Chuyện làm giàu của nông dân làng Hạ
Nông dân huyện Hạ Hòa thu hoạch chè. Là một vùng quê nghèo của huyện Hạ Hòa, trong những năm gần đây Ấm Hạ ( Phú Thọ) đã có nhiều khởi sắc trong đời sống kinh tế và văn hóa. Đói nghèo, gian khó đã nhường chỗ cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cùng chung tay làm nên diện mạo mới cho quê hương là sự năng động của những nông dân đang hòa mình trên con đường thoát nghèo.Là xã thuần nông, Ấm Hạ có tỷ lệ nông dân chiếm tới 90%. Những năm trước đây, số đông người dân đã rời quê hương đi làm thuê ở nơi khác hay xuất khẩu lao động. Chỉ còn lại một số ít nông dân ở lại lập nghiệp. Ngày đầu lập nghiệp, họ đứng trước nhiều khó khăn thử thách: không được học hành đầy đủ, nên kiến thức và tư duy lập nghiệp hạn chế, cộng với khó khăn về vốn, điều kiện sản xuất...Những năm qua, Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo công tác thủy lợi, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây...
|
Là xã thuần nông, Ấm Hạ có tỷ lệ nông dân chiếm tới 90%. Những năm trước đây, số đông người dân đã rời quê hương đi làm thuê ở nơi khác hay xuất khẩu lao động. Chỉ còn lại một số ít nông dân ở lại lập nghiệp. Ngày đầu lập nghiệp, họ đứng trước nhiều khó khăn thử thách: không được học hành đầy đủ, nên kiến thức và tư duy lập nghiệp hạn chế, cộng với khó khăn về vốn, điều kiện sản xuất…
Những năm qua, Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo công tác thủy lợi, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Từ định hướng chung ấy, nông dân và nhất là các hộ dân, đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng phát triển mô hình trang trại VAC, VACR. Khắc phục những khó khăn ban đầu, các hộ thanh niên đăng ký vay vốn theo chương trình liên tịch ký ủy thác giữa Hội Nông dân và Ngân hàng chính sách xã hội. Cùng với việc sử dụng vốn vay là việc học hỏi kinh nghiệm sản xuất và xây dựng mô hình kinh tế trang trại. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, kết hợp tổ chức sản xuất theo mô hình tổng hợp, hiện nay trên địa bàn toàn xã có hơn mười mô hình trang trại lớn nhỏ, trang trại gia đình mang lại hiệu quả bước đầu.
Trong phong trào nông dân phát triển kinh tế ở Ấm Hạ không thể không kể đến những cách làm táo bạo của hội viên, như trường hợp Vũ Văn Tuấn- (chi hội 4), với mô hình nuôi ong rừng cho năng suất và thu nhập cao. Dựa vào địa hình đồi núi trung du, khí hậu ổn định, sau nhiều trăn trở về lựa chọn cách làm kinh tế, anh Tuấn đã quyết tâm nuôi ong rừng ngay tại vườn nhà dưới chân núi Buộm. Đây là một nghề khá mạo hiểm mặc dù vốn đầu tư ban đầu không lớn, chủ yếu là nhờ vào sự may rủi của thiên nhiên, thời tiết nhưng hội viên Tuấn vẫn quyết tâm theo đuổi. Là loài vật nuôi có nguồn gốc từ núi rừng và là ấu trùng nên việc nhân giống ban đầu hết sức tỉ mỉ và khó khăn. Từ những ngày đầu, anh Tuấn phải lặn lội lên rừng sâu để tìm bắt những tổ ong đang chuẩn bị xây tổ mang về vườn nhà để nhân giống mùa sau.
Khi đã có một vài tổ, đến mùa thu hoạch, vào mùa đông, anh Tuấn có cách duy trì giống và nhân giống rất đặc biệt. Dùng rơm, rác phủ kín tổ ong tạo nơi trú ngụ mùa đông cho ong trưởng thành và giữ chân ong tại vườn nhà. Đến mùa sinh sản và xây tổ, mỗi con trưởng thành sẽ tự tách đàn và tự xây thành tổ riêng ngay trong vườn nhà và chung quanh ruộng lúa, ven rừng. Từ đó, Tuấn có thêm hàng trăm tổ ong. Với diện tích vườn khoanh nuôi hơn ba sào, cộng với đồi cây và chia làm ba khu nuôi, gia đình anh Tuấn đã nuôi hai giống ong chính mang lại hiệu quả kinh tế cao là ong vò vẽ và ong bầu đất. Trong đó, loại ong bầu đất có giá trị kinh tế cao hơn nhờ giá trị dinh dưỡng của nó, nhưng khó nuôi hơn. Đến nay, vườn ong nuôi của Tuấn đã lên tới hơn 300 tổ cộng với hơn 20 tổ ong bầu đất đang cho thu hoạch. Mỗi tổ ong vò vẽ bình thường cũng bán được từ 70 đến 100 nghìn đồng. Đặc biệt, giống ong bầu đất có thể cho giá từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng. Loại nhộng ong dùng làm thực phẩm với giá 100.000 đồng/kg. Kiên trì bền bỉ với nghề nuôi ong rừng này, mỗi năm vườn ong rừng đã mang lại cho gia đình Tuấn thu nhập tương đối cao từ 30 triệu đồng đến 35 triệu đồng.
