LSO- Lần thứ nămNăm 1965, lúc đó tôi là Phó Trưởng ty Văn hoá và đồng chí Hoàng Thiện Đường là Trưởng đoàn Văn công, lãnh đạo đoàn tỉnh Lạng Sơn tham gia Hội diễn các tỉnh mền núi phía Bắc. Trong thời gian tham gia Hội diễn, tại Hà Nội, Uỷ ban dân tộc Trung ương phối hợp với Bộ Văn hoá thông tin tổ chức triển lãm “Đoàn kết dân tộc chống Mỹ cứu nước” tại số 45 Tràng Tiền.Tôi được Ban tổ chức giao trách nhiệm lập danh sách mỗi tỉnh được cử từ 4-6 diễn viên văn công mặc sắc phục các dân tộc đến xem triển lãm để “đón khách trọng”; khi tôi đến Ban tổ chức đưa danh sách, các cán bộ Ban tổ chức cho biết: sáng nay có đơn vị bộ đội đến làm việc và kiểm tra việc bảo vệ an toàn! linh tính và nhạy cảm, tôi nghĩ “đón khách trọng” là hy vọng và may mắn cơ hội được gặp Bác Hồ đến xem triển lãm và thực sự đã đúng: Bác đến.Các đồng chí Dương Công Hoạt - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Trung ương, đồng...
LSO- Lần thứ năm
Năm 1965, lúc đó tôi là Phó Trưởng ty Văn hoá và đồng chí Hoàng Thiện Đường là Trưởng đoàn Văn công, lãnh đạo đoàn tỉnh Lạng Sơn tham gia Hội diễn các tỉnh mền núi phía Bắc. Trong thời gian tham gia Hội diễn, tại Hà Nội, Uỷ ban dân tộc Trung ương phối hợp với Bộ Văn hoá thông tin tổ chức triển lãm “Đoàn kết dân tộc chống Mỹ cứu nước” tại số 45 Tràng Tiền.
Tôi được Ban tổ chức giao trách nhiệm lập danh sách mỗi tỉnh được cử từ 4-6 diễn viên văn công mặc sắc phục các dân tộc đến xem triển lãm để “đón khách trọng”; khi tôi đến Ban tổ chức đưa danh sách, các cán bộ Ban tổ chức cho biết: sáng nay có đơn vị bộ đội đến làm việc và kiểm tra việc bảo vệ an toàn! linh tính và nhạy cảm, tôi nghĩ “đón khách trọng” là hy vọng và may mắn cơ hội được gặp Bác Hồ đến xem triển lãm và thực sự đã đúng: Bác đến.
Các đồng chí Dương Công Hoạt – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Trung ương, đồng chí Nguyễn Đức Quỳ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá thông tin và cán bộ thuyết minh, anh chị em văn công ào ra đón, mừng rỡ hô to: Bác Hồ! Bác Hồ đến!.
Tôi cùng với các đồng chí lãnh đạo và Ban tổ chức triển lãm đón Bác vào; Câu đầu tiên Bác hỏi:…. “Xem từ đâu các chú?” mọi người báo cáo: Thưa Bác xem từ bên phải trở đi ạ.
Các thuyết minh giới thiệu với Bác Hồ về địa lý, hình ảnh lớn về các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc là nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, có các mỏ khoáng sản kim loại quý, có rừng vàng, có thú rừng quý hiếm như hổ, báo, gấu, voi…
Bác nói ở đâu có rừng già ở đó có hổ, Bác hỏi các cháu xem mấy năm nay (1960-1961) cả miền Bắc phát động “tết trồng cây” các cháu mỗi người đã trồng được bao nhiêu cây?
Thuyết minh trả lời: Thưa Bác cháu trồng được 4 cây ạ – Bác cười dịu dàng nói như thế là ít, miền núi cần bảo vệ rừng đã, đang có, cần thi đua trồng cây gây rừng cho nhiều…. Bất giác tôi nhớ tới những năm trước Bác đã có bài thơ “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Khi thuyết minh giới thiệu về hình ảnh các đoàn dân công các tỉnh Việt Bắc tham gia tiếp tế lương thực, tiếp đạn, tải thương trong chiến dịch “Cao Bắc Lạng”. Tháng 10 năm 1950, giải phóng biên giới, Bác chăm chú xem, đột nhiên Bác nói “Bác cũng đi chiến dịch sao không có ảnh Bác, người thuyết minh thưa với Bác: “Thưa Bác chúng cháu đang sưu tầm ạ”, và ngay chiều hôm đó – ảnh Bác Hồ cùng bộ đội ngồi trên núi cao quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê trong chiến dịch biên giới (1950) được treo ở vị trí trang trọng trong triển lãm.
