Chuyện lạ ở Hà Nội: Chủ tịch xã không mặn mà “khuyến học”
NDĐT- Cảm phục những em nhỏ hiếu học có hoàn cảnh khó khăn, với tâm nguyện muốn góp một phần nhỏ bé nhằm động phong trào hiếu học ở địa phương, có ít vốn liếng tích trữ từ lâu, anh Tâm định trao quà cho những học sinh nghèo, vượt khó trong thôn nhưng lại bị chính Chủ tịch xã gây khó dễ…
Dư luận thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội) chưa hết xôn xao vì trường hợp một nhà hảo tâm muốn trao quà động viên những trường hợp học sinh nghèo, vượt khó trong thôn nhưng lại gặp phải cản trở từ chính Chủ tịch xã. Hành vi trên không chỉ khiến các bậc phụ huynh và các em nhỏ mà còn có rất nhiều vị chức sắc ở địa phương bất bình.
Trước sự việc “lạ đời” này, chúng tôi đã đến tìm hiểu nguồn cơn cơ sự. Qua tìm hiểu những người dân trong xã, sự việc bắt đầu phát sinh từ giữa tháng 9 vừa qua, khi người muốn trao quà cho các em học sinh nghèo vượt khó chính là một người dân đang sinh sống ngay tại thôn Bạch Trữ, anh Đỗ Viết Tâm.
Lặn lội mãi, chúng tôi mới gặp được “khổ chủ”. Anh Tâm cho hay, Bạch Trữ là một thôn nghèo của xã Tiến Thắng, nhưng nhiều năm qua, luôn có những em học sinh hoàn cảnh khó khăn vẫn cố gắng vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập. Sống ngay trong thôn, chứng kiến những hoàn cảnh như vậy, anh Tâm đã ấp ủ ước vọng muốn đóng góp ít nhiều để động viên các em, đồng thời góp phần đẩy mạnh phong trào hiếu học của xã nhà.
Và anh đã quyết định bỏ ra số vốn liếng tích cóp từ công việc buôn bán của gia đình để trao quà cho các em học sinh vượt khó, dự kiến vào đúng dịp kỷ niệm 59 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2013).
Dự định ấp ủ từ lâu, anh Tâm định trao quà vào đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô cho thêm phần ý nghĩa. Chương trình đã được anh Tâm và bạn bè lên lịch kỹ càng, báo cáo với trưởng thôn Bạch Trữ, Ban khuyến học xã Tiến Thắng, có sự ủng hộ từ ông Đỗ Quang Vũ – Nguyên Phó Chủ tịch huyện Mê Linh – hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội khuyến học huyện Mê Linh, đặc biệt là sự đồng tình từ đông đảo người dân địa phương.
Tưởng mọi việc suôn sẻ, ai ngờ khi trình bày nguyện vọng lên UBND xã Tiến Thắng, kế hoạch của anh Tâm bị ông Đỗ Đăng Sửu – Chủ tịch xã từ chối thẳng thừng. Nói với phóng viên, Chủ tịch xã Đỗ Đăng Sửu giải thích “nếu muốn trao quà, anh Tâm phải đợi một dịp khác, có thể vào Tết Âm lịch tới”.
Sự từ chối của vị đại diện chính quyền khiến không chỉ anh Tâm mà người dân trong thôn Bạch Trữ vô cùng khó hiểu.
“Tôi muốn động viên các em ngay dịp đầu năm học để các em tiếp tục phấn đấu, học tốt nhưng không hiểu vì lý do gì, lãnh đạo xã lại không đồng ý. Gia đình tôi làm kinh doanh, nhân lúc làm ăn tốt, dư giả, tôi mới có cơ hội đóng góp cho địa phương. Nếu lùi lại vài tháng nữa, chẳng may rủi ro, gia đình khó khăn, tôi kiếm đâu ra tiền để ủng hộ”, anh Tâm chia sẻ.
Nói với phóng viên, ông Đỗ Viết Quang, 72 tuổi, một người luôn đi đầu trong phong trào khuyến học tại thôn Bạch Trữ cho biết: “Cách đây vài năm, tôi là một trong những người đầu tiên kêu gọi, lập ra quỹ khuyến học của thôn. Để kêu gọi ủng hộ cho quỹ, tôi từng phải đạp xe khắp nơi để đưa thư ngỏ, trình bày với các doanh nghiệp mà cũng chẳng được là bao. Nay anh Tâm tự nguyện đóng góp, lại là cá nhân đầu tiên trong thôn, tôi thấy quá tốt, nhiều nơi muốn mà không được. Người dân trong thôn phấn khởi, Hội khuyến học huyện ủng hộ, riêng UBND xã lại gây khó dễ. Tôi thấy rất bất bình”.
Để tìm hiểu phản ứng lạ lùng này, PV đã trao đổi với ông Đỗ Đăng Sửu, Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng. Ông Sửu cho biết: “Muốn tổ chức trao quà cho các em học sinh thôn Bạch Trữ, anh Tâm phải báo cáo chương trình cụ thể tới xã, lãnh đạo xã xin ý kiến Đảng ủy xem có được tổ chức hay không? Quan điểm của xã rất ủng hộ hành động của anh Tâm, nhưng các đồng chí dưới thôn Bạch Trữ nói, thời gian này bận nhiều việc chưa tổ chức được và muốn lùi tới Tết Âm lịch tổ chức trao quà cùng đợt với xã luôn”.
Điều khó hiểu là, trong khi vị đại diện lãnh đạo xã “đẩy” lý do không đồng ý tổ chức chương trình trao quà của anh Tâm cho lãnh đạo thôn, thì chính ông Nguyễn Kim Sự, trưởng thôn Bạch Trữ lại xác nhận: “Tôi đích thân lên báo cáo Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng, nhưng ông Sửu không đồng ý tổ chức, phải đợi tới khi UBND xã cho phép vào cuối năm Âm lịch”.
Theo ông Quang, anh Tâm là cá nhân đầu tiên tại địa phương muốn đóng góp cho quê hương, đáng ra chính quyền nên ủng hộ, đón nhận để tạo phong trào. “Một việc rất đơn giản, nhưng không hiểu sao chính quyền lại phức tạp hóa vấn đề khiến những người muốn đóng góp cho quê hương thấy nản vì cảm thấy tấm lòng của họ không được trân trọng”, ông Quang nói.
Thiết nghĩ, khuyến học không chỉ là nét đẹp văn hóa “tôn sư – trọng đạo” của người Việt, mà còn một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được toàn thể xã hội đồng tình hưởng ứng.
Không lẽ tại một xã nghèo có những tấm gương hiếu học và có cả những tấm lòng vì sự nghiệp khuyến học ở ngay giữa Thủ đô, mà lại có những vị lãnh đạo hành xử thế sao?
Câu hỏi này xin để chính quyền xã Tiến Thắng trả lời.
Ý kiến ()