Chuyển hướng sản xuất, tiêu dùng xanh
Sản xuất và tiêu dùng bền vững đang là xu hướng mà nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lựa chọn để phát triển lâu dài. Góp phần thúc đẩy quá trình này, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp như liên kết, xây dựng, hình thành Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn.
Tham gia lễ phát động tiêu dùng xanh, bền vững và chương trình liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ và các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức mới đây, Công ty MUSA PACTA đã giới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường được sản xuất từ cây chuối.
Ông Bùi Khánh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty MUSA PACTA cho biết, bình thường, người nông dân sau khi thu hoạch chuối thường vứt bỏ thân chuối hoặc chỉ làm thức ăn cho gia súc. Nhưng với cách xử lý của MUSA, cây chuối đã trở thành nguyên liệu để sản xuất giấy các loại, sợi vải chuối, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và cả nước dinh dưỡng cho cây trồng…
Sản phẩm của công ty không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước mà đã xuất khẩu đi nhiều thị trường nước ngoài. Sau các nhà máy tại Hà Nội, đơn vị đang phát triển thêm các vùng sản xuất hữu cơ và xây dựng các nhà máy sản xuất theo quy trình khép kín, tuần hoàn tại Lào Cai, Hải Dương, Thanh Hóa…
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là với thương mại điện tử, các bao bì đóng gói gây ra lượng rác phát thải vô cùng lớn. Ông Nhâm Sỹ Nguyên, Trưởng phòng Kinh doanh chi nhánh Hà Nội của Công ty TNHH Bao bì TQT cho biết, đơn vị chuyên sản xuất, thiết kế, in ấn các loại giấy carton, bao bì carton, thùng giấy đóng hàng... Trước xu thế phát triển xanh và bền vững, công ty đã chuyển đổi nguyên liệu sang loại thân thiện môi trường, tự phân hủy cao, kể cả với các sản phẩm từ nhựa, ni-lông.
Đương nhiên, giá thành vì thế cũng có cao hơn các sản phẩm thông thường một chút nhưng vì lợi ích lâu dài, bền vững, công ty vẫn lựa chọn chuyển đổi. Về phía khách hàng, đối tác cũng thay đổi nhận thức và dần ưu tiên các sản phẩm giấy, thân thiện môi trường hơn.
Công ty cố gắng thay đổi máy móc, áp dụng công nghệ mới, tiết giảm chi phí để giảm giá thành cho các sản phẩm thân thiện môi trường, tăng tính cạnh tranh. “Trong tương lai, tiêu dùng xanh sẽ là xu thế tất yếu”, ông Nhâm Sỹ Nguyên nhấn mạnh.
Tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội, bên cạnh việc đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội thì sản xuất tại các làng nghề cũng đang gây ra nhiều vấn đề tác động, ảnh hưởng không tốt đến môi trường.
Tại các làng gốm cổ trên địa bàn huyện Gia Lâm như Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan, các cơ sở sản xuất tại đây đã chuyển đổi từ lò than truyền thông sang lò ga để nung gốm.
Giám đốc công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh cho biết, tuy đầu tư lò ga tốn rất nhiều chi phí nhưng bù lại đã giúp giảm lượng khí thải CO2, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, không còn xỉ than thải ra môi trường. Bên cạnh đó, việc chuyển sang lò ga còn giúp tăng cao năng suất và chất lượng sản phẩm so với sử dụng lò than truyền thống, mang lại hiệu quả cao.
Do đó, hầu hết tất cả các lò gốm trên địa bàn đã chuyển sang lò ga. Trong quá trình đóng gói sản phẩm, các cơ sở sản xuất gốm sứ cũng lựa chọn thùng bìa carton thân thiện môi trường để đóng gói, hạn chế sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong những năm qua, TP Hà Nội đã quan tâm và chỉ đạo Sở Công Thương cũng như các sở, ban, ngành khác tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng với các doanh nghiệp, người tiêu dùng như: Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững; sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, tư vấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế...
Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều chuỗi kết nối sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các ngành sản xuất theo từng lĩnh vực chuyên đề như: Ngành sơn mài, mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, ngành chế biến nông sản, gốm sứ, dệt may - thời trang, điện tử - đồ gia dụng...
Qua đó, hình thành nên Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn Thủ đô. Những chương trình, hoạt động này đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời, gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Hoàng Minh Lâm cho biết, chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của thành phố Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tự hủy, tái sử dụng và các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế xanh của Thủ đô.
Phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều mong muốn, sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành và các cơ chế ưu đãi của Chính phủ, thành phố trong quá trình phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty MUSA PACTA Bùi Khánh Dũng bày tỏ: “Có một thực tế, phần lớn các chương trình hỗ trợ hiện nay mới dừng ở các chương trình chung chung, thí dụ như là hợp phần trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… Song để tạo dựng được đội ngũ doanh nghiệp dấn thân vào lĩnh vực khó khăn, nhiều rủi ro và mang tính đặc thù này, chúng tôi rất mong có cơ chế hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp phát triển bền vững, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp không phát thải, nhất là trong tiếp cận đất đai, vốn…”.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững là từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm. |
Ý kiến ()