Thuyết minh giới thiệu về Việt Bắc là căn cứ địa của cách mạng, của kháng chiến; tại khu rừng Hoàng Hoa Thám thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng là nơi khai sinh đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22/12/1944) tiền thân Quân đội nhân dân Viêt nam.
Bác liền hỏi các đồng chí lãnh đạo: Thế chú Thạch hiện nay làm gì? ở đâu?; đồng chí Dương Mạc Thạch bí danh là Xích Thăng là đội viên đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (1944). Cả hai đồng chí Hoạt và đồng chí Đức Quỳ suy nghĩ giây lát rồi báo cáo: “thưa Bác đồng chí Thạch hiện nay làm Chủ tịch tỉnh Hà Giang ạ”. Bác nói thế là tốt.
Tôi là người giữ trật tự đưa dẫn Bác xem triển lãm ngót một tiếng, thấy lâu sợ Bác mỏi liền mời Bác ngồi nghỉ, Bác nói chuyện với cán bộ, nhân viên, diễn viên văn công và thuyết minh. Bác nói… “Nhiệm vụ của miền Bắc đã được giải phóng, làm cách mạng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội- miền Nam làm cách mạng, tiếp tục đấu tranh để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước….. Cuối năm 1964, giặc Mỹ dùng máy bay bắn phá miền Bắc nước ta. Quân và dân miền Bắc đã anh dũng đánh trả quyết liệt, bắn hạ một số máy bay giặc mỹ và bắt sống giặc lái…”.
Bác có ý kiến xem buổi triển lãm xong rồi bây giờ các cháu hát một bài do các cháu chọn, mọi người đề nghị Bác hát bài “đoàn kết” ạ. Bác bảo hát đoàn kết thì vẫn hát…Bây giờ (1965) phải hát bài “Giải phóng miền Nam”, có chị em đề nghị Bác bắt nhịp – Bác bảo các cháu cử người bắt nhịp Bác cùng hát. Từ phía dưới cô Phùng Dắn văn công Lạng Sơn tiến lên: “thưa Bác cháu nhận bắt nhịp ạ”. Mọi người xúc động được hát cùng Bác. Thật may mắn và vinh dự, ai nấy thoả niềm mong ước được gặp và ghi sâu những kỷ niệm và lời của Bác dạy; nguyện hứa với Bác sẽ hy sinh phấn đấu cho lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa và cho tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”- tất cả cho giải phóng miền Nam thống nhất đất nước..
Tiễn bước Bác ra về, ai nấy đều bịn rịn rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào xúc động và nhìn theo Bác vào xe, đoàn xe chuyển bánh rời khỏi nhà triển lãm.
Từ những lần được gặp và phục vụ Bác, tôi thấy từ Bác sáng ngời tấm lòng yêu thương muôn vàn kính yêu, đối với cán bộ và nhân dân ta. Mỗi một người việc tu luyện đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn trong đời tư cũng như đời công- sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu; trong mọi mối quan hệ từ hẹp đến rộng, từ nhỏ đến lớn – gia đình, nhà trường, xã hội; từ quan hệ bạn bè, đồng chí, anh em đến quan hệ tập thể, với cấp trên, cấp dưới, với Đảng, với nước, với dân… Trong cuộc sống của mình mỗi người có nhiều cương vị, nhiều vai trò khác nhau đòi hỏi phải điều chỉnh hành vi của mình, và phẩm chất đạo đức của mỗi người được thể hiện rất cụ thể, phong phú, đa dạng. Có rèn luyện công phu, con người mới có được phẩm chất đạo đức tốt đẹp và những phẩm chất ấy ngày càng được bồi đắp nâng cao. Qua những lần gặp gỡ ngắn ngủi với Bác và trong giai đoạn hiện nay Đảng ta đang thực hiện Cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tôi càng nhận thức sâu sắc cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh là minh chứng hùng hồn cho tấm gương kiên trì, bền bỉ, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó đặc biệt là tư tưởng đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân ta học tập và noi theo. Về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đó là đề tài vô tận, rất phong phú và đa dạng. Trên đây là những hồi tưởng, cảm nhận ghi lại của tôi về những lần được gặp và phục vụ Bác, tôi hy vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ bé vào Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Lạng Sơn, ngày 15 tháng 4 năm 2010
Hồi ức và ghi lại
(1) Trích những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Nhà xuất bản sự thật, 1956, Tr.33,35.
(2) Trích tài liệu cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.
(3) Trong sách Hồ Chí Minh toàn tập, Tr.354.
“Tập “Chuyện kể những lần được gặp và phục vụ Bác Hồ”. In tại Thư viện Tỉnh Lạng Sơn.
Chu Đình Khánh
Ý kiến ()