huyện bám sát các hộ vay để hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sao cho đồng vốn được đồng bào sử dụng hiệu quả.
Đến nay, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đến được hầu hết các thôn, bản của huyện Đình Lập. Và nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Điển hình như hộ anh Triệu Văn Quân, thôn Hin Đăm, xã Kiên Mộc, nhờ 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi trồng rừng từ năm 2009, đến nay, gia đình anh đã có hơn 7 ha rừng thông, chỉ riêng khai thác nhựa đã cho thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Năm 2019, gia đình anh đã xây dựng được căn nhà mái ngói 3 gian kiên cố, khang trang.
Được biết, giờ đây xã nào của huyện Đình Lập cũng có triệu phú vươn lên từ vốn vay ưu đãi, có những thôn vùng sâu nhưng mức thu nhập bình quân đã đạt 100 triệu đồng/hộ/năm. Bà Lương Thị Hằng, tổ trưởng tổ vay vốn thôn Bình Lâm, xã Lâm Ca chia sẻ: Hơn 15 năm làm tổ trưởng tổ vay vốn, tôi đã chứng kiến sự đổi thay trên mảnh đất Lâm Ca xa xôi này. Chỉ riêng trong tổ vay vốn mà tôi phụ trách, từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 30 hội viên vươn lên khá giả, chưa kể những hội viên thoát nghèo nhờ đồng vốn ưu đãi. Trước năm 2016, khi quốc lộ 31 chưa được nâng cấp, mỗi lần đến xã Lâm Ca để họp tổ vay vốn hoặc hỗ trợ người dân làm thủ tục vay, cán bộ ngân hàng phải dắt bộ xe máy dưới trời mưa bùn đất bê bết, có hôm phải ở lại đến 3 ngày mới về được. Cũng nhờ sự tận tình đó của cán bộ tín dụng mà tổ viên của tổ lúc nào cũng đủ vốn, sản xuất hiệu quả, hiện tại có 68 hộ đang được vay vốn ngân hàng với dư nợ 5,15 tỷ đồng và nhiều năm nay không có trường hợp nào phát sinh nợ xấu.
Luôn đồng hành cùng người dân vùng khó, nên kết thúc năm 2019, thông qua Hội Nông dân huyện và các tổ vay vốn, Agribank Đình Lập tạo điều kiện cho gần 900 hộ dân các thôn, bản vay vốn phát triển kinh tế gia đình với tổng dư nợ hơn 75 tỷ đồng. Trong đó có hơn 70% nguồn vốn cho vay từ các chương trình ưu đãi như: cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 39/2007/QĐ-UBND và Quyết định 02/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh để phát triển rừng, cây ăn quả và chăn nuôi… Những người làm tín dụng đã, đang và luôn đồng hành cùng người dân Đình Lập vươn lên trong thời kỳ hội nhập.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()