Lấy nông nghiệp là gốc, nông dân trong xã phát triển các loại hình kinh tế ngay tại chính quê hương mình. Một trong những hình thức đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao đó là sự nhân rộng các cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp mà sản phẩm chính là gỗ bóc xuất khẩu được sơ chế từ rừng của người dân địa phương. Những xưởng chế biến gỗ ngày một nhiều ở Ấm Hạ. Các ông chủ không phải ai khác, đều là nông dân ở tuổi ba mươi. Cái để họ có được là những chủ trương đúng đắn của Đảng ủy, chính quyền địa phương trong việc tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích người dân đa dạng hóa các loại hình phát triển kinh tế.
Vốn là một địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nghề dịch vụ kinh doanh, sản xuất TTCN, xây dựng, một số cơ sở sản xuất chế biến nông lâm sản tiếp tục được đầu tư có hiệu quả. Các mặt hàng truyền thống như chế biến chè, mộc dân dụng, chế biến gỗ, ván bóc tiếp tục được duy trì và phát triển, tạo được nhiều việc làm cho nông dân. Toàn xã hiện có 16 nhóm hộ nông dân sản xuất, chủ yếu là chế biến gỗ, sơ chế chè, gia công cơ khí, gạch ốp; giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động là nông dân tại địa phương và các vùng lân cận, giúp họ có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống. Điển hình từ phong trào này là các tấm gương nông dân vượt khó, năng động lập xưởng chế biến gỗ trên địa bàn xã như hội viên Nguyễn Tiến Vi – (Chi hội 3), chủ một xưởng gỗ bóc ở Ấm Hạ. Xưởng gỗ của anh Vi được lập vào năm 2008 khi thị trường đang có nhu cầu lớn về sản phẩm sơ chế gỗ ván xuất khẩu. Bám vào thị trường và đặc thù quê hương lắm núi nhiều đồi và đặc biệt là gần Lâm trường Thanh Hòa với bạt ngàn rừng keo, bồ đề đang tới kỳ thu hoạch, gia đình anh Vi đã quyết định mở xưởng ngay tại chân rừng thuộc địa bàn khu 6 xã Ấm Hạ. Không có đất để mở xưởng, anh Vi đã hợp đồng thuê 1.000 m2 đất của người dân khu đó trong vòng năm năm/hợp đồng để xây dựng xưởng. Được sự quan tâm của Nhà nước trong việc cho vay nguồn vốn để phát triển kinh tế, anh Vi vừa học hỏi cách làm vừa tìm hiểu thị trường gỗ ván sao cho sự điều tiết sản phẩm chế biến của xưởng mình phù hợp. Số vốn ban đầu anh dành mua máy bóc với số tiền 135 triệu đồng cộng với các trang thiết bị cần thiết khác. Mỗi ngày xưởng gỗ của anh sơ chế 10 m3 gỗ và cho ra đời từ 6 đến 7 m3 thành phẩm. Những sản phẩm sơ chế được mang về tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội và Lạng Sơn, mang lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 20 triệu đồng/tháng. Cũng như các xưởng gỗ trên cùng địa bàn, xưởng chế biến gỗ của anh còn tạo công ăn việc làm cho 20 lao động với thu nhập ổn định từ 1,3 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng.
Từ những mô hình nông dân làm kinh tế ở Ấm Hạ cho thấy ý chí, nghị lực và khao khát vươn lên làm giàu trên đất quê hương. Nông dân Ấm Hạ đã bước tiến mạnh mẽ vào mặt trận phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học – kỹ thuật khi mà phong trào 'thi đua lao động sản xuất giỏi' và Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh' đi sâu và có sức lan tỏa trong phong trào nông dân. Diện mạo nông thôn mới cùng với những ảnh hưởng tích cực trong việc hỗ trợ và giải quyết việc làm cho hàng trăm nông dân trong xã sẽ là tín hiệu đáng mừng cho con đường thoát nghèo của nông dân Ấm Hạ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()