Thứ 4, 01/01/2025 08:01 [(GMT +7)]
"Chuyện kể những chiếc giày" tái ngộ khán giả
Thứ 4, 04/08/2010 | 09:22:00 [(GMT +7)] A A
Dù đã được công diễn 2 lần vào năm 2009 nhưng dường như Chuyện kể những chiếc giày vẫn chưa làm thỏa lòng người hâm mộ, đặc biệt là với những ai trót đam mê nghệ thuật múa. Vào lúc 20h hôm nay 3/8, chương trình sẽ được tái diễn tại nhà hát lớn TP.HCM.
Hình ảnh chiếc giày gắn với những câu chuyện cổ tích mẹ kể ngày bé; giày thủy tinh của cô bé lọ lem, đôi hia bảy dặm, đôi hài của chị Tấm dịu hiền đều đem lại cho mỗi người một quãng trời tuổi thơ hạnh phúc. Chuyện kể những chiếc giày dành cho những người không còn bé – những khán giả quan tâm thật sự đến bộ môn nghệ thuật múa…
Các nghệ sĩ múa trong tiết mục Ước. |
Không ánh đèn rực rỡ, không phông màn trang trí, không tiếng nhạc du dương… – sân khấu, cuộc đời thứ hai của người nghệ sĩ, hiện lên chân thật hơn bao giờ hết dưới ánh sáng trắng của những ngọn đèn nê-on chỗ mờ chỗ tỏ, với các đạo cụ ngổn ngang và trong tiếng khán giả cười nói lao xao…
Hình ảnh cuộc sống đời thực của họ sẽ được chắt chiu lại trong những tiết mục: Chuyện sàn tập, Chuyện đời thường, Ngã rẽ, Năng lượng, Chuyện kế tiếp … Đau đáu trong những động tác hình thể đó là những nỗi niềm, những tủi nhục của người nghệ sĩ khi phải “chạy show”, phải vất vả mưu sinh bằng “diễn” đám cưới, múa minh họa làm nền cho ca sĩ ngôi sao… Để rồi khi đêm về chợt thấy tủi phận cho niềm đam mê của mình, cho một bộ môn nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức…
Vở diễn đã từng chạm đến tận cùng cảm xúc của khán giả khi đề cập đến vấn đề nhức nhối của xã hội đương đại – đồng tính. Những giọt nước mắt lẻ loi của Chí Cường trong Chuyện của Mén trên một sân khấu mênh mông cho khán giả một ánh nhìn cảm thông về sự cô đơn đến cùng cực của những người thuộc giới tính thứ 3, khi mà xã hội chưa bao giờ chấp nhận họ… Hay niềm riêng, cách đau đáu nỗi lòng của chàng trai nghèo rời quê hương đeo đuổi niềm đam mê ở chốn phồn hoa, xa lạ (tiết mục Xa nhà ), một Tố Như rưng rưng, quay quắt với thuở vàng son của người nghệ sĩ trong Kỷ niệm … Tất cả làm nên chân dung chân thực nhất về những chiếc giày vải – hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những nghệ sĩ múa.
Tiết mục “Anh em nhà Thùy Chi”. |
Với đa số khán giả, múa vẫn còn là bộ môn nghệ thuật xa lạ, chưa được nhìn nhận đúng, ngay cả với công sức, tâm huyết của người diễn viên. Nghệ sĩ múa phải đối mặt với những khó khăn tài chính và chấp nhận là vai phụ dưới ánh đèn sân khấu. Tuy nhiên, những khó khăn đó cũng không thể khiến các nghệ sĩ múa chùn bước. Họ vẫn bay bổng trên đôi giày múa, vẫn đeo đuổi những khát khao tâm hồn để giữ mãi ước mơ được múa. Buồn tủi đó để rồi những người nghệ sĩ chân chính lại tự thắp lên trong lòng những đốm sáng hy vọng, những ước mơ cháy bỏng về nghề nghiệp, về các thế hệ trẻ tiếp nối (trong Ước, Chuyện kế tiếp).
Chương trình được thực hiện bởi biên đạo múa Tấn Lộc và vũ đoàn Arabesque. Đặc biệt trong đêm diễn còn có sự xuất hiện của diễn viên múa Thùy Chi.